Tham dự phiên họp có các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân, các Phó Thủ tướng Chính phủ, các thành viên Chính phủ, lãnh đạo các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, đồng chí Đinh Văn Ân-Trợ lý Tổng Bí thư, lãnh đạo Ban Kinh tế Trung ương, Ủy ban Kinh tế, Ủy ban Tài chính–Ngân sách của Quốc hội, Văn phòng Quốc hội.
Theo chương trình, phiên họp tập trung thảo luận về: Tình hình kinh tế-xã hội tháng 11 và 11 tháng năm 2023, tình hình triển khai chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội, tình hình phân bổ, giải ngân vốn đầu tư công, tình hình triển khai 3 chương trình mục tiêu quốc gia, nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm trong tháng cuối năm 2023, dự thảo nghị quyết của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện kết hoạch phát triển kinh tế-xã hội và dự toán ngân sách Nhà nước năm 2024.
Phát biểu khai mạc, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ, chỉ còn hơn 20 ngày nữa là sẽ kết thúc năm 2023 và và còn khoảng 1 tháng nữa sẽ tiến hành hội nghị tổng kết năm 2023.
Thủ tướng đề nghị các đại biểu tập trung phát biểu, cho ý kiến về dự thảo nghị quyết phiên họp và dự thảo nghị quyết của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện kết hoạch phát triển kinh tế-xã hội và dự toán ngân sách Nhà nước năm 2024; phân tích tình hình tháng 11 có gì mới, có gì khác so với tháng 10, chỉ rõ kết quả, những việc đã làm được, những hạn chế, tồn tại, phân tích nguyên nhân, rút ra bài học kinh nghiệm.
Thủ tướng đánh giá, trong 11 tháng qua, các mục tiêu đã đề ra cơ bản được thực hiện tốt: Giữ vững kinh tế vĩ mô trong điều kiện kinh tế thế giới bấp bênh, lạm phát được kiểm soát, tăng trưởng được thúc đẩy trên cả 3 lĩnh vực (nông nghiêp, công nghiệp, dịch vụ), đời sống nhân dân được nâng lên, chính trị-xã hội ổn định, quốc phòng, an ninh được giữ vững, đối ngoại tiếp tục là điểm sáng. Đoàn kết, thống nhất, niềm tin của nhân dân được củng cố và tăng cường.
Thủ tướng nhắc tới một số ngành, ví dụ cụ thể đạt kết quả tích cực, như công nghiệp phục hồi, nhất là chế biến, chế tạo. Xuất khẩu gạo vừa đạt kết quả tích cực, vừa bảo đảm an ninh lương thực trong nước và góp phần bảo đảm an ninh lương thực thế giới. Giải ngân vốn đầu tư công tốt. Thu ngân sách Nhà nước lúc đầu dự báo khó khăn, nhưng nhờ thực hiện số hoá, chỉ đạo quyết liệt "thu đúng, thu đủ, thu kịp thời" nên đến nay đã đạt 95% dự toán, mặc dù vẫn giảm thuế kịp thời. Thị trường chứng khoán thanh khoản tốt, "tăng dần đều", trở nên lành mạnh hơn. Phản ứng chính sách của chúng ta ngày càng kịp thời, ví dụ trước tình hình thay đổi lãi suất của FED.
Bên cạnh đó, tiếp cận tín dụng, thị trường bất động sản vẫn khó khăn, gói tín dụng 120.000 tỷ đồng phát triển nhà ở xã hội cần phải thúc đẩy. Phân tích một số ví dụ cho thấy phản ứng chính sách vẫn có lúc chưa kịp thời, Thủ tướng yêu cầu trong tháng 12, cần phấn đấu đạt kết quả cao nhất với các chỉ tiêu khó đạt như đã báo cáo Quốc hội, ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng GDP, tăng năng suất lao động, phát triển công nghiệp chế biến, chế tạo…
Thủ tướng nhấn mạnh cách tiếp cận là không ngại, không sợ việc quy định vừa ban hành đã sửa đổi, nếu văn bản ban hành mà không phù hợp, chưa đi vào cuộc sống hoặc ban hành xong mà tình hình thay đổi thì điều chỉnh ngay; điều quan trọng là nhìn thẳng vào sự thật, bám sát tình hình thực tiễn, cầu thị lắng nghe, đặt lợi ích quốc gia, dân tộc lên trên hết, trước hết để hành động.
