Trong quá trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp, bước đầu triển khai thực hiện đã đạt được một số kết quả quan trọng: giá trị sản xuất nông nghiệp năm 2014 là 94,89 triệu đồng/1 hecta, đến năm 2017 là 115 triệu đồng (tăng trên 20 triệu đồng). Cơ cấu giống lúa chuyển đổi nhanh từ các giống lúa thường, kém chất lượng sang các giống lúa đặc sản có giá trị kinh tế cao, chiếm 78% diện tích gieo trồng; các mô hình cây, con có hiệu quả được nhân rộng theo hướng tái cơ cấu như: trồng màu trong nhà lưới, trồng mãng cầu gai thích ứng biến đổi khí hậu...
Bên cạnh đó, hình thức tổ chức sản xuất được sắp xếp, phát triển theo mô hình cánh đồng lớn gắn với liên kết bao tiêu sản phẩm, đặc biệt diện tích lúa hàng năm được bao tiêu trên 55% (tăng 11.455 ha so cùng kỳ).
Công tác chuyển giao khoa học kỹ thuật được thực hiện thường xuyên là điều kiện thuận lợi để kết hợp lồng ghép tuyên truyền thực hiện kế hoạch tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững đến năm 2020, góp phần nâng cao nhận thức của người dân, hướng người dân chuyển đổi sản xuất theo quy hoạch, học tập kinh nghiệm từ các mô hình sản xuất có hiệu quả đáp ứng nhu cầu thị trường tiêu thụ nhằm nâng cao thu nhập và phát triển bền vững gắn với xây dựng nông thôn mới.
Công tác xúc tiến thương mại, đăng ký thương hiệu được quan tâm thực hiện tốt, ngày càng nhiều cơ sở sản xuất được bảo hộ nhãn hiệu, chứng nhận hợp quy cho các sản phẩm nông nghiệp như: trà mãng cầu gai, mắm cá rô không xương...