Thủ tướng Phạm Minh Chính tiếp xúc cử tri thành phố Cần Thơ sau Kỳ họp thứ 4

Nguyễn Diệp Linh
Chiều nay 17/11, tại thành phố Cần Thơ, Thủ tướng Phạm Minh Chính và các đại biểu Quốc hội thuộc Đoàn đại biểu Quốc hội TP Cần Thơ tiếp xúc cử tri sau Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khoá XV.
Tại buổi tiếp xúc cử tri, đại diện Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Cần Thơ thông báo kết quả Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV và hoạt động của Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Cần Thơ tại kỳ họp này.

Cử tri thành phố Cần Thơ bày tỏ phấn khởi khi thấy kết quả tăng trưởng về phát triển kinh tế xã hội trong thời gian qua với nhiều kết quả quan trọng, ấn tượng, hiệu quả trên các lĩnh vực.

Cử tri mong muốn và kiến nghị Quốc hội, Chính phủ tiếp tục có những giải pháp để phát huy những mặt tích cực, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc hiện nay như trong việc mua bán thuốc, vật tư y tế, đầu tư cho y tế cơ sở, những bất cập trong Luật Đất đai sửa đổi 2013, cải cách hành chính, đặc biệt về vấn đề ứng phó với biến đổi khí hậu.

Cử tri Nguyễn Việt Long, Thị trấn Phong Điền, huyện Phong Điền nêu ý kiến: “Tình trạng biến đổi khí hậu đang diễn ra ngày càng mạnh mẽ như mưa giông, lũ lụt, sụp lở, hạn hán, xâm nhập mặn… xảy ra ngày càng nhiều ảnh hưởng đến tất cả các lĩnh vực kinh tế, xã hội, đời sống của Nhân dân. Đề nghị Quốc hội và Chính phủ đề ra những giải pháp hiệu quả nhất để triển khai nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu. Đồng thời hỗ trợ kinh phí để Cần Thơ chủ động trong việc khắc phục, ứng phó với biến đổi khí hậu trong thời gian tới về lâu dài”.

Trả lời ý kiến của cử tri Nguyễn Việt Long, Thủ tướng Phạm Minh Chính nói: “Giải pháp hiệu quả triển khai ứng phó với biến đổi khí hậu riêng đồng bằng sông Cửu Long là nơi mà bị tác động lớn nhất của biến đổi khí hậu này. Vừa qua, Bộ Chính trị, Chính phủ và Quốc hội cũng đã có nghị quyết. Chính phủ đã quy hoạch có chương trình hành động, trong đó có chống biến đổi khí hậu và dành 2 tỷ USD tăng thêm cho vùng đồng bằng sông Cửu Long giai đoạn 2021-2025. Song song với đó là hạ tầng về giao thông đầu tư lớn tăng hơn nhiều so với cả nhiệm kỳ trước.

Chúng tôi sẽ tiếp tục nghiên cứu để chống biến đổi khí hậu đồng bằng sông Cửu Long. Vừa qua, gặp ai, tôi cũng đề nghị cùng hợp tác để chung tay để bảo vệ vùng đồng bằng sông Cửu Long, vừa góp phần giữ bản sắc văn hóa truyền thống lịch sử hào hùng, vừa phát triển kinh tế nông nghiệp, bảo đảm an ninh lương thực”.

Về vấn đề Y tế, cử tri Nguyễn Thị Phượng, phường An Cư, quận Ninh Kiều đề nghị cần quan tâm, sớm giải quyết khó khăn của ngành y như: tình trạng đội ngũ y, bác sĩ và nhân viên xin nghỉ việc nhiều. Vật tư y tế và thuốc thiếu, người bệnh phải mua bên ngoài rất tốn kém và không đảm bảo chất lượng.

Thủ tướng Phạm Minh Chính trả lời: “Chỗ này sẽ khắc phục của nhiều vấn đề. Một là tạo môi trường làm việc tốt hơn, hai là liên quan đến chế độ đặc thù. Chúng tôi đang xây dựng và sớm ban hành Nghị định nâng phụ cấp mức nhân viên y tế dự phòng, y tế cơ sở từ 4% đến 70% lên 100%, rồi thực hiện tăng lương cơ sở từ ngày 1/7/2023, tạo môi trường làm việc tốt hơn. Chúng tôi cũng chỉ đạo Bộ Y tế xây dựng tính đúng tính đủ cho hoạt động cơ chế tự chủ để đảm bảo thuốc, vật tư y tế... Ngoài ra, các nghị định, Thông tư, sửa Luật Khám, chữa bệnh cũng đang được sửa chữa, tạo hành lang pháp lý”.

