Bộ GD&ĐT vừa trình Chính phủ phương án đổi mới thi THPT quốc gia sau năm 2020. Theo đó, đối với phương thức tổ chức thi trên máy tính, thí sinh có thể tham gia dự thi một số đợt trong năm tại các địa điểm của các tổ chức khảo thí độc lập đáp ứng theo quy định của Bộ GD&ĐT.
Kết quả của đợt thi nào cao nhất sẽ được lựa chọn sử dụng để xét công nhận tốt nghiệp THPT và có thể được các cơ sở giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp tham khảo, sử dụng trong tuyển sinh (nếu có nhu cầu).
PGS.TS Mai Văn Trinh, Cục trưởng Cục Quản lý thi (Bộ GD&ĐT) cho biết, tính khả thi của hoạt động tổ chức thi trên máy tính đã được nghiên cứu và phát triển qua nhiều thập kỷ trên thế giới với các tổ chức khảo thí độc lập của các nước trên thế giới như ETs, ACT.... đối với Việt Nam thành công của mô hình thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia Hà Nội và việc triển khai hoạt động đánh giá năng lực ngoại ngữ theo khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc của Việt Nam là những tiền đề khả thi cho phương thức tổ chức thi trên máy tính.
Về vấn đề này, TS Nguyễn Tùng Lâm, Chủ tịch Hội Tâm lý giáo dục Hà Nội cho rằng việc thi trên máy tính hiện còn nhiều băn khoăn về hiệu quả hình thức thi trắc nghiệm. “Không chỉ với môn thi xã hội mà ngay cả môn Toán nếu chỉ thi theo hình thức trắc nghiệm để đánh giá học sinh thì cũng chưa ổn. Nhiều yêu cầu về tư duy mà trắc nghiệm không thể đánh giá đúng”- TS Tùng Lâm nhấn mạnh.
Ông Nguyễn Quý Xuân, Hiệu trưởng trường THPT Phúc Lợi, Hà Nội, cho rằng việc thi trên máy tính chia thành nhiều đợt có thể khả thi vì nếu thi tập trung một đợt sẽ không đủ điều kiện cơ sở vật chất. Tuy nhiên, ông Xuân còn băn khoăn về mức độ may rủi với hình thức thi này.
“Một kỳ thi muốn đánh giá chính xác phải hạn chế thấp nhất tính may rủi. Tuy nhiên với các phương án trả lời có sẵn, việc học sinh không hiểu đánh bừa câu trả lời cũng có khả năng đúng đáp án. Như vậy sẽ không công bằng. Điều này cần tính toán kỹ” - ông Xuân chia sẻ.
Theo TS Nguyễn Tùng Lâm, kỳ thi THPT quốc gia nên xây dựng theo hướng trao chủ động cho địa phương và tăng cường giám sát bằng công nghệ. “Thanh tra không cần phải xuống tận phòng thi mà có thể ngồi một chỗ xem hình ảnh kết nối qua mạng nếu lắp camera tại các điểm thi.
Giá thành lắp đặt không quá cao so với việc bố trí một lực lượng lớn giám thị, thanh tra đến từng cơ sở trong kỳ thi THPT quốc gia. Giám sát coi thi bằng công nghệ thông tin và tiến hành chấm chéo sẽ hạn chế tiêu cực thi mà bộ cũng không phải can thiệp, thay đổi nhiều” - TS Tùng Lâm phân tích.