Thơm thảo thuốc Nam từ thiện 

Nguyễn Thị Quỳnh Mai
Từ xa xưa, con người đã biết dùng các loại cây cỏ trong tự nhiên để phòng và chữa trị bệnh. Theo thời gian, những kinh nghiệm này được lưu truyền, chọn lọc và được các vị lương y bào chế thành nhiều bài thuốc chữa bệnh, giành giật sự sống cho không ít người bệnh.

100-2022-thuoc-nam-12-1656728109.jpg

Bốc thuốc Nam cho người bệnh.

Tại Việt Nam, việc nghiên cứu về cây thuốc đã được tiến hành từ rất sớm. Theo kết quả nghiên cứu, điều tra của Viện Dược liệu, Bộ Y tế, trong số hơn 12.000 loài thực vật tại Việt Nam thì có gần 6.000 loài dược liệu, nhiều loài được xếp vào loài quý hiếm trên thế giới.

Tại Tây Ninh, những phòng khám Đông y áp dụng các phương pháp trị liệu từ các loại thảo dược và y học cổ truyền từ lâu là địa chỉ điều trị bệnh miễn phí của những người có hoàn cảnh khó khăn. Hàng chục năm qua, Phòng chẩn trị Đông y ấp Trường Xuân, xã Trường Hoà, thị xã Hoà Thành (gần Trí Huệ cung) là “mái nhà chung” của những người am hiểu về y học cổ truyền, giàu tâm huyết đến khám bệnh, bốc thuốc miễn phí cho người bệnh nghèo.

Các ngày trong tuần (trừ chủ nhật), tại phòng khám có rất đông bệnh nhân xếp hàng chờ đến lượt được khám và bốc thuốc. Phần lớn những người đến đây đều là lao động nghèo, mang những căn bệnh cần điều trị lâu dài.

Từ sáng sớm, bà Nguyễn Thị Nhung đi từ xã Long Vĩnh, huyện Châu Thành đến đây để khám bệnh. Hơn 3 tháng nay, cách 2 tuần là bà Nhung lại đến phòng bắt mạch và hốt thêm 14 thang thuốc. “Trước đây, tôi bị gai xương sống, từng đến đây uống thuốc mấy năm và đã hết bệnh.

Mấy tháng trước nghe người ớn lạnh, đi bệnh viện khám phát hiện bị gan nhiễm mỡ. Tôi về đây uống thuốc Nam, cảm nhận bệnh giảm nhiều, hết sốt rồi. Ở đây hốt thuốc miễn phí, tôi không phải nặng lo tiền bạc”- bà Nhung chia sẻ.

Trong lúc chờ đến lượt châm cứu, ông Dương Văn Sự, nhà ở Thạnh Đức, huyện Gò Dầu cho biết, mỗi ngày ông lên đây châm cứu, trị chứng bệnh thoát vị đĩa đệm. “Mấy năm trước, tôi có làm công quả chặt thuốc, phơi thuốc ở đây. Thời gian qua tôi bị bệnh, không làm được nữa, hơn 1 tháng nay tôi đến phòng khám nhờ lương y châm cứu cho khoẻ lại”- ông Sự nói.

Hơn 10 năm nay, tại phường Long Thành Trung (thị xã Hoà Thành), người dân biết đến phòng khám y học cổ truyền Huỳnh Lương do y sĩ Lý Thanh Triều làm chủ. Đều đặn ngày chủ nhật, phòng tổ chức khám và cấp thuốc miễn phí cho bệnh nhân gần xa.

Không chỉ là điểm khám, chữa bệnh, Phòng khám y học cổ truyền Huỳnh Lương còn là nơi trồng, lưu giữ cây thuốc địa phương với hơn 200 loài khác nhau. Vườn thuốc Nam Huỳnh Lương thường xuyên đón chào những đoàn sinh viên, học sinh và cả các cháu nhỏ đến tìm hiểu về công dụng, giá trị của cây thuốc Nam như gừng, đinh lăng, ngũ trảo, dâu tằm… Có những bệnh thông thường có thể dùng thuốc Nam điều trị rất tốt, như cảm có thể hái lá sả xông, đau nhức thì hái lá lốp ngâm chân…
“Khi người bệnh tìm đến và mình giúp được họ giảm bớt phần nào bệnh tật, mình rất vui. Bệnh nhân cải thiện được sức khoẻ cũng giúp cho bản thân và gia đình đỡ gánh nặng tiền bạc, mình lại thấy hạnh phúc hơn”- lương y Lý Thanh Triều chia sẻ.

Thuốc Nam thiện nguyện là những câu chuyện ấm áp nghĩa tình của người dân quê. Tuỳ theo nhu cầu của các phòng khám, người dân từ khám nơi đem thảo dược đến đây. Có người chặt sẵn cây thuốc trong vườn nhà mang đến; có người cất công đi xa đến tận Bình Thuận, Long An tìm hái những cây thuốc mà Tây Ninh không có. Với những loại thuốc quý hiếm, mọi người cùng góp tiền mua về để phòng khám có mà bốc thuốc cho bệnh nhân.

Không những vậy, nhiều người góp sức mỗi ngày để vạt thuốc, phơi thuốc, sơ chế, điều chế thuốc, giúp những người không may mắc bệnh. Nhờ tấm lòng thơm thảo của bà con, những phòng khám Đông y từ thiện luôn có lượng thuốc dồi dào để bốc thuốc miễn phí cứu người.

Ông Nguyễn Văn Gọn (xã Trường Hoà, thị xã Hoà Thành) năm nay đã 87 tuổi. 4 năm nay, ngày nào ông cũng đến phòng thuốc ở Trí Huệ cung vạt thuốc. Ông Gọn nói: “Đi làm cho vui, với làm cho công quả, giúp nhơn sanh trong cơn đau ốm bệnh hoạn không có tiền mua thuốc. Làm có cực, nhưng coi như mình đi tập thể dục, khoẻ cho mình thôi”.

Còn bà Bùi Thị Dung (xã Trường Tây, thị xã Hoà Thành) năm nay đã 80 tuổi, đi vạt thuốc làm công quả hơn 1 năm ở phòng khám Đông y ấp Trường Xuân. “Giờ ở nhà cũng không làm gì. Đi làm vầy vui lắm, vừa gặp mọi người nói chuyện vừa làm được việc tốt cho những người bệnh”- bà Dung chia sẻ.

Hằng ngày, vào khoảng 5 giờ sáng là Phòng khám Chữ thập đỏ thuộc Hội Chữ thập đỏ tỉnh (phường IV, thành phố Tây Ninh) mở cửa đón bệnh nhân. Phòng khám hoạt động từ thiện, không thu phí; người đến phụ việc cũng với tinh thần thiện nguyện.

“Có câu “Nam dược trị Nam nhân”, nghĩa là lấy cây thuốc Nam trị cho người Việt Nam. Mỗi ngày, phòng khám nhận trên 100 bệnh nhân từ nhiều nơi đến. Hiện tại, nguồn thuốc chủ yếu do chúng tôi sưu tầm và bà con gần xa mang tới cho. Còn các vị thuốc nào không tìm được, phòng khám dùng tiền của bà con đến khám, chữa bệnh đóng góp để mua thuốc. Riêng anh em làm việc đây thì hoàn toàn tự nguyện”, lương y Lê Hồng Sơn- Trưởng Phòng khám Chữ thập đỏ nói.

Dù vất vả, cực nhọc, nhưng ai cũng hạnh phúc khi được đóng góp vào sự nghiệp bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khoẻ cho người dân.