Người đọc tăng nhưng doanh thu báo chí giảm
Sáng 24/2, tại Diễn đàn Kinh tế báo chí 2023 tổ chức tại thành phố Quy Nhơn (Bình Định), Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Thanh Lâm cho hay, theo chia sẻ của các cơ quan báo chí, cuối năm 2022 vừa qua doanh thu quảng cáo của các cơ quan báo chí giảm gần như theo chiều thẳng đứng. Đến đầu năm 2023 vẫn chưa thấy dấu hiệu phục hồi.
Thứ trưởng Bộ TT&TT nhấn mạnh, trước xu hướng sụt giảm doanh thu của các cơ quan báo chí, chúng ta còn lúng túng trong việc suy nghĩ giải pháp để tháo gỡ khó khăn, điều này có một phần trách nhiệm từ phía cơ quan quản lý trong việc tháo gỡ các cơ chế chính sách chưa đủ nhanh và chưa đủ kịp thời.
Theo thông tin từ Cục Báo chí, đại dịch COVID-19 ảnh hưởng nghiêm trọng tới đời sống kinh tế - xã hội của Việt Nam trong hơn hai năm qua nhưng cũng đem lại cơ hội tăng tốc cho chuyển đổi số quốc gia. Trong công cuộc chuyển đổi số, báo chí có vai trò quan trọng, với sứ mệnh tuyên truyền đầy đủ, chính xác, kịp thời chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước nhằm tạo sự đồng thuận, tạo niềm tin xã hội, tạo nội lực thực hiện thành công chuyển đổi số quốc gia.
Báo chí đã có nhiều đóng góp vào thành công trong phòng, chống đại dịch COVID-19 tại Việt Nam. Song, nghịch lý là, doanh thu báo chí lại ghi nhận có sự sụt giảm mạnh dù tỷ lệ người xem, người đọc tăng lên.
Qua khảo sát, nắm bắt số liệu của 159 cơ quan báo chí in và điện tử (81 báo, 78 tạp chí), trong 2 năm đại dịch, tổng doanh thu đều giảm, trong đó, tổng doanh thu khối báo trong năm 2021 giảm 30,6% so với năm 2020 (năm 2020 là 2.855 tỷ đồng, năm 2021 là 1.952 tỷ đồng); tổng doanh thu khối tạp chí từ 307 tỷ đồng năm 2019 giảm còn 259 tỷ đồng trong năm 2020 và năm 2021 tiếp tục giảm mạnh xuống chỉ còn 170 tỷ đồng.
Doanh thu Đài phát thanh, truyền hình năm 2021 cũng giảm 10% so với năm 2020.
Có một thực tế là, dù là báo in, báo điện tử hay phát thanh, truyền hình, vẫn dựa khá nhiều vào nguồn thu quảng cáo. Nếu như trước đây, doanh thu từ quảng cáo luôn chiếm trên 60%, thậm chí với một số cơ quan báo chí là 90% thì giờ đây sụt giảm nghiêm trọng, đặc biệt là báo in. Nhiều người đặt kỳ vọng vào báo chí điện tử, song nguồn thu từ báo chí điện tử dù tăng nhưng vẫn cần nhiều thời gian để có được nguồn thu bền vững hơn.
Đại dịch COVID-19 làm lộ rõ và trầm trọng thêm những khó khăn và áp lực về kinh tế báo chí. Cuộc khủng hoảng COVID-19 đã đặt ra câu hỏi nghiêm túc về tính bền vững của các nguồn thu cho tòa soạn.
Các cơ quan báo chí cơ bản đã chủ động thực hiện nhiệm vụ thông tin, tuyên truyền phục vụ nhiệm vụ chính trị, nhưng khó khăn về nguồn kinh phí cho công tác thông tin, tuyên truyền, nhất là các cơ quan báo chí tự đảm bảo chi thường xuyên hoặc cơ quan báo chí phụ thuộc vào nguồn thu dịch vụ. Sự quan tâm, chỉ đạo, định hướng của cơ quan chủ quản báo chí về nguồn lực cho cơ quan báo chí hoạt động chưa đồng đều, có nhiều hạn chế.
Nhiều gợi mở cho phát triển kinh tế báo chí
Tại Diễn đàn Kinh tế báo chí 2023, 120 đại biểu đại diện các cơ quan báo chí Trung ương và địa phương đã trình bày nhiều tham luận, đưa ra các đề xuất, kiến nghị để phát triển kinh tế báo chí trong thời gian tới.
"Diễn đàn Kinh tế báo chí năm 2023 sẽ là cơ hội để anh, chị, em chúng ta chia sẻ cách làm hay, kinh nghiệm tốt, giúp chúng ta tiến về phía trước với tinh thần lạc quan", Thứ trưởng Nguyễn Thanh Lâm chia sẻ.
Đại diện Cục Báo chí (Bộ Thông tin và Truyền thông) cho rằng, để chuyển đổi mô hình doanh thu, các tòa soạn cần nâng cao chất lượng nội dung và giảm chi phi phí vận hành, sản xuất, phân phối. Bên cạnh đó, báo chí truyền thống cần có công cụ giúp hiểu thị hiếu và hành vi của độc giả để cá nhân hóa thông tin. Ngoài ra, các tờ báo cần phải có mô hình quảng cáo hiệu quả, bằng cách ứng dụng công nghệ vào việc quản lý vận hành và sản xuất nội dung, đưa nội dung tiếp cận tới độc giả.
