Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì họp khẩn về phòng, chống bão số 4

Đặng Thu Hằng
Sáng sớm 27/9, trước diễn biến khó lường của bão số 4 (tên quốc tế là bão Noru), Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì họp triển khai công tác ứng phó với siêu bão này.

Cuộc họp trực tuyến về ứng phó khẩn cấp với bão số 4 do Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì. Cùng dự cuộc họp có Phó Thủ tướng Lê Văn Thành - Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai và các thành viên Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai.

Cuộc họp cũng được tổ chức trực tiếp tại Trụ sở Chính phủ kết hợp trực tuyến với điểm cầu UBND 8 tỉnh, thành phố; 88 quận, huyện, thị xã; 1.155 xã, phường các tỉnh khu vực miền Trung-Tây Nguyên dự báo có bão đổ bộ và ảnh hưởng hoàn lưu sau bão.

null

Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì cuộc họp. (Ảnh: TTXVN)

Ngoài ra, cuộc họp còn có điểm cầu trực tuyến tới trụ sở UBND cấp huyện, xã phường, thị trấn ven biển và vùng có nguy cơ ảnh hưởng của bão và sạt lở cao (do tỉnh, thành xác định).

Mở đầu cuộc họp, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho biết, bão Noru được cho là siêu bão, gió giật lên tới cấp 17 đang tiến vào miền Trung Việt Nam. Ngày 25/9, Thủ tướng Chính phủ đã có Công điện số 855/CĐ-TTg yêu cầu các cơ quan và các địa phương liên quan tập trung chỉ đạo, triển khai công tác ứng phó bão số 4 theo phương châm "bốn tại chỗ" với tinh thần khẩn trương, quyết liệt nhất. Bão đổ bộ ngoài gió lốc xoáy còn có mưa to do hoàn lưu sau bão. Do đó, ngoài chống bão còn phải chống sạt lở, lũ lụt do mưa sau bão.

Cuộc họp này Chính phủ tổ chức trực tuyến xuống tới xã, phường vì đây chính là cấp gần dân nhất, trực tiếp thực hiện các biện pháp phòng, chống bão, mưa lũ để rà soát công tác phòng, chống bão, bảo vệ tài sản, tính mạng của nhân dân ngay từ khi bão chưa đổ bộ.

Theo đó, rà soát công tác kêu gọi ngư dân, tàu thuyền đánh bắt thủy hải sản vào nơi tránh trú an toàn; đảm bảo an toàn lòng bè nuôi trồng thủy sản; các sinh kế của người dân; an toàn cho học sinh, khách du lịch; bảo vệ các di sản, nhất là di sản thế giới như phố cổ Hội An, cố đô Huế; bảo vệ các công trình hạ tầng, kinh tế... nhằm giảm thiểu tối đa thiệt hại do bão lũ.

anh-thuyen-1490-118-1664239324.jpeg

Người dân TP Tam Kỳ (tỉnh Quảng Nam) kéo ghe vào bờ an toàn trước thời điểm bão số 4 đổ bộ. (Ảnh: Vietnamnet)

Hiện nay theo Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống thiên tai cho biết, đến 4h00 ngày 27/9, tâm bão cách bờ biển các tỉnh Thừa Thiên - Huế - Bình Định khoảng 470km về phía Đông với sức gió cấp 14, giật cấp 16, tốc độ 20-25km/h.

Dự báo bão di chuyển nhanh 20-25km/h, mạnh nhất đạt cấp 14-15, giật cấp 17. Bão đổ bộ các tỉnh Thừa Thiên Huế - Bình Định với gió cấp 12-13, giật cấp 14-15 vào rạng sáng 28/9 (rủi ro thiên tai cấp 4); thời gian lưu bão ảnh hưởng đến đất liền khoảng 12 tiếng.

Sóng biển cao 3-5m, vùng gần tâm bão 6-8m từ Thừa Thiên - Huế - Bình Định từ chiều 27/9. Triều cường cao nhất thời điểm bão ảnh hưởng đến ven biển các tỉnh lúc 23h00 ngày 27/9 là 1,3m (lớn nhất trong tháng).

Đến nay, các tỉnh từ Thừa Thiên - Huế đến Bình Định đã rà soát, sẵn sàng sơ tán 398.556 người ra khỏi vùng nguy hiểm của bão số 4. Các tỉnh thành từ Quảng Trị - Quảng Ngãi cho học sinh nghỉ học từ ngày 27/9.

Theo Ban Chỉ đạo phòng chống thiên tai, bão số 4 tương tự về đường đi và cường độ bão Xangsane đầu tháng 10/2006 đổ bộ vào Đà Nẵng (gió mạnh cấp 12, giật cấp 14) làm 76 người chết, mất tích; 350.000 nhà bị sập đổ, hư hại; thiệt hại vật chất trên 10.000 tỷ đồng.

T.H.