Anh Sùng A Vư cầm một hộp thuốc trên tay dán nhãn chữ Trung Quốc vừa mua được chia sẻ: "Mua để dùng thôi. Sử dụng như thế nào, nguồn gốc ở đâu thì mình cũng không biết, chỉ vào đây xem quán này có thì mua".
Còn bản thân người bán, dường như chỉ dựa vào kinh nghiệm và thói quen để kinh doanh sản phẩm trên cơ sở là niềm tin. Chị Sùng Thị May, chủ một sạp hàng bán thuốc tại chợ phiên Sín Chéng nói: "Giả sử mình ho, mình ốm, mình dùng khỏe rồi thì mình mới lại bán cho khách. Vì mình đã uống không sao thì họ mới dám mua về chứ. Mình không dùng thử trước thì làm sao khách dám mua".
Thuốc tân dược là mặt hàng kinh doanh có điều kiện. Việc kinh doanh sản phẩm này đòi hỏi các yêu cầu ngặt nghèo về địa điểm, trang thiết bị bảo quản, nhân sự, chuyên môn… Vì vậy, việc bày bán la liệt các loại thuốc như mớ rau tại chợ phiên là trái quy định, tiềm ẩn nhiều rủi ro tới sức khỏe con người.
Theo ông Đinh Đức Trung - Phó Đội trưởng đội Quản lý thị trường số 3, Cục quản lý thị trường tỉnh Lào Cai, những người kinh doanh thuốc tân dược tại chợ phiên hầu hết là dân địa phương, không có chứng chỉ hành nghề. Mặc dù các lực lượng có kiểm tra, tuyên truyền, nhưng nhận thức người dân vùng cao còn hạn chế; và thói quen mua bán tại chợ phiên đã hình thành lâu năm, nên rất khó xử lý dứt điểm.
"Số cán bộ công chức ít, khi đi kiểm tra thu giữ đầu này, đầu kia đã tẩu tán tang vật, rất khó cho quá trình kiểm tra. Có những lúc người ta còn chống đối, giằng co lại hàng hoá để cất giấu đi", ông Trung nói.
Thống kê cho thấy, từ năm 2020, tại địa bàn Si Ma Cai, lực lượng quản lý thị trường đã bắt giữ được 2 vụ, thu giữ gần 700 hộp thuốc tân dược không rõ nguồn gốc.
Theo VOV