Toán không phải một môn thế mạnh của thí sinh đạt điểm 10
Môn toán trong kỳ thi THPT quốc gia 2018 có những câu thuộc dạng cực khó đến mức "tiến sĩ toán cũng lắc đầu" nhưng TP HCM vẫn có một thí sinh đạt điểm 10. Đó là em Nguyễn Trần Công Đạt, học sinh lớp 12A8 Trường THPT Trần Phú (Q.Tân Phú).
Vốn là học sinh nổi trội môn hóa nhưng Đạt cho biết, kết quả làm bài thi môn toán làm em hài lòng nhất, vượt cả mong đợi, khi trong phòng thi, em thấy mình chắc chắn làm đúng 44 câu hỏi của đề toán. Đề thi có 50 câu thì có 10 câu thuộc dạng khó, trong đó 6 câu thuộc dạng cực khó. "Đối với mấy câu cực khó, em dùng phương pháp loại trừ rồi chọn đáp án chứ lúc đó không chắc chắn mình làm đúng".
Chia sẻ về bài thi của mình, Công Đạt cho biết: “Trong 60 phút đầu tiên, em làm hết khoảng 44 câu, còn lại khoảng 6 đến 7 câu khó em tập trung làm vào những phút còn lại”.
Đạt tâm sự: “Thời gian không còn nhiều, và đây là những dạng toán em chưa từng gặp nên chủ yếu sử dụng khả năng phán đoán, loại trừ để chọn đáp án. Thật sự kết quả mà em có được một phần nhờ sự may mắn”.
Thêm vào đó, “toán không phải là môn thế mạnh của em nên sau khi so dò đáp án, dù không sai câu nào nhưng ba mẹ vẫn nói khi nào công bố kết quả mới biết”. Trong khi đó, với thành tích huy chương vàng kỳ thi Olympic 30 Tháng 4 và học sinh giỏi cấp thành phố môn hóa học, Đạt tự chấm điểm cho mình ở môn thi này là 9,5 còn vật lý khoảng 8,25. “Dù vui với điểm môn toán nhưng em lại khá buồn khi mình không đạt điểm tuyệt đối ở môn sở trường của mình”.
Không bao giờ đi học thêm
"Từ lớp 1 đến lớp 12 em không học thêm. Nhưng có một lần, lúc đó là tháng 3 vừa rồi, thấy các bạn đi ôn thi đại học nhiều nên em cũng hơi lo nên đăng ký đi học môn toán.
Nhưng em không học cô giáo bộ môn trên lớp mà học thầy giáo trong trường để xem có phương pháp nào khác và mới không. Đi học được hơn 1 tháng, em nhận ra mình đã đúng khi quyết định không học thêm vì rất mất thời gian.
Một tháng đó em không có thời gian giải bài tập ở lớp của nhiều môn, vì học thêm về còn phải giải bài tập thầy giao, mà quanh đi quẩn lại trọng tâm vẫn là kiến thức cơ bản, thế là em quyết định nghỉ, tự học tự ôn", Đạt chia sẻ.
Sau những giờ học chính khóa ở trường, Đạt về nhà tự học, nắm chắc những gì thầy cô giảng trên lớp và tìm sách nâng cao tham khảo thêm. Thời gian còn lại em chuyện trò cùng chị gái bị khiếm thị rồi xem phim, nghe nhạc giải trí…
Là một cậu học trò thích môn hóa học, năm lớp 11 đạt giải nhất Olympic môn hóa, lớp 12 vừa đoạt giải nhì giải toán nhanh bằng máy tính Casio môn hóa và giải 3 trong kỳ thi Học sinh giỏi cấp thành phố nên thang điểm mà em tự đưa ra trong kỳ thi này để bản thân tự phấn đấu là phải đạt được điểm 10 môn hóa, còn toán và lý chỉ khoảng 8-9 điểm.
"Em không học đâu xa, học ở lớp, về nhà em xem lại, rồi thầy hóa cho mượn sách toán, bộ đề toán. Học phần nào em giải chắc và mở rộng dạng của phần đó.
Trong 3 năm học THPT tại Trường THPT Trần Phú, Nguyễn Trần Công Đạt luôn duy trì kết quả môn toán ở mức từ 8,8 đến 9,3 điểm. Trước đó, trong kỳ thi tuyển sinh lớp 10, môn toán em đạt 9,25 điểm.
Đạt cho biết trước đây em đăng ký nguyện vọng 1 vào Trường ĐH Bách khoa TP HCM, nguyện vọng 2 vào Trường ĐH Khoa học Tự nhiên và nguyện vọng 3 vào Trường ĐH Sư phạm TP HCM nhưng nay em có kế hoạch điều chỉnh nguyện vọng đưa Trường ĐH Sư phạm TP HCM vào nguyện vọng 1. "Em muốn học sư phạm hóa để trở thành giáo viên dạy hóa" - Đạt nói.
Theo Sở GD&ĐT TP HCM, thống kê từ hội đồng chấm thi THPT quốc gia 2018 ở TP HCM, môn Toán có 63,04% thí sinh đạt từ 5 điểm trở lên, 1,19% thí sinh đạt điểm 8 điểm trở lên.
Đối với môn ngoại ngữ, có 20 thí sinh đạt điểm 10; 6,96% thí sinh đạt điểm giỏi (từ 8 điểm trở lên), 43,57% thí sinh đạt từ 5 điểm trở lên.
Đối với các môn còn lại, Sở GD&ĐT tiếp tục thống kê và công bố trong những ngày tới.
Trước đó, Sở GD&ĐT TP HCM cũng cho biết môn Ngữ văn, với tổng số khoảng 78.000 bài thi kết quả chấm có 5 thí sinh làm bài đạt điểm 9.
Trong khi đó, 532 thí sinh đạt điểm giỏi từ 8 trở lên (chiếm tỷ lệ 0,6%). Số bài thi đạt điểm từ 5 trở lên chiếm tỷ lệ khoảng 68,86%.