Ngoài kỳ thi tốt nghiệp THPT, mùa tuyển sinh năm 2023, có 8 đơn vị dự kiến sẽ tổ chức kỳ thi riêng để tuyển sinh. Cụ thể, tại TP.HCM gồm: ĐH Quốc gia TP.HCM, trường ĐH Sư phạm TP.HCM, trường ĐH Ngân hàng TP.HCM. Tại Hà Nội, có ĐH Quốc gia Hà Nội, ĐH Bách khoa Hà Nội, trường ĐH Sư phạm Hà Nội, trường ĐH Việt Đức và các trường thuộc Bộ Công an.
Theo nhiều chuyên gia, việc có các kỳ thi riêng vừa mở ra nhiều cơ hội cho thí sinh nhưng đồng thời cũng là áp lực với thí sinh khi tham gia nhiều kỳ thi với những dạng thức khác nhau.
PGS.TS Hoàng Minh Sơn, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT đã có trao đổi với VOV.VN về nội dung này.
PV: Thưa Thứ trưởng, ngoài kỳ thi tốt nghiệp THPT 2023, nhiều trường tổ chức các kỳ thi riêng để xét tuyển đại học, thầy có lưu ý với các trường trong công tác tổ chức cũng như thí sinh khi tham dự kỳ thi?
Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn: Trước hết, nhìn nhận dưới góc độ thí sinh, việc các trường đại học tổ chức kỳ thi riêng sẽ tạo thêm cơ hội cho thí sinh, em nào mong muốn có thêm cơ hội có thể đăng ký tham gia thêm. Tuy nhiên, đa số các trường vẫn tiếp tục xét tuyển bằng điểm thi tốt nghiệp THPT. Thí sinh có nguyện vọng xét tuyển vào các ngành có tính cạnh tranh cao mới nên lựa chọn tham gia 1 hoặc 2 kỳ thi. Năm nay, có một số kỳ thi riêng mang tính đặc thù cao như kỳ thi khối các trường công an quân đội, thi đánh giá năng lực của ĐH Sư phạm. Kỳ thi đánh giá tư duy của ĐH Bách khoa Hà Nội thiên về mảng kỹ thuật, kỳ thi riêng có tính dùng chung nhiều hơn như thi đánh giá năng lực của 2 Đại học Quốc gia,
Lưu ý, thí sinh không cần tham gia nhiều kỳ thi, khi thi quá nhiều chưa chắc các em đã có thêm cơ hội. Thí sinh chỉ cần xét tuyển dựa trên điểm thi tốt nghiệp và điểm của 1 kỳ thi riêng là hoàn toàn đủ.
Ở góc độ cơ sở đào tạo, các trường tổ chức các kỳ thi riêng vì một số ngành có tính cạnh tranh cao cần có thước đo đánh giá có độ tin cậy cao hơn, phù hợp với yêu cầu của trường mình. Các trường cũng sẽ thấy nếu tổ chức 1 kỳ thi mà kết quả đó không được nhiều trường khác sử dụng, không hiệu quả thì cũng sẽ không có nhiều thí sinh dự thi.
Chúng tôi nghĩ rằng, trong một vài năm tới sẽ không có quá nhiều kỳ thi, xu hướng nở rộ các kỳ thi riêng cũng sẽ không xảy ra. Bởi chắc chắn các trường khi tổ chức sẽ phải tính đến tính hiệu quả trong công tác tổ chức cũng như xét tuyển, sẽ chỉ còn một phần rất nhỏ các trường đứng ra tổ chức.
Định hướng của Bộ là các trường nên thống nhất và dừng lại ở một vài kỳ thi, kết quả đó thí sinh có thể xét tuyển vào nhiều trường.
PV: Hiện nay một số trường tổ chức các kỳ thi riêng nhưng địa điểm thi còn hạn chế, điều này có ảnh hưởng đến cơ hội tiếp cận kỳ thi của thí sinh không, thưa Thứ trưởng?
Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn: Khi xây dựng quy chế, Bộ GD-ĐT đã tính rất kỹ, hiện nay ngoài kết quả kỳ thi riêng, các trường vẫn sử dụng kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT. Trường hợp trường nào xét tuyển dựa trên duy nhất kỳ thi riêng và địa bàn tổ chức thi hạn chế, ảnh hưởng tới khả năng tiếp cận của thí sinh Bộ sẽ có ý kiến. Còn như hiện nay, thí sinh không mất cơ hội vì vẫn còn kỳ thi tốt nghiệp THPT.
PV: Thời gian qua vẫn nói nhiều đến việc hướng tới hình thành trung tâm khảo thí độc lập tổ chức các kỳ thi để các trường đại học dựa vào kết quả này xét tuyển, việc này sẽ được triển khai ra sao trong thời gian tới, thưa Thứ trưởng?
Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn: Các trung tâm khảo thí độc lập là một định hướng phải tự hình thành, đương nhiên Bộ sẽ không đứng ra thành lập. Xu hướng là các trường đại học sẽ tổ chức các kỳ thi mà được nhiều đơn vị khác sử dụng, hiện nay đã có 2 kỳ thi đánh giá năng lực của 2 ĐH Quốc gia.
Khi các kỳ thi này được nhiều trường sử dụng thì các trung tâm khảo thí độc lập có thể được hình thành bởi hiệp hội nhiều trường đại học, đây là xu hướng đúng đắn.
Nhưng trước hết, kỳ thi này muốn tồn tại, phát triển phải được thì phải được các trường sử dụng, đảm bảo chất lượng, khi đó các trung tâm này sẽ mang tính độc lập khách quan.
PV: Xin cảm ơn Thứ trưởng./.
Nguyễn Trang/VOV.VN