Vừa nhìn thấy chiếc váy Zara gần 800.000 đồng treo trên kệ, chị Ngân – nhân viên một nhà băng tại Hà Nội quyết mua luôn làm quà sinh nhật cho cô con gái nhỏ. Với số tiền này, chị có thể mua 3 sản phẩm của hãng thời trang nội, nhưng kiểu dáng mới lạ của chiếc váy là yếu tố quyết định khiến bà mẹ trẻ không hề đắn đo.
Sự lựa chọn của chị Ngân và không ít bạn trẻ khác cho thấy nhiều người Việt sẵn sàng chi tiền mua hàng hiệu nước ngoài thay vì các hãng thời trang trong nước. Một khảo sát của Niesel gần đây cũng cho thấy xu hướng này. Khảo sát cho thấy người Việt đứng thứ 3 thế giới về mê hàng hiệu, sau Trung Quốc và Ấn Độ.
Sự đổ bộ của đại gia ngoại khiến thị trường nhớ về các thương hiệu trong nước ‘vang bóng một thời’ đang đuối sức sau thời kỳ phát triển ồ ạt.
Xuất hiện đầu những năm 2000 có khá nhiều nhãn hiệu thời trang có thể nhắc tới như Foci (Công ty Thời trang Nguyên Tâm), NinoMax (Công ty thời trang Việt), BlueExchange (Công ty thời trang Xanh cơ bản), PT2000 (Công ty May Phạm Tường 2000)… Trong số này, Foci đã biến mất, số còn lại vẫn tồn tại nhưng khá mờ nhạt.
Ra đời năm 1999, Foci từng rất thành công khi được định vị ở phân khúc trung cấp. Tám năm sau hãng đã mở rộng hệ thống 60 cửa hàng tại hầu khắp các thành phố lớn. Tồn tại được 14 năm, bất ngờ vào cuối năm 2012 Foci tuyên bố rút khỏi thị trường mà theo lý giải của chủ doanh nghiệp ở thời điểm đó là “gặp khó vì sức mua giảm, không thể cạnh tranh với hàng Trung Quốc giá rẻ”.
Không hẳn biến mất như Foci nhưng những cái tên như Ninomaxx hay BlueExchange, Việt Thy… phai mờ dần và đang tồn tại yếu ớt so với thời hoàng kim cách đây chục năm.
Từ hơn 200 cửa hàng trên toàn quốc, hiện hệ thống Thời trang Việt đang dần thu hẹp, hãng cũng ‘khai tử’ nhãn hiệu Maxx Style – một trong 3 dòng sản phẩm hướng tới phân khúc bình dân. Thay vì phát triển, mở rộng các cửa hàng tại tuyến phố thời trang lớn, hiện số cửa hàng tồn tại của Ninomax tập trung chủ yếu tại các trung tâm thương mại bình dân. Với 2 nhãn hàng còn lại là N&M và Ninomaxx, Thời trang Việt đang quyết tâm củng cố thị phần bằng cách thay đổi mẫu mã sản phẩm. Dù vậy trước sóng cạnh tranh đại gia ngoại, giới chuyên môn cho rằng, hãng cũng sẽ gặp không ít sự cạnh tranh.
Một số thương hiệu thời trang khác được xem là có chỗ đứng trên thị trường như May 10, Việt Tiến, An Phước… lại chỉ tập trung ở phân khúc khá hẹp, thời trang công sở.
Giới chuyên môn cho rằng, lâu nay trong ngành bán lẻ thời trang tại nhiều quốc gia Zara và H&M đang bị gọi là “kẻ tàn sát” khi bắt đầu tham gia xu thế giảm chi phí, hạ giá thành nhằm tăng áp lực cạnh tranh. Nếu các thương hiệu cùng phân khúc ở trong nước không kịp bừng tỉnh và toan tính lại bước đi, cơn bão đổ xuống các thương hiệu Việt chắc chắn không xa.
Sự đuối sức của các hãng thời trang Việt sau một thời gian phát triển ồ ạt được giới chuyên môn lý giải, ngoài khó khăn về chi phí, mặt bằng, doanh nghiệp Việt Nam cũng đuối sức khi không nắm bắt xu thế thiết kế mới, không đem lại trải nghiệm phong cách cho người tiêu dùng, không thay đổi cách quảng bá sản phẩm...
“Cần tiền và bản sắc riêng”, câu trả lời dứt khoát của ông Lê Tiến Trường – Tổng giám đốc Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) trước câu hỏi về điều kiện có thể giúp thời trang Việt trụ vững, cạnh tranh với sự đổ bộ ồ ạt của các đại gia ngoại.
Ông Trường thừa nhận chuyện xây dựng được thương hiệu thời trang Việt Nam không hề dễ dàng. “Chúng ta hoàn toàn may được những sản phẩm mà Zara, HM bán trên thị trường Việt Nam, thậm chí hàng còn cao cấp hơn với giá chỉ bằng 60%, song định vị thương hiệu thời trang Việt Nam trên bản đồ thời trang thế giới hay không lại là chuyện khác”, ông nói.
Tổng giám đốc Vinatex phân tích, thương hiệu thời trang thế giới được xây dựng, phân chia theo: nhóm cường quốc kinh tế như Mỹ; nhóm nước được mệnh danh là ‘trung tâm văn hoá, tiềm ẩn giá trị sâu’ như Italy, Pháp… và cuối cùng nhóm có tính cách riêng như Nhật Bản, Hàn Quốc…
Để người tiêu dùng quyết định mở hầu bao mua một sản phẩm, theo CEO Vinatex, trước hết, họ phải “ngưỡng mộ quốc gia đó”. Người tiêu dùng sẵn sàng mua 2 sản phẩm đắt thay vì 3 chiếc áo rẻ vì họ có sự ngưỡng mộ nhất định.
Dẫn trường hợp Trung Quốc, ông lý giải thêm, dù quốc gia này là công xưởng sản xuất thời trang của thế giới nhưng tới giờ vẫn chưa có một thương hiệu thời trang quốc tế được ghi nhận, bởi “người tiêu dùng vẫn quan niệm quần áo Trung Quốc là giá rẻ”.
Với Việt Nam, “cái bí của chúng ta là chưa chọn được hướng đi nào để tạo ra bản sắc riêng và người làm thời trang ‘chết’ quá nhiều”.
“Hàng thời trang từ khâu thiết kế tới lúc đưa ra kệ siêu thị, cửa hàng tới một nửa phải chịu vòng giảm giá. Nghĩa là chiếc áo đầu tiên có thể anh bán thu lời 500%, nhưng khoản lãi này sẽ phải chia sẻ rủi ro cho tất cả sản phẩm bán giảm giá sau này, ngay cả chiếc cuối cùng làm từ thiện”, ông cắt nghĩa.
Một điểm nữa theo Tổng giám đốc Vinatex giúp các thương hiệu thời trang bình dân như Zara, HM… bước đầu thắng lớn khi đặt chân vào thị trường Việt, là do các hãng này áp dụng công nghệ 4.0, tổ chức sản xuất theo chuỗi lớn (big data) theo nhu cầu thị trường… Khi một mẫu áo đang bán chạy, họ sẵn sàng tăng chuyền 200% để chỉ sản xuất, phân phối ngay lập tức mẫu đó trên thị trường, và ngược lại.
“Để làm được điều này không gì khác là áp dụng công nghệ, sản xuất và điều phối theo chuỗi lớn”, ông chốt lại.