Chiều 23/12, Thủ tướng Phạm Minh Chính, Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch COVID-19 chủ trì phiên họp lần thứ 19 của Ban Chỉ đạo.
Giai đoạn khẩn cấp của đại dịch COVID-19 hiện vẫn chưa kết thúc
Báo cáo của Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch COVID-19 do Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan trình bày và các ý kiến tại cuộc họp nhận định dịch bệnh được dự báo vẫn còn diễn biến khó lường trên thế giới trong thời gian tới.
Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho rằng giai đoạn khẩn cấp của đại dịch hiện vẫn chưa kết thúc; các biến thể mới có khả năng vẫn xuất hiện, có thể làm dịch COVID-19 trở nên phức tạp và gia tăng trở lại; thậm chí lây lan phổ biến hơn cả Omicron - biến thể chính trên toàn cầu hiện nay. Vaccine vẫn là biện pháp quan trọng trong phòng, chống dịch.
Theo công bố của WHO, số ca tử vong do COVID-19 hằng tuần hiện chỉ bằng khoảng 1/5 so với một năm trước, nhưng vẫn còn ở mức cao; một số nước vẫn phát hiện hàng nghìn ca mắc mới mỗi ngày.
Tại Việt Nam, 30 ngày gần đây, cả nước ghi nhận 12.008 ca mắc mới (giảm 23,5% so với 30 ngày trước đó), 11 ca tử vong (tăng 2 ca); số ca mắc mới trung bình 7 ngày đang ở mức 280 ca; riêng ngày 18/12/2022, ghi nhận 177 ca, thấp nhất trong 60 ngày qua.
Tình hình dịch bệnh COVID-19 ở các địa phương tiếp tục được kiểm soát; chiến dịch tiêm chủng đã đạt kết quả khả quan, tỉ lệ bao phủ vaccine của Việt Nam đã ở mức rất cao và là một trong những biện pháp hiệu quả nhất, có ý nghĩa chiến lược trong phòng, chống dịch bệnh. Một số vấn đề khó khăn, vướng mắc liên quan tới thuốc, vật tư, trang thiết bị và nhân lực y tế từng bước được khắc phục có hiệu quả.
Tuy nhiên, tỉ lệ bao phủ vaccine mũi 3 cho trẻ từ 12 - dưới 18 tuổi và mũi 2 cho trẻ từ 5 - dưới 12 tuổi trung bình toàn quốc hiện tại vẫn chưa cao. Tỉ lệ tiêm mũi 3, mũi 4 cho người từ 18 tuổi trở lên tại một số tỉnh, thành phố còn thấp. Bên cạnh đó, đã xuất hiện tâm lý chủ quan, lơ là tại nhiều địa phương, cơ quan, đơn vị.
Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan báo cáo tại cuộc họp (Ảnh: VGP/Nhật Bắc)
Mặt khác, thế giới xuất hiện các dịch bệnh truyền nhiễm mới, diễn biến phức tạp; nguy cơ xuất hiện các dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm mới nổi luôn hiện hữu. Việt Nam đã phát hiện các trường hợp mắc bệnh đậu mùa khỉ (nguồn lây từ nước ngoài), dịch sốt xuất huyết vẫn đang diễn biến phức tạp, dịch adenovirus vẫn đang lưu hành.
Giai đoạn giao mùa tiềm ẩn nguy cơ bùng phát các bệnh dịch đường hô hấp, dẫn đến nguy cơ dịch chồng dịch
Về công tác đảm bảo an sinh xã hội, đến nay Trung ương và các địa phương đã chi 87.000 tỷ đồng hỗ trợ cho 55,68 triệu lượt người dân và gần 1 triệu lượt người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19.
Riêng thực hiện Quyết định số 08/2022/QD-TTg của Thủ tướng chính phủ về việc thực hiện chính sách hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động, đến 30/11, các địa phương đã hoàn thành việc tiếp nhận, giải quyết và chi trả hỗ trợ trên 5,2 triệu lượt người lao động, 122.991 lượt người sử dụng lao động với kinh phí 3.740,8 tỷ đồng.
Cùng với thực hiện các giải pháp trước mắt để khắc phục tình trạng thuốc, vật tư, trang thiết bị và dịch chuyển cán bộ y tế, đến nay các bộ, ngành liên quan đã xây dựng, trình sửa đổi, bổ sung các các luật, nghị định; ban hành thông tư để giải quyết vấn đề về thuốc, vật tư, trang thiết bị và chế độ phụ cấp cán bộ y tế, nhằm phục vụ tốt nhất công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân.
