Thi đua ái quốc: Động lực đưa đất nước vươn xa

Nguyễn Diệp Linh
VOV.VN -    Có thể nói càng trong khó khăn thách thức càng cần đẩy mạnh các phong trào thi đua. Bởi thi đua sẽ khơi dậy tinh thần sáng tạo, giúp mỗi người tự vượt lên chính mình để cống hiến, góp phần xây dựng đất nước tự lực, tự cường

Tròn 75 năm ngày Bác Hồ ra lời kêu gọi Thi đua ái Quốc (11/06/1948 – 11/06/2023), hưởng ứng lời kêu gọi của Bác, phong trào thi đua trên mọi mặt trận đã góp phần to lớn trong thành công trong hai cuộc kháng chiến trường kỳ, thống nhất non sông về một mối. Từ đó tới nay, phong trào thi đua ái quốc lan tỏa sâu rộng, tạo ra những giá trị vật chất, tinh thần to lớn cho sự nghiệp đổi mới, xây dựng và bảo vệ đất nước. Bước vào cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 hiện nay, hơn lúc nào hết càng cần những tấm gương tiên phong, sáng tạo, nhiệt huyết trên mọi lĩnh vực, thực hiện lời dạy của Bác "Càng khó khăn thì càng phải thi đua".

Những năm gần đây, phong trào thi đua yêu nước được phát động sâu rộng trên mọi lĩnh vực, ngành nghề, từ trung ương đến địa phương, từ cơ quan, đoàn thể, đến các trường học. Nhiều phong trào đã để lại dấu ấn đậm nét như phong trào "Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới". Chỉ trong 10 năm thực hiện chủ trương lớn của Đảng, nhà nước, đã có hàng vạn hộ gia đình tự nguyện hiến gần 45 triệu m2 đất, đóng góp hàng chục nghìn tỷ đồng và gần 60 triệu ngày công lao động để xây dựng các công trình công cộng, phúc lợi ở địa phương. Sức mạnh toàn dân đã được huy động trên tinh thần tự nguyện hiến đất, hiến công, hiến của của mỗi người.

Nhiều mô hình như “Mỗi xã một sản phẩm” khiến người dân thi đua, phát huy các sản vật, các ngành nghề truyền thống của địa phương, làm giàu trên chính mảnh đất quê hương. Nhờ vậy, nông thôn ngày nay đã mang một diện mạo mới, trở thành nơi đáng sống, đáng tự hào, như chia sẻ của nghệ nhân nón lá Tạ Thu Hương, Thanh Oai, Hà Nội: “Từ chiếc nón lá truyền thống của quê hương mà mình biến tấu ra thành nón bộ, nón trùm, rồi nón bãi biển, nón decor. Tôi làm ra nón lá trên lụa để bán cho khách du lịch và bán xuất khẩu. Những chiếc nón nó đặc sắc riêng nó có giá trị kinh tế cao hơn, cho làng quê, cho người dân có việc làm ổn định.”

Còn đây là tâm tư của ông Nguyễn Đình Khoát nông dân ở Thái Bình: “Ở nông thôn giờ so với trước là hơn nhiều. Bây giờ ở đây nhà cửa xây xướng, mỗi nhà hai ba cái xe máy. Cũng có nhà có ô tô. Đường sá thì rộng rãi.”

Không thể không kể đến phong trào “Cả nước chung tay vì người nghèo, không để ai bị bỏ lại phía sau”, những năm qua đã vận động được hàng chục ngàn tỷ đồng; giúp xây mới và sửa chữa hàng trăm ngàn căn nhà Đại đoàn kết cho người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn; hỗ trợ hàng triệu lượt người nghèo khám chữa bệnh…

Bên cạnh đó, các phong trào thi đua của các bộ, ngành cũng được đẩy mạnh, như phong trào Thi đua quyết thắng trong quân đội đã tạo động lực quan trọng để quân đội thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ “Đội quân chiến đấu, đội quân công tác và đội quân lao động sản xuất”. Hay trong suốt 23 năm qua phong trào Tuổi trẻ sáng tạo trong Quân đội đã ghi nhận những con số ấn tượng với gần 6.200 công trình của hơn 10 nghìn lượt thanh niên quân đội. Trên 3 nghìn công trình đạt giải đã ứng dụng vào thực tiễn đạt hiệu qủa cao, góp phần hoàn thành nhiệm vụ chính trị, làm lợi cho các cơ quan, đơn vị và quân đội mỗi năm hàng trăm tỷ đồng, góp phần phát huy sức trẻ quân đội trong trong thực hiện mục tiêu xây dựng quân đội cách mạng, chính quy, tinh nhuệ hiện đại. Như chia sẻ của đại diện nhóm nghiên cứu đạt giải, Vũ Quang Vinh Tập đoàn Viettel: “Từ thành công của giải thưởng này, chúng tôi sẽ tiếp tục cố gắng, nghiên cứu phát triển những sản phẩm mới, giúp hiện đại hóa thêm cho quân đội và cố gắng cống hiến sức trẻ của mình cho quân đội.”