Cùng với đó, phải luôn sẵn sáng ứng phó những cú sốc bên ngoài; do vậy kinh tế vĩ mô phải ổn định, đời sống nhân dân phải được bảo đảm cả về vật chất lẫn tinh thần; phát huy dân chủ, tinh thần chủ động, năng động, sáng tạo…
Thủ tướng đề nghị các cấp, các ngành, các địa phương phải nỗ lực, cố gắng hơn nữa trong việc thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp trên các lĩnh vực; phấn đấu, quyết tâm cao nhất, nỗ lực lớn nhất để đạt được mục tiêu: Kết quả năm 2023 phải tốt hơn năm 2022, như đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã chỉ đạo.
Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tình hình kinh tế - xã hội tháng 11 và 11 tháng năm 2023 tiếp tục đạt những kết quả quan trọng, ngày càng tích cực hơn. Kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định, lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn được đảm bảo.
Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 11 tăng 3,46% so với cùng kỳ, bình quân 11 tháng tăng 3,22%. Thị trường tiền tệ, tỷ giá cơ bản ổn định, mặt bằng lãi suất tiếp tục xu hướng giảm. Thu ngân sách Nhà nước 11 tháng ước đạt 94,9% dự toán. Kim ngạch xuất nhập khẩu tăng, tính chung 11 tháng ước xuất siêu 25,83 tỷ USD (cùng kỳ là 10,3 tỷ USD). Tổng vốn FDI đăng ký 11 tháng đạt gần 28,85 tỷ USD, tăng 14,8% so với cùng kỳ.
Hoạt động sản xuất, kinh doanh tiếp tục chuyển biến tích cực. Khách du lịch đến Việt Nam 11 tháng đạt 11,2 triệu lượt người, gấp 3,8 lần cùng kỳ năm trước. Chỉ số sản xuất công nghiệp tháng sau tốt hơn tháng trước, nhiều địa bàn công nghiệp trọng điểm tiếp tục phục hồi hoặc duy trì đà tăng tích cực. Trong 11 tháng có trên 201,5 nghìn doanh nghiệp gia nhập và tái gia nhập thị trường...
Cũng theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, giải ngân đầu tư công 11 tháng ước đạt 65,1% kế hoạch, cao hơn 6,8% cùng kỳ, số tuyệt đối cao hơn gần 123 ngàn tỷ đồng. Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội tiếp tục được triển khai quyết liệt; tính đến hết tháng 11, ước giải ngân kế hoạch vốn đầu tư phát triển năm 2023 thuộc Chương trình đạt khoảng 62.920 tỷ đồng.
Các vướng mắc về quy định liên quan đến triển khai các nhiệm vụ, dự án thuộc 3 Chương trình mục tiêu quốc gia đang được tháo gỡ. Đến hết tháng 11 đã phân bổ đạt hơn 95% kế hoạch; giải ngân vốn ngân sách Trung ương năm 2023 đạt 15,732 ngàn tỷ đồng, đạt 65% kế hoạch.
Tuy nhiên, trước những khó khăn, thách thức chung của tình hình thế giới gây tác động không nhỏ, khiến tình hình kinh tế nước ta bị ảnh hưởng, tiếp tục gặp những khó khăn, thách thức. Trong đó, mặc dù sản xuất kinh doanh có chuyển biến nhưng vẫn đối mặt với thách thức về thị trường, dòng tiền và thủ tục hành chính; gia tăng áp lực điều hành kinh tế vĩ mô; đời sống một bộ phận người dân vẫn khó khăn...
Do đó, thời gian tới, cần tiếp tục triển khai quyết liệt, chủ động, đồng bộ, sát với thực tế các chính sách, giải pháp cả ngắn hạn, dài hạn; tranh thủ thời gian, tận dụng mọi cơ hội để tạo bứt phá trên cả 3 động lực tăng trưởng là đầu tư, tiêu dùng và xuất khẩu; thúc đẩy các động lực mới về kinh tế xanh, tăng trưởng xanh, kinh tế số, kinh tế tuần hoàn... nhằm phục hồi tăng trưởng nhanh và bền vững.