Rẻ chuồng
Hiện tại, giá thịt lợn hơi đang dao động ở mức 22.000 - 30.000đ/kg. Tuy bị thua lỗ, nhưng các hộ gia trại và trang trại vẫn cố gắng duy trì hoặc giảm nhẹ quy mô đàn do chuồng trại và con giống có sẵn, chỉ những hộ nuôi nhỏ lẻ bị thua lỗ mới giảm đàn.
Anh Nguyễn Danh Huấn, chủ một trang trại nuôi lợn (Lâm Thao, Phú Thọ) cho biết: “Mỗi ngày, một con lợn ăn hết 2,5 kg cám với giá 11.000đ/kg. Bán ra cũng lỗ, mà giữ lại càng có nguy cơ lỗ hơn. Nhiều trang trại đang phải cho xuất chuồng sớm, cứ khoảng 100 con, lỗ gần 25 triệu đồng, song vẫn phải bán để cắt lỗ”.
Là một trong những hộ nuôi lợn với quy mô lớn trong bản, mỗi năm gia đình anh xuất bán ra thị trường khoảng 8 tấn thịt lợn hơi. Anh Nguyễn Đình Lâm (bản Tân Quế, xã Cò Nòi, Mai Sơn, Sơn La) cho biết, giờ đây anh không muốn tái đàn, mà chỉ nuôi cầm chừng. Theo anh Lâm, mỗi ngày, một con lợn ăn hết 2,5 kg cám, với giá 380.000đ/bao cám 40 kg, trung bình một tháng gia đình tốn hơn 15 triệu đồng tiền thức ăn chăn nuôi, như vậy giá lợn hơi bán ra phải đạt 39.000đ/kg mới đủ chi phí.
Theo Tổng cục Thống kê, số lượng lợn hiện tại của cả nước tăng khoảng 1,5-2% so với cùng kỳ năm 2016. Nếu năng suất nái tiếp tục được nâng lên, sản lượng thịt lợn tới đây sẽ là con số khổng lồ.
Đắt chợ
Điều trớ trêu là mặc dù giá lợn hơi giảm sâu trong nhiều tháng qua, nhưng đến thời điểm hiện tại, giá thịt lợn bán ở các chợ vẫn không hề giảm. Tại các chợ, thịt lợn vẫn duy trì ở mức 85.000-100.000đ/kg, cụ thể: thịt mông 80.000đ/kg, thịt thăn 100.000 đ/kg, ba chỉ 95.000đ/kg... Chị Nguyễn Thị Tình (tiểu thương tại Thanh Xuân, Hà Nội) cho biết: “Lợn hơi rẻ nhưng vào chợ thì không còn rẻ nữa vì mất rất nhiều chi phí như vận chuyển, giết mổ, kiểm dịch, vệ sinh... nên giá lợn hơi dù thấp, nhưng giá thịt lợn vẫn không thể giảm”.
Tại các siêu thị và các quầy thực phẩm sạch, giá thịt lợn còn “cắt cổ” hơn nhiều. Tại siêu thị Vinmart, giá thịt lợn xay niêm yết giá 129.900đ/kg, nạc vai giá 113.500đ/kg, sườn có giá 132.500đ/kg, ba chỉ có giá 129.900đ/kg, thịt thăn giá 125.900đ/kg, bắp giò có giá 113.900đ/kg…
Không chỉ có vậy, giá các loại giò chế biến từ thịt lợn đang bày bán tại siêu thị này cũng không giảm so với trước đây. Giá giò tai là 187.000đ/kg, giò lụa có giá 175.800đ/kg…
Ngoài ra, tại các siêu thị khác trên địa bàn Hà Nội như BigC, Fivimart…, giá cũng tương tự như vậy.
Người tiêu dùng biết là bị mua đắt, nhưng mua với số lượng nhỏ, mỗi bữa chỉ vài ba lạng thịt, nên không mấy khi thắc mắc, hoặc có thắc mắc cũng được các tiểu thương giải thích qua loa, như: Công vận chuyển tăng do giá xăng dầu cao, do tiêu thụ ít hàng nên phải giữ giá để “lấy công làm lãi”... Lý do giá lợn hơi giảm, nhưng thịt lợn bán ở các sạp không giảm, bởi qua nhiều khâu trung gian nên giá được đẩy lên cao. Thương lái sau khi thu gom lợn của người dân nhập cho các lò mổ đã tăng giá; từ lò mổ, thịt được đưa về các chợ để phân phối tới các tiểu thương cũng tăng vài giá và tiểu thương khi bán đến người tiêu dùng cũng phải tăng giá để kiếm lời. Qua các khâu trung gian, giá thịt lợn được đẩy lên cao gấp rưỡi ban đầu, thậm chí gần gấp đôi, gấp 3 lần. Chính vì vậy, người tiêu dùng phải “gánh” một phần giá lớn từ các khâu trung gian. Với nghịch lý giá lợn hơi - thịt lợn như hiện nay, không chỉ người chăn nuôi chịu thua lỗ, mà người tiêu dùng cũng chịu thiệt thòi khi phải mua với giá cao.