Hàng chục năm qua, các phong trào thi đua đã phát triển sâu rộng tới từng giới, từng đoàn thể có thể kể đến phong trào “Doanh nghiệp Việt Nam hội nhập và phát triển” do Thủ tướng Chính phủ phát động; 3 phong trào lớn “Tuổi trẻ sáng tạo”, “Thanh niên tình nguyện”, “xung kích bảo vệ Tổ quốc” của Trung ương Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh. Phong trào “Nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững” của Trung ương Hội nông dân; “Tuổi cao, gương sáng” của hội người cao tuổi. Phong trào “Phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc” của Trung ương hội phụ nữ...

Gắn với các phong trào là những sản phẩm được vinh danh như gạo ngon nhất thế giới; nhiều doanh nghiệp, doanh nhân, công nhân đạt năng suất, chất lượng, hiệu quả cao trong lao động, sản xuất, kinh doanh; nhiều công trình trọng điểm quốc gia được hoàn thành đảm bảo chất lượng, đúng hoặc vượt tiến độ; nhiều công chức, viên chức, chiến sỹ công an tận tụy với công việc phục vụ nhân dân; là hàng trăm tỷ phú chân đất ở khắp các miền quê; là quyền của phụ nữ được phát huy..v.v Hàng vạn tấm gương sáng được tôn vinh đó, có sức lan tỏa mạnh mẽ, là nguồn cảm hứng bất tận khơi dậy động lực phấn đấu, sáng tạo vượt qua mọi thách thức, khó khăn. Qua đó đã góp phần to lớn củng cố tiềm lực, vị thế của đất nước.

Cùng với khát vọng vươn lên, phong trào thi đua yêu nước càng cần được đẩy mạnh, ông Thạch Phước Bình, Ủy viên Hội đồng dân tộc của Quốc hội cho rằng: “Chúng ta vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức để tiếp tục phát triển kinh tế xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh, triển khai áp dụng các chính sách đổi mới. Rõ ràng việc chúng ta tiếp tục phát động các phong trào thi đua và lời kêu gọi thi đua ái quốc của Bác luôn luôn có hiệu quả, như là động lực để thúc đẩy mỗi con người chúng ta cố gắng phát huy nội lực của mình, cùng chung mục tiêu lớn xây dựng đất nước ngày càng giàu đẹp hơn nữa.”

Không thể kể hết các phong trào thi đua, chỉ biết rằng thi đua yêu nước đã trở thành một nhiệm vụ của mỗi cơ quan, đoàn thể, là một dòng chảy không thể thiếu trong lao động sản xuất và công tác... Càng trong giai đoạn đất nước tiến hành công nghiệp hóa, hiện đại hóa, càng cần phát huy tinh thần thi đua học hỏi, chiếm lĩnh tri thức, làm chủ các thiết bị khoa học hiện đại chuyển giao khoa học công nghệ phục vụ sản xuất; càng cần phát huy tinh thần sáng tạo để gia tăng giá trị cho các sản phẩm, nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế. Tuy nhiên để phong trào thi đua sôi nổi, thực chất hiệu quả, công tác tôn vinh điển hình tiên tiến, công tác khen thưởng cần được thực hiện đúng quy định, kịp thời.

Nhắc lại lời dạy của Bác, TS Chu Đức Tính, nguyên Giám đốc Bảo tàng Hồ Chí Minh cho biết: “Muốn giành thắng lợi được thì phải phát động thi đua. Thi đua thực sự là phong trào yêu nước. Thi đua phải được đánh giá phải được tổng kết sau mỗi kỳ thi đua, để rút ra bài học, rút ra những điều tích cực để phát huy và chỉ ra những hạn chế để khắc phục. Bác Hồ nói rất hay, tức là thi đua phải gắn với khen thưởng, thi đua là động lực cho phát triển và khen thưởng cũng chính là động lực của thi đua.”

Có thể nói càng trong khó khăn thách thức càng cần đẩy mạnh các phong trào thi đua. Bởi thi đua sẽ khơi dậy tinh thần sáng tạo, giúp mỗi người tự vượt lên chính mình để cống hiến, góp phần xây dựng đất nước tự lực, tự cường vì những mục tiêu nhân văn, cao đẹp.

Theo VOV