Công văn nêu rõ, các sở, ban, ngành; UBND các quận, huyện, thị xã căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao, chủ động, lồng ghép các nội dung kế hoạch của Ủy ban quốc gia ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn vào mục tiêu, kế hoạch, nhiệm vụ của cơ quan, đơn vị; chủ động tham mưu, phối hợp thực hiện các nhiệm vụ của kế hoạch bảo đảm hiệu quả, đúng tiến độ.
Trong đó, các cơ quan và địa phương cần tập trung vào một số nhiệm vụ: Duy trì nghiêm túc chế độ trực ban 24/24 giờ để theo dõi chặt chẽ diễn biến từng tình huống thiên tai, sự cố; tham mưu chỉ đạo phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả kịp thời, hiệu quả. Thường xuyên rà soát cập nhật, điều chỉnh bổ sung, hoàn thiện và chuẩn bị đầy đủ nguồn lực theo phương châm “4 tại chỗ” (Chỉ huy tại chỗ; lực lượng tại chỗ; vật tư, phương tiện tại chỗ; hậu cần tại chỗ) để sẵn sàng triển khai các kế hoạch, phương án ứng phó với các loại hình sự cố, thiên tai; bảo đảm cụ thể, chi tiết, sát với thực tế của địa phương, đơn vị.
Đặc biệt, cần quan tâm đến các phương án ứng phó thiên tai theo cấp độ rủi ro, phương án hộ đê bảo vệ trọng điểm, phương án phòng, chống úng ngập nội thành, ngoại thành, phương án phòng, chống cháy, nổ, sập đổ công trình bảo đảm an toàn cho người và tài sản...
Đồng thời, các cơ quan và địa phương cần hoàn thành việc tổ chức tổng kết, đánh giá công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn năm 2022, triển khai nhiệm vụ năm 2023; kiện toàn cơ quan chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, ban hành quy chế làm việc, phân công nhiệm vụ cụ thể cho các thành viên; chủ động tham mưu, sử dụng hiệu quả các nguồn lực đầu tư mua sắm trang thiết bị để nâng cao năng lực ứng phó sự cố thiên tai và tìm kiếm cứu nạn…