Thất bại của hệ thống phân phối, liên kết
Theo báo cáo mới nhất của Cục Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT), chăn nuôi lợn đang gặp khó khăn trong khâu tiêu thụ, giá thịt lợn hơi sụt giảm sâu, người chăn nuôi phải chịu thua lỗ nặng. Để giải quyết vấn đề tiêu thụ thịt lợn hơi, cuối tháng 3 vừa qua, Bộ NN&PTNT đã có nhiều nỗ lực xúc tiến thương mại với Trung Quốc nhằm tiến tới xuất khẩu thịt lợn hơi qua đường chính ngạch. Bộ NN&PTNT đã có đoàn công tác sang Trung Quốc đàm phán xúc tiến thương mại do Thứ trưởng Trần Thanh Nam dẫn đầu. Hai bên đã thống nhất đi đến ký kết về xuất khẩu các mặt hàng chính thống, trong đó ưu tiên mặt hàng thịt lợn. Dù vậy, điều đáng nói là thịt lợn đang thừa mứa nhiều tháng nay, người chăn nuôi đang vật lộn với đầu ra, thì người tiêu dùng vẫn đang phải mua thịt với giá không hề giảm.
Ông Vũ Vinh Phú, Chủ tịch Hiệp hội Siêu thị Hà Nội, cho rằng: Nghịch lý thị trường thịt lợn, đó là người tiêu dùng phải gánh giá cao, bị móc túi; người chăn nuôi thua lỗ, gặp khó khăn, trong khi khâu trung gian được hưởng lợi lớn. Mặt khác, các siêu thị hiện nay lấy nguồn thịt từ các nhà phân phối. Ở nước ngoài, các siêu thị ký hợp đồng trực tiếp với các cơ sở chăn nuôi. Tại Việt Nam, phải qua nhiều khâu, thịt mới tới được siêu thị. Bên cạnh đó, thịt lợn Việt Nam đang chịu quá nhiều loại phí như: kiểm dịch lần một, lần hai; phí chuyển vùng, xuất kho… khiến giá thành bị đội lên.
“Thịt lợn đến được với người tiêu dùng phải qua ít nhất ba khâu trung gian: thương lái, giết mổ và các bà bán thịt ngoài chợ. Trong khi đó, Hà Nội mới xây dựng được 8 chuỗi cung ứng thịt cho người dân Thủ đô, chiếm khoảng 1% so với nhu cầu thực tế. Do vậy, việc thương lái đang điều khiển thị trường là một thất bại của hệ thống phân phối, khiến người tiêu dùng và người chăn nuôi đều chịu thiệt. Lẽ ra, giá thịt phải giảm 15- 20% như đà giảm của lợn hơi”, ông Phú nói.
Theo các chuyên gia, để từng bước kiểm soát giá cả thị trường, đi đôi với việc thực hiện chính sách bình ổn giá, các cơ quan chức năng cần kiểm soát chặt chẽ giá thị trường, nhất là tại chợ đầu mối, dân sinh, để không tạo ra cơn sốt giá “ảo” gây thiệt hại cho người tiêu dùng, người nông dân. Doanh nghiệp và nông dân cũng cần liên kết chặt chẽ để tạo thành chuỗi khép kín từ sản xuất tới tiêu thụ, giảm bớt lợi nhuận ở khâu trung gian (thương lái) với mục đích tăng giá bán ở các trang trại, hộ chăn nuôi và giảm giá bán tại chợ...
Nói về nghịch lý thị trường chăn nuôi, ông Nguyễn Hồng Sơn, Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNT) cho rằng, để giải quyết được vấn đề rớt giá triền miên, giải pháp quan trọng nhất là tuyên truyền để bà con nông dân, người trực tiếp sản xuất liên kết với các doanh nghiệp nhằm phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị. Việc làm cần thiết đó là người nông dân phải tuân thủ sản xuất theo đúng quy hoạch; phải có hợp đồng tiêu thụ. Giải pháp cụ thể là chúng ta cố gắng phát triển mối liên kết giữa các doanh nghiệp với nông dân theo chuỗi và liên kết sản xuất bền vững. Đặc biệt, Nhà nước cần quy định đối với các đơn vị xuất khẩu ký hợp đồng sản xuất và bao tiêu với nông dân, từ đó việc đầu tư nguyên liệu đầu vào, cũng như xử lý đầu ra sẽ ổn định và vững chắc.