Chuyển đổi số thành công cần công nghệ, giải pháp, sự hỗ trợ từ cơ quan quản lý, các nhà mạng viễn thông và quan trọng nhất là sự đồng thuận, liên kết của các cơ quan báo chí. Sự liên kết này sẽ tạo ra sức mạnh, giúp cơ quan báo chí phát triển phù hợp với xu thế phát triển chung của báo chí khu vực và trên thế giới.
Nhà báo Lê Xuân Trung, Phó tổng biên tập báo Tuổi Trẻ chia sẻ, không chỉ báo Tuổi Trẻ mà nhiều cơ quan báo chí hiện nay đều nỗ lực xoay xở để chặn đà sụt giảm doanh thu và tìm kiếm giải pháp tích cực để có được nguồn thu bền vững, lâu dài.
Trong bối cảnh khó khăn ấy, nhiều cơ quan báo chí nhanh nhạy tổ chức nhiều sự kiện truyền thông theo phương thức vừa đáp ứng yêu cầu thông tin và các vấn đề thời sự cho bạn đọc vừa đáp ứng nhu cầu thông tin, truyền đi thông điệp tích cực cho các doanh nghiệp.
Tuy nhiên, việc tổ chức các sự kiện truyền thông không thể với mật độ quá dày nếu muốn bảo đảm đạt kết quả tốt. Do đó, nguồn thu này đương nhiên bị giới hạn, không thể tăng thêm trong bối cảnh nhiều cơ quan báo chí đã phát huy hết thế mạnh của mình.
Như vậy, báo chí chỉ còn trông vào nguồn thu từ người dùng. Đây có lẽ là nguồn thu căn cơ, lâu dài vì đúng đối tượng, đúng mục tiêu báo chí phục vụ công chúng. Nhiều báo lớn trên thế giới đã từng thành công nhờ nguồn thu phát hành báo giấy, nay họ cũng đầu tư kịp thời và thành công từ nguồn thu bán báo online (phí tin bài hoặc phí thành viên).
Một số cơ quan báo chí ở Việt Nam cũng đã thu phí bạn đọc nhưng gần như chỉ dừng lại ở mức thử nghiệm vì chưa được bao nhiêu, chưa đủ bù chi phí đầu tư cho việc thu phí.
"Trong bối cảnh khó khăn chung của báo chí hiện nay về nguồn thu quảng cáo, Chính phủ nên hỗ trợ báo chí bằng cách giảm tối đa các loại thuế để báo chí có nguồn lực đầu tư phát triển nội dung và chăm sóc bạn đọc thành viên. Sau này, nguồn thu từ bạn đọc tăng lên, báo chí có lợi nhuận như thời hoàng kim của báo giấy sẽ đóng thuế trở lại bình thường để bảo đảm công bằng xã hội.
Và để việc thu phí khả thi, lâu dài, những chính sách về bảo vệ bản quyền cần được thực hiện đến nơi đến chốn. Các cơ quan báo đài có thể dồn sức thực hiện các sản phẩm báo chí chất lượng cao, tiêu tốn nhiều công sức và chi phí đầu tư mà không lo bị sao chép, nhân bản tràn lan trên không gian mạng. Nếu việc thu phí thành công cùng với những chính sách hỗ trợ kịp thời của các bộ ngành, báo chí Việt Nam sẽ bước vào một thời kỳ phát triển mới ", ông Lê Xuân Trung đề xuất.
Nhà báo Ngô Việt Anh, Phó Trưởng ban Nhân Dân điện tử, Báo Nhân dân chia sẻ, hiện nay, nhiều cơ quan báo chí chưa rạch ròi giữa việc tuyên truyền và truyền thông chính sách. Đây là nguồn thu rất lớn của các cơ quan báo chí, thậm chí là nguồn thu quan trọng. Hiện, các cơ quan báo chí có quan tâm nhưng chưa đầy đủ.
Nhà báo Ngô Việt Anh cho rằng, việc chuyển đổi số trong nội tại cơ quan báo chí đang gặp nhiều vấn đề. Chuyển đổi số trên mạng xã hội chưa được tất cả cơ quan báo chí chú trọng, một số chỉ cho rằng đó là kênh phát tán chứ chưa chú trọng chính vào môi trường này.
“Tại Việt Nam, các cơ quan báo chí có nguồn thu lớn trên nền tảng số đều có nội dung chất lượng, có tính sáng tạo cao và lượng độc giả lớn. Thành công về nội dung báo chí thường đến trước và tạo tiền đề cho thành công trong kinh doanh báo chí. Do đó, các tòa soạn ưu tiên chiến lược phát triển nội dung khác biệt, sáng tạo đáp ứng nhu cầu của tập độc giả trung thành, song hành với chiến lược kinh doanh để thu hút khách hàng tiềm năng”, ông Ngô Việt Anh trình bày.
Trong tham luận của mình, ông Trần Tiến Duẩn - Tổng Biên tập báo điện tử VietnamPlus (TTXVN) chia sẻ cơ quan báo chí cần tìm kiếm doanh thu từ các nền tảng số, kiên trì theo đuổi mô hình thu phí độc giả bằng bài vở chất lượng cao, gói thông tin, bài thực hiện từ nắm bắt thị hiếu độc giả…
NGUYỄN GIA- HỒNG DUYÊN