Về vấn đề nhà ở cho người thu nhập thấp, cử tri Trương Văn Dũng, phường An Bình, quận Ninh Kiều kiến nghị: “Hiện nay có rất nhiều công nhân, người lao động đang có nhu cầu về nhà ở xã hội giành cho người có thu nhập thấp, trong đó có cán bộ công chức. Trong khi đó các dự án đầu tư về nhà ở xã hội dành cho người có thu nhập thấp rất ít được các nhà đầu tư quan tâm hoặc nếu có thì giá nhà quá cao so với mức thu nhập của người lao động. Vậy, trong thời gian tới ngành chức năng có giải pháp gì để có nhiều dự án nhà ở xã hội giúp cho người có thu nhập thấp, có được ngôi nhà để an cư lạc nghiệp, để an tâm công tác”.

Thủ tướng Phạm Minh Chính trả lời: “Về các dự án đầu tư về nhà ở xã hội dành cho người có thu nhập thấp còn rất ít, vừa qua tôi đã có cuộc họp đưa ra chương trình xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ cho người thu nhập thấp bao gồm bộ công nhân. Chúng tôi đang triển khai các chương trình này.

Về vấn đề này cũng phải hoàn thành một số cái hành lang pháp lý, hiện nay đang đề xuất trong Luật Đất đai, trong Luật Xây dựng, trong Luật Đầu tư, phải sửa các nội dung có liên quan đến. Ngoài ra, cũng phải sửa một số nghị định của Chính phủ ban hành theo các luật, sửa một số thông tư có hành lang pháp lý.

Thứ hai là phải đầu tư cho xây dựng nhà ở xã hội và phải hợp tác công tư, ưu tiên dành một nguồn ngân sách nhà nước. Thứ ba phải có cơ chế mua, thuê, thuê mua”.

Về việc điều chỉnh Luật Đất đai (sửa đổi) trong thời gian tới, cử tri Dương Văn Bé, phường Lê Bình, quận Cái Răng đã đề xuất với Thủ tướng Chính phủ và Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Cần Thơ về việc giảm bớt các thủ tục hành chính.

"Giảm bớt các thủ tục hành chính không cần thiết theo quy định của Luật Đất đai, Bộ Tài nguyên - Môi trường quan tâm tạo điều kiện thuận lợi cho người dân khi chuyển mục đích sử dụng đất, nhất là đất ở tại khu vực đô thị", cử tri Dương Văn Bé nói.

Trả lời ý kiến của cử tri Dương Văn Bé, Thủ tướng Phạm Minh Chính nói: “Liên quan đến Luật Đất đai, Quốc hội đang thảo luận. Tôi rất tán thành ý kiến của cử tri Dương Văn Bé là thủ tục hành chính còn rườm rà. Tôi đang chỉ đạo Bộ Tài nguyên - Môi trường, vấn đề liên quan đến luật vẫn phải chờ, về thủ tục hành chính làm sao cho ngắn gọn. Cộng với chuyển đổi số phải thiết lập cơ sở dữ liệu về đất đai, dùng chuyển đổi số để xử lý cho nhân dân đỡ phải đi lại, giảm chi phí đầu vào. Tôi nhất trí vấn đề này, thủ tục hành chính tiếp tục phải nghiên cứu và đánh giá; phải rà soát lại trong quá trình sửa đổi luật trong quá trình thực hiện các Nghị định của Chính phủ”.

Cũng tại buổi tiếp xúc cử tri, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã chia sẻ với cử tri một số thông tin cơ bản về kết quả kinh tế-xã hội 10 tháng năm 2022, diễn biến tình hình trong nước, thế giới hiện nay. Thủ tướng đã đưa ra định hướng và các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu những tháng cuối năm 2022 và thời gian tới.

Theo đó, Thủ tướng yêu cầu các cấp, các ngành, các địa phương tuyệt đối không chủ quan trong chỉ đạo điều hành, luôn chủ động, linh hoạt, sáng tạo, tận dụng tốt các cơ hội để phục hồi nhanh, phát triển bền vững. Ưu tiên ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế - coi đây là một nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách hiện nay.

Theo VOV