Trong hơn 2 năm rưỡi (từ 2020 đến 6 tháng đầu năm 2022), trong ngành y tế đã có 12.000 cán bộ, công chức, viên chức thôi việc, chuyển việc. Hiện nay, số lượng điều dưỡng còn thiếu hụt lớn, lại tiếp tục có nguy cơ thiếu trầm trọng sau đại dịch COVID-19. Thực tế, lực lượng điều dưỡng - hộ sinh ở các khoa trọng điểm tại các bệnh viện như: Khoa Hồi sức cấp cứu, Cấp cứu, Sơ sinh thường phải trực ca kíp kéo dài tới 24 giờ, đặc biệt tình trạng ca chồng ca còn khá phổ biến tại nhiều bệnh viện khiến chất lượng làm việc của lực lượng điều dưỡng bị ảnh hưởng rất lớn.
Đặc biệt, tại TP.HCM, ngành y tế cũng đang lo ngại với nguy cơ thiếu lực lượng điều dưỡng trầm trọng do làn sóng nhân viên y tế nghỉ việc sau dịch COVID-19. Theo Sở Y tế TP.HCM, tình trạng thiếu điều dưỡng bệnh viện công đang rất đáng lo ngại. Dự báo tình trạng thiếu hụt nguồn nhân lực điều dưỡng tại các bệnh viện sẽ càng trầm trọng hơn khi số người được tuyển dụng mới không đủ về số lượng lẫn chất lượng để bù đắp số đã nghỉ việc. Cụ thể, trong 6 tháng đầu năm 2022, ngành y tế TP.HCM đã có 874 nhân viên y tế thôi việc, trong đó có 391 điều dưỡng.
Theo Hội Điều dưỡng Việt Nam, hiện Việt Nam có tỷ lệ số điều dưỡng/10.000 dân là 14; tỷ số điều dưỡng và hộ sinh/bác sĩ trên toàn quốc là 1,95/1, thấp hơn rất nhiều so với mức trung bình trên thế giới. Việt Nam đã đặt mục tiêu nâng tỷ lệ lên 25 điều dưỡng/10.000 dân trong thời gian tới; trong khi để đạt chỉ tiêu có 3,5 điều dưỡng-hộ sinh/bác sĩ theo quy định, cần phải bổ sung gấp 2 lần số lượng điều dưỡng viên hiện có.
Từ bỏ công việc đam mê
Có công việc tại một bệnh viện tuyến Trung ương là mong của nhiều sinh viên ngành y sau khi ra trường. Đó là công việc đam mê và mang ý nghĩa nhân văn cứu người.
Nhưng vẫn có những điều dưỡng phải đưa ra quyết định “dứt áo ra đi” sau 10 năm gắn bó với nghề. Điều dưỡng D.T (làm việc ở một bệnh viện Trung ương tại Hà Nội) đã phải trăn trở rất nhiều với quyết định xin nghỉ của mình.
“Nhân viên trong khoa chỉ có ngần ấy người, ca trực của chúng tôi luôn dày đặc; mỗi tuần ngoài các ngày đều làm hành chính lại thêm 2 buổi trực, mỗi buổi trực kéo dài 24 giờ từ sáng hôm trước đến sáng hôm sau. Vì là khoa ung thư nên bệnh nhân nặng rất nhiều, mỗi khi có bệnh nhân tử vong trong đêm chúng tôi lại thức trắng. Nhưng nhiều khi sáng hôm sau lại trực tiếp nối ca vì có đồng nghiệp xin nghỉ. Nghề điều dưỡng thực sự rất vất vả, luôn chân tay nhưng ít ai nhìn thấy”, điều dưỡng D.T chia sẻ.
Với chị D.T đưa ra quyết định nghỉ việc không hề dễ dàng, khi bản thân chị vẫn còn tâm huyết với nghề, vẫn còn day dứt với các đồng nghiệp vì “để lại thêm phần công việc sau khi nghỉ”. Điều dưỡng D.T chia sẻ, ngay trước khi nghỉ việc, theo quy định về trình độ điều dưỡng phải có bằng từ cao đẳng trở lên nên chị đã bỏ tiền túi hơn 30 triệu để đi học nâng cao chuyên môn, nhưng tấm bằng học xong đành để đấy.
