Thu hút người tài - 'tiền thôi chưa đủ'

Nguyễn Diệp Linh
Tôi quyết định nhận lời làm việc cho công ty mới dù họ không trả được mức lương như đề nghị ban đầu, chỉ ngang bằng với công ty cũ.

9580-1665474092-1665633882.jpg

Ảnh minh họa

Nói về việc thu hút người tài, có nhiều ý kiến nói rằng thu nhập gắn liền với sự gắn bó và cống hiến. Cá nhân tôi cho rằng điều đó đúng nhưng chưa đủ. Thực tế, lòng yêu nước hoặc sự quý mến với người đứng đầu doanh nghiệp, tổ chức, sẽ thôi thúc ai đó cống hiến hết khả năng và trách nhiệm. Muốn được như vậy, điều quan trọng là:

1. Người đứng đầu tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp... phải có tâm và tầm:

Không cần trình độ chuyên môn cực giỏi, người đứng đầu nếu biết lắng nghe mọi ý kiến trái chiều, công tâm và quyết đoán sẽ dễ lấy được sự yêu mến, quý trọng của nhân viên, khiến họ làm việc với tinh thần tốt nhất. Và đương nhiên, người tài đức sẽ phát huy tốt năng lực của họ trong môi trường làm việc thân hiện, đúng sai được phân biệt rõ ràng, mọi nỗ lực cá nhân được công nhận, khích lệ và khen thưởng.

Một tổ chức nhỏ với tinh thần làm việc phần chấn, tích cực, tuy với mức thu nhập khiêm tốn ban đầu sẽ dần phát triển lớn mạnh hơn, thu nhập tăng lên. Bên cạnh đó, người đứng đầu phải luôn "thắp đuốc" đi tìm người tài giỏi để thuyết phục họ về với đơn vị của mình. Điểm tôi nhấn mạnh, tiền lương ở đây không là yếu tố hàng đầu để thu hút nhân tài mà là môi trường làm việc, nơi mọi người với những kiến thức và trình độ khác nhau phát huy hết khả năng cá nhân và tập thể và dưới sự điều hành của người có tài, đức, có tâm và tầm.

Như trường hợp của tôi, được một công ty chọn vào vị trí điều hành nhà máy sản xuất gỗ. Thực tế, công ty sản xuất kinh doanh chỉ hòa vốn trong nhiều năm và qua bảy đời Giám đốc, tình trạng nguyên phụ liệu, thành phẩm "không cánh mà bay" rất nhiều, công nhân làm việc không nhiệt tình, hàng hóa hư nhiều... Do vậy, khi tôi được chọn, Tổng Giám đốc đã nói về mức lương không cao như tôi đề nghị. Tổng Giám đốc mời tôi tới nhà dùng bữa và nói về những khó khăn của công ty. Với sự thân thiện đó, tôi nhận công việc với mức lương thấp hơn đề nghị ban đầu (chỉ tương đương mức lương ở công ty cũ).

Trong tuần đầu tiên vào làm việc, tôi làm báo cáo, đề xuất thay đổi quy trình sản xuất và nhân sự vì nhiều lý do, trong đó việc cần làm ngay là thay đổi đơn vị cung cấp suất ăn cho công ty để đảm bảo công nhân ăn uống hợp vệ sinh và khẩu vị. Đồng thời, tôi muốn nhà ăn là nơi tập trung tất cả mọi người dùng bữa, không phân biệt vị trí việc làm (trước đó, nhà ăn cho nhân viên văn phòng và công nhân là hai nơi khác nhau và khẩu phần ăn cũng khác nhau).

Sau khi đọc bản báo cáo của tôi, Tổng Giám đốc đã lập tức ký hợp đồng làm việc dài hạn với tôi ngay tuần thứ hai thay vì phải qua hai tháng thử việc. Hầu như, mọi đề nghị trong báo cáo của tôi đều được phê duyệt, điều này làm tôi thêm phấn chấn. Sự thay đổi này đã giúp công ty tăng thêm 3-4 container hàng mỗi tháng dù số lượng công nhân không thay đổi.

Sang tháng thứ hai, Tồng Giám Đốc tiếp tục ký quyết định tăng lương thêm 20% cho tôi. Rõ ràng, tiền không phải yếu tố hàng đầu mà tôi chọn lựa. Tôi không biết gì về kỹ thuật của công ty tôi đang làm, tiếng Anh của tôi cũng chỉ tàm tạm, nhưng Tổng Giám đốc đã chọn tôi trong hơn 120 ứng viên, mà phần lớn họ đều làm đúng chuyên ngành và tiếng Anh rất tốt. Điều duy nhất mà chỉ tôi thể hiện đó là cho biết đúng mức lương đã nhận ở công ty cũ trong khi phỏng vấn.