Tại phiên họp, Ban Chỉ đạo rà soát những tồn tại, hạn chế, vướng mắc trong công tác phòng, chống dịch, nhất là trong công tác tiêm chủng; rà soát việc khắc phục hạn chế yếu kém liên quan đến cung ứng thuốc, sinh phẩm, vật tư y tế, nhân lực y tế. Theo đó, các đại biểu cho rằng, hạn chế lớn nhất hiện nay là tỷ lệ tiêm vaccine phòng chống dịch chưa đạt yêu cầu. Nguyên nhân chính là do người dân vẫn chủ quan, lơ là khi dịch bệnh được kiểm soát tốt...
Ban Chỉ đạo dự báo, tình hình dịch bệnh sẽ tiếp tục diễn biến phức tạp thời gian tới, tiềm ẩn nguy cơ bùng phát các làn sóng dịch bệnh do biến thể mới. Giai đoạn giao mùa tiềm ẩn nguy cơ bùng phát các bệnh dịch đường hô hấp, dẫn đến nguy cơ dịch chồng dịch.
Thời gian tới là dịp Tết Dương lịch, Tết Nguyên đán và mùa lễ hội, nhu cầu giao thương du lịch tăng cao, cùng thời tiết chuyển mùa thay đổi bất thường là điều kiện thuận lợi cho các dịch bệnh truyền nhiễm lây lan, có thể gia tăng số ca mắc, nhất là với nhóm trẻ em có sức đề kháng yếu và người cao tuổi có bệnh lý nền, dễ mắc các bệnh truyền nhiễm.
Đặt tính mạng, sức khỏe của nhân dân lên trên hết, trước hết; chuẩn bị cho nhân dân đón Tết an lành, mạnh khỏe
Phát biểu kết luận, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh yêu cầu đặt tính mạng, sức khỏe của nhân dân lên trên hết, trước hết; chuẩn bị cho nhân dân đón Tết an lành, mạnh khỏe, vui tươi, phấn khởi, không để ai bị bỏ lại phía sau.
Dịch bệnh đã được kiểm soát, song Thủ tướng yêu cầu tuyệt đối không chủ quan, lơ là, mất cảnh giác trước dịch bệnh, tiếp tục thực hiện thông điệp "2K (khẩu trang, khử khuẩn) + vaccine + thuốc + điều trị + công nghệ + ý thức người dân và các biện pháp khác", trong đó đặc biệt coi trọng việc tiêm vaccine và ý thức người dân.
Tiếp tục theo dõi chặt chẽ tình hình dịch, nhất là sự xuất hiện của các biến thể mới COVID-19, thường xuyên đánh giá, phân tích tình hình và các yếu tố nguy cơ; chủ động xây dựng các kịch bản, phương án ứng phó và triển khai đáp ứng với mọi tình huống có thể xảy ra của dịch; kịp thời cập nhật, bổ sung các hướng dẫn chuyên môn và hỗ trợ địa phương trong phòng chống dịch. Đồng thời, tăng cường phòng chống các dịch bệnh lưu hành, bệnh mới nổi khác như sốt xuất huyết, tay chân miệng, adenovirus, cúm, cúm gia cầm, đậu mùa khỉ...
Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh yêu cầu đặt tính mạng, sức khỏe của nhân dân lên trên hết, trước hết; chuẩn bị cho nhân dân đón Tết an lành, mạnh khỏe, vui tươi, phấn khởi, không để ai bị bỏ lại phía sau. (Ảnh: VGP/Nhật Bắc)
Bộ Y tế, các bộ liên quan, UBND tỉnh, thành phố tập trung chỉ đạo, kiểm tra thực hiện việc chuẩn bị sẵn sàng các phương án, điều kiện bảo đảm phòng, chống dịch COVID-19 và các dịch bệnh khác tại các cơ sở y tế trong dịp Tết dương lịch, Tết Nguyên đán. Lưu ý việc tổ chức lực lượng, phương tiện ứng trực, theo dõi, giám sát diễn biến dịch và xử lý kịp thời các tình huống phát sinh; thực hiện tốt việc chăm lo, động viên vật chất, tinh thần đối với lực lượng trực chống dịch.
Bộ Y tế thường xuyên tổ chức giao ban trực tuyến với các địa phương để đôn đốc, hướng dẫn các địa phương phòng, chống dịch COVID-19 và các dịch bệnh khác; tổ chức hỗ trợ địa phương xử lý các tình huống khi được yêu cầu.
