Phát biểu tại phiên họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, trong Kết luận 42 Trung ương, vẫn xác định phòng, chống dịch Covid-19 tốt hơn nữa để tiếp tục thực hiện nhiệm vụ chính trị năm 2022 và chuẩn bị cho năm 2023; trong khi đó, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) vẫn cảnh báo đại dịch Covid-19 chưa chấm dứt. cùng với đó, trên đất nước ta xuất hiện một số dịch như sốt xuất huyết, theo tính toán chu kỳ 5 năm 1 lần.
Do đó phiên họp này tập trung đánh giá công tác phòng, chống dịch Covid-19 và dịch bệnh khác. Thủ tướng yêu cầu, phải thực hiện nghiêm đúng quy chế làm việc, phải đánh giá thêm công tác phòng, chống dịch thời gian qua.
Theo Thủ tướng, phải thảo luận vấn đề tiêm vaccine như thế nào bởi có tuần hầu như không tiêm được mũi nào, phải xác định trách nhiệm thuộc về ai. Chúng ta phải chuẩn bị tổng kết công tác phòng, chống dịch, nhưng phải nhấn mạnh công thức phòng, chống dịch, trong đó có 2 yếu tố hết sức quan trọng là vaccine, thuốc và ý thức của người dân.
Thủ tướng nêu rõ, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo liên tục về tiêm vaccine, nhất là chỉ đạo Bộ Y tế cùng với Bộ Giáo dục và Đào tạo phải phối hợp chặt chẽ, quyết liệt thực hiện vấn đề này. Nếu dịch Covid-19 bùng phát trở lại bởi các biến chủng mới sẽ rất phức tạp.
Về vấn đề thiếu thuốc, trang thiết bị y tế Thủ tướng yêu cầu cần được làm rõ nguyên nhân, cần tiếp tục tiến hành thanh tra, kiểm tra vấn đề này. Đây là vấn đề nhức nhối, phải bàn để tìm giải pháp. Bên cạnh đó phải rà soát lại các văn bản quy phạm pháp luật, vướng ở đâu thì sửa đó. Nếu vướng ở Thông tư thì các bộ, nhất là Bộ Y tế phải chỉ rõ; nếu vượt thẩm quyền phải báo cáo Quốc hội; bảo đảm đúng thủ tục, trình tự. Các địa phương cũng phải xem xét vướng mắc ở đâu? trách nhiệm thuộc về ai? Tuyệt đối không được để xảy ra tình trạng thiếu thuốc, vật tư, sinh phẩm y tế.
Về vấn đề tiêm cho trẻ em từ 5 đến dưới 12 tuổi, Thủ tướng nêu rõ, muốn các cháu an toàn đến trường thì phải ưu tiên, thúc đẩy tiêm vaccine. Chúng ta cần rút kinh nghiệm, không được “chập chờn” vì một số nước tuyên bố hết dịch, nay lại tuyên bố có dịch; không được để dịch chồng dịch; vấn đề mua sắm thuốc men; vấn đề trách nhiệm đôn đốc, kiểm tra, thúc đẩy các công tác này; tăng cường quản lý nhà nước của các cơ quan chức năng; đặc biệt về công tác thông tin tuyên truyền cần phải khách quan, trung thực và toàn diện, không được đưa ý kiến một chiều.
Báo cáo tại hội nghị, Bộ trưởng Y tế Đào Hồng Lan cho biết, WHO nhận định, thế giới vẫn đang trong giai đoạn đại dịch và cảnh báo về những biến thể mới của virus SARS-CoV-2 có thể làm cho dịch COVID-19 trở nên phức tạp, nguy cơ gia tăng trở lại đồng thời khuyến cáo việc duy trì các biện pháp ứng phó, nhất là tiêm chủng vắc xin.
Đến nay, cả nước đã ghi nhận trên 11,5 triệu ca mắc, hơn 10,6 triệu người khỏi bệnh chiến 92,2% và hơn 43.000 ca tử vong chiếm 0,38%. Trong 30 ngày qua có 24.283 ca mắc mới, giảm 64,8% so với 30 ngày trước; 15 ca tử vong giảm 16 ca.
Tính đến hết ngày 16/10/2022, cả nước đã triển khai tiêm được 260,5 triệu liều vaccine. Tuy nhiên, số lượng tiêm hàng tháng đang giảm khá nhiều so với tháng trước, tháng 9 đạt 3 triệu liều chưa bằng 1/3 so tháng 8.
Trong đó, việc tiêm mũi 3 cho trẻ từ 12 đến dưới 18 tuổi rất thấp; tiêm mũi 2 cho trẻ em từ 5 đến dưới 12 tuổi ở một số địa phương chưa đạt tiến độ. Vẫn còn tình trạng chủ quan, lơ là trong việc triển khai các biện pháp phòng, chống dịch. Một số nơi chưa quyết liệt trong công tác phòng, chống dịch; công tác quản lý, điều hành, tổ chức thực hiện phòng, chống dịch chưa đồng đều, chưa nhất quán; chưa có sự vào cuộc của các cấp, các ngành cùng với ngành y tế, sự phối hợp giữa các lực lượng chưa nhịp nhàng, đồng bộ. Có tình trạng né tránh tiêm vắc xin ở một bộ phận người dân; công tác vận động, khuyến khích người dân tham gia tiêm chủng chưa đạt như mong muốn.
Bên cạnh đó cũng xuất hiện các dịch bệnh truyền nhiễm mới, diễn biến phức tạp; nguy cơ xuất hiện các dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm mới nổi luôn hiện hữu, Việt Nam có ca đậu mùa khỉ đầu tiên do nguồn lây từ nước ngoài, dịch sốt xuất huyết, adenovirus vẫn đang lưu hành./.