2. Khơi gợi tình yêu với đất nước

Hàn Quốc những năm 1980-1990 không thể nào so sánh ngang hàng với Mỹ, Nhật, châu Âu về công nghiệp điện tử và ôtô. Nhưng ngày nay, công nghiệp điện tử dân dụng của Hàn Quốc đã đứng top đầu của thế giới. Thương hiệu xe hơi Hàn Quốc cũng nằm trong top 10 về sản lượng. Từ lúc chập chững bước vào ngành công nghiệp ôtô, điện tử, làm sao các công ty Hàn Quốc có trả lương cao bằng các công ty Mỹ, Nhật, châu Âu?

Câu trả lời là vì họ khơi dậy được tình yêu dân tộc thông qua kêu gọi những sinh viên giỏi, công nhân giỏi tay nghề vào làm việc. Họ chọn người có năng khiếu để đưa sang các nước phát triển đào tạo. Bên cạnh đó, họ kêu gọi người dân ủng hộ sản phẩm nội địa. Họ luôn lắng nghe mọi ý kiến, phàn nàn của khách hàng để làm kim chỉ nam cho việc khắc phục lỗi sản phẩm. Sự cầu thị của nhà sản xuất nội địa, sự chăm sóc tốt sau bán hàng đã tạo hiệu ứng ủng hộ sản phẩm, giúp họ có doanh thu tốt và mở rộng sản xuất như ngày nay. Có thể thấy, tình yêu đất nước đã được những người có tâm, có tầm khơi dậy, giúp các công ty Hàn Quốc dần lớn mạnh.

Với tôi, không phải quá khó để thu hút người tài đức. Cái khó là tìm được người biết nhìn ra nhân tài để trao niềm tin và thu hút họ đến với mình. Một vài kinh nghiệm mà tôi muốn chia sẻ để thu hút người tài:

- điều trước tiên là bản thân người đứng đầu doanh nghiệp phải là người tài, đức vẹn toàn, được mọi người nể phục. Và đương nhiên, khi tiếng lành đồn xa, nhiều người có tâm huyết khác cũng sẽ tìm đến.

- Khi ăn nên làm ra, lợi nhuận tăng thì người đứng đầu phải tăng lương thưởng để khích lệ tinh thần của nhân viên. Rất nhiều trường hợp, cuối năm công ty báo lỗ nên không có hoặc giảm tiền thưởng Tết của nhân viên, luôn tìm lý do để không tăng hoặc tăng lương rất ít. Sau đó, qua kỳ nghỉ Tết, công ty lại thông báo có rất nhiều đơn hàng và yêu cầu mọi người nỗ lực tăng ca. Những chuyện như thế cư lặp đi lặp lại sẽ gây nên tâm lý bất mãn trong nhân viên.

- Người tài, đức thường ít nịnh nọt, quà cáp, họ chỉ muốn phát huy năng lực của mình và mong muốn những đóng góp sẽ được lắng nghe và xem xét thấu đáo.

- Môi trường và văn hóa làm việc cũng rất quan trọng. Ngày đầu bước vào công ty mà bộ phận nhân sự hướng dẫn theo kiểu "đây là toilet của Ban Giám đốc", "đây là nhà ăn của lãnh đạo"... thì tôi nghĩ những người có tài, đức cũng khó hòa hợp vì có sự phân biệt, đối xử. Ăn chung một nhà ăn thì người lãnh đạo mới biết cơm công nhân ngon, dở thế nào; dùng chung toilet thì lãnh đạo mới biết sạch, dơ ra sao để chấn chỉnh. Những điều xem ra rất đơn giản ấy lại có ý nghĩa quyết định đến việc người tài có gắn bó lâu dài với tổ chức không?

- Người tài đức cần sự rõ ràng, công khai minh bạch. Có lẽ không ai nói tiền lương mình quá cao, nhưng đã là người tài đức, họ biết rõ tình hình đơn vị trong từng thời điểm. Lúc công ty khó khăn, họ sẵn sàng chia sẻ, thì lúc công ty phát đạt, họ cũng phải được thu nhập xứng đáng. Cá nhân phát huy sáng kiến, cải tiến làm lợi cho đơn vị thì phải được thưởng xứng đáng, nhưng sản phẩm làm ra vượt chỉ tiêu bởi tập thể phải chia đều cho mọi người. Sự công bằng và hợp lý là nơi người mọi người mong muốn, bao gồm những người tài.

Theo VnExpress