“Nhiều khi áp lực công việc với nhân viên y tế quá nặng, ca trực dày đặc, lại thêm nhiều gánh nặng khác; trong khi công việc của điều dưỡng viên là chủ yếu chăm sóc bệnh nhân, hoạt động chân tay liên tục lại kiêm cả việc ghi chép sổ sách khiến tinh thần làm việc cũng bị ảnh hưởng. Trong muôn vàn áp lực đó thật khó để bắt điều dưỡng viên lúc nào cũng phải mỉm cười, nhẹ nhàng. Tuy nhiên, đôi khi không kìm nén được cảm xúc lại rất dễ bị người bệnh, người nhà phản ứng, thậm chí phản ứng thái quá khiến áp lực lại càng thêm áp lực”, chị D.T nói.
Cũng theo chị T, dù rất yêu nghề, có thể chịu đựng được những áp lực nhưng không đủ sống thì khó có thể trụ với nghề. Nhiều đồng nghiệp của chị cũng chia sẻ họ không dám nghỉ việc vì thực sự “không biết đi đâu”.
Khủng hoảng nhân lực
Lãnh đạo một khoa tại bệnh viện nơi điều dưỡng D.T công tác cũng chia sẻ, trước tình trạng nhân viên y tế nghỉ việc ảnh hưởng đến số lượng điều dưỡng tại khoa, nếu ca trực trước đây có 5 điều dưỡng thì hiện chỉ còn 3 người, áp lực đè lên những người còn lại khi họ phải gồng gánh cả khối công việc không thay đổi. Tình trạng này nếu để kéo dài sẽ rơi vào khủng hoảng và ảnh hưởng tiêu cực đến chất lượng chăm sóc và điều trị người bệnh.
Theo Hội Điều dưỡng Việt Nam, có tới 60-70% công việc của bệnh viện là do đội ngũ điều dưỡng thực hiện. Dịch vụ liên quan đến các điều dưỡng chiếm tỷ lệ nhiều nhất; người điều dưỡng cũng là người trực tiếp nhất, thường xuyên nhất, là người đầu tiên và cuối cùng gần với bệnh nhân trong cả quá trình vào viện đến khi ra viện. Vì vậy để thiếu hụt lực lượng điều dưỡng là rất đáng lo ngại.
“Việc thiếu hụt lực lượng điều dưỡng dẫn tới chính người bệnh phải chịu thiệt thòi khi khả năng chăm sóc không được đầy đủ sẽ dẫn tới tăng biến chứng các bệnh, tăng nguy cơ tử vong; bên cạnh đó là thời gian chờ đợi kéo dài, nhiều người bệnh phải mang theo hoặc thuê người chăm sóc… Thiếu điều dưỡng cũng dẫn tới hệ thống y tế bị giảm chất lượng khám, chữa bệnh, tăng nguy cơ nhiễm khuẩn bệnh viện, tăng thời gian chờ đợi của bệnh nhân…”, Chủ tịch Hội Điều dưỡng Việt Nam Phạm Đức Mục đánh giá.
Theo tổng hợp của Bộ Y tế từ các báo cáo của các tỉnh, thành phố và đơn vị sự nghiệp trực thuộc Bộ, số lượng nhân viên y tế thôi việc, bỏ việc trong 6 tháng đầu năm 2022 là 9.680 người; trong đó có 2.874 điều dưỡng.
Con số thống kê cho thấy, y tế là một trong 2 ngành có số công chức, viên chức nghỉ việc nhiều nhất. Bộ Nội vụ đánh giá, về nguyên nhân chủ quan, chế độ chính sách tiền lương còn nhiều khó khăn trong khu vực công. Lương của cán bộ, công chức, viên chức so với nhu cầu cần thiết của cuộc sống còn nhiều khó khăn.
“Tôi nghỉ việc mà áy náy với đồng nghiệp vì khoa tôi là khoa điều trị ung thư, vốn lực lượng điều dưỡng đã mỏng, thiếu, khối lượng công việc của mỗi người rất lớn, bình thường đã khó có thể nghỉ phép, thậm chí con ốm cũng không dám xin nghỉ vì đồng nghiệp cũng quá tải. Tuy nhiên, cả gia đình trông chờ vào thu nhập của vợ chồng tôi, nên tôi khó lòng tiếp tục với mức lương chỉ 8 triệu đồng/tháng gồm tất cả các khoản và tiền trực”, điều dưỡng D.T trải lòng.