Nhấn mạnh vaccine vẫn là vũ khí quan trọng nhất, Thủ tướng yêu cầu tiếp tục tăng cường triển khai tiêm vaccine phòng COVID-19 cho các nhóm đối tượng, nhất là các đối tượng rủi ro cao. Giao chỉ tiêu, gắn trách nhiệm cá nhân trong công tác tiêm chủng; nếu để xảy ra hậu quả dịch bệnh thì phải chịu trách nhiệm trước Đảng, trước pháp luật.
Tiếp tục đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền, nâng cao ý thức, nhận thức của người dân trong phòng, chống dịch, đặc biệt tiếp tục đẩy mạnh thông tin về tác dụng, hiệu quả của vaccine trong ngăn ngừa bệnh nặng, tử vong; khuyến khích, vận động người dân tham gia tiêm chủng đầy đủ, đúng lịch; tuyệt đối không chủ quan, lơ là với COVID-19.
Bộ Y tế chủ trì tiếp thu ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, hoàn thành tốt báo cáo về kết quả thực hiện Nghị quyết 30 của Quốc hội; đồng thời tiến hành tổng kết 3 năm phòng, chống dịch COVID-19.
Khẩn trương sửa đổi các quy định liên quan về tính đúng, tính đủ giá dịch vụ y tế
Về bảo đảm thuốc, vật tư y tế, Chính phủ đã có Nghị quyết 144 và đã có nhiều chỉ đạo về việc sửa đổi các văn bản quy phạm pháp luật từ tháng 6/2022, Thủ tướng yêu cầu nâng cao tinh thần trách nhiệm của các bộ, ngành, địa phương, không đùn đẩy trách nhiệm, tăng cường nắm bắt tình hình, phản ứng chính sách kịp thời; khẩn trương sửa đổi các thông tư có liên quan, rà soát các vướng mắc trong các nghị định để khẩn trương đề xuất sửa đổi, không để kéo dài.
Bộ Y tế lưu ý thực hiện nghiêm, kịp thời các chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về bảo đảm thuốc, nhất là rà soát, sửa đổi các quy định không còn phù hợp trong các thông tư của Bộ, hoàn thành trước 31/12/2022. Các địa phương chủ động triển khai các nhiệm vụ để khắc phục tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế theo thẩm quyền.
Thủ tướng yêu cầu tập trung lực lượng, đề cao cảnh giác, dứt khoát không để dịch chồng dịch trong dịp Tết dương lịch, Tết Nguyên đán và trong quá trình phòng chống dịch bệnh, bảo vệ, chăm sóc sức khỏe nhân dân nói chung; đồng thời bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm; bảo đảm an sinh xã hội trong dịp Tết dương lịch và Tết Nguyên đán, quan tâm những người có công, người yếu thế, đồng bào vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số…, bảo đảm mọi người dân đều có Tết, không để ai bị bỏ lại phía sau.
Tham dự phiên họp theo hình thức trực tuyến tại điểm cầu các địa phương có Bí thư, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Khuyến cáo, khuyến khích đeo khẩu trang, khử khuẩn nơi đông người trong dịp Giáng sinh, Tết dương lịch, Tết Nguyên đán để phòng ngừa, hạn chế lây nhiễm COVID-19 và các loại dịch bệnh.
Thủ tướng cũng yêu cầu khẩn trương sửa đổi các quy định liên quan về tính đúng, tính đủ giá dịch vụ y tế và cơ chế tự chủ của các đơn vị sự nghiệp công lập theo đúng chủ trương của Đảng. Tiếp tục công tác tuyên truyền một cách thuyết phục, hiệu quả trên cơ sở số liệu, nghiên cứu khoa học và thực tiễn phòng chống dịch, góp phần nâng cao ý thức người dân trong phòng chống dịch.
Các địa phương chia sẻ kinh nghiệm và sẵn sàng hỗ trợ lẫn nhau trong phòng chống dịch khi có tình huống đột xuất, bất ngờ xảy ra mà nguồn lực tại chỗ chưa bảo đảm được. Chuẩn bị phục vụ thật tốt, hiệu quả hoạt động giám sát của Quốc hội về phòng chống dịch, từ đó rút ra các bài học kinh nghiệm cho công tác này, góp phần thực hiện thành công "đa mục tiêu" trong thời gian tới và năm 2023.
Theo Sức khỏe Đời sống