Công tác cán bộ là một trong những vấn đề các thế lực thù địch thường lợi dụng để chống phá Đảng, chống chế độ xã hội chủ nghĩa. Đặc biệt, mỗi khi có thông báo của Ủy ban Kiểm tra Trung ương về xử lý kỷ luật cán bộ mắc sai phạm, là trên các trang mạng xã hội lại đầy ắp các thông tin nhiễu loạn, xuyên tạc.
Mới đây nhất, lợi dụng câu chuyện Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc từ chức vì trách nhiệm người đứng đầu khi để nhiều cán bộ, trong đó có hai Phó Thủ tướng, 3 bộ trưởng có vi phạm, khuyết điểm, gây hậu quả rất nghiêm trọng, các trang mạng phản động ngay lập tức tận dụng cơ hội này để chọc ngoáy, “lái” câu chuyện theo mục đích của họ. Chúng thậm chí còn đặt vấn đề về trách nhiệm của Tổng Bí thư, Bộ Chính trị và Ban Chấp hành Trung ương Đảng.
Để nhận diện đúng những luận điệu sai trái, phóng viên VOV.VN phỏng vấn Trung tướng, Giáo sư -Tiến sĩ Nguyễn Xuân Yêm, Viện trưởng Viện An ninh phi truyền thống thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội, nguyên Giám đốc Học viện Cảnh sát Nhân dân, Bộ Công an.
“Bổn cũ soạn lại” hòng làm nhiễu loạn, bất ổn xã hội
PV: Thưa ông, thời gian gần đây, các trang mạng phản động gia tăng chống phá, nhất là công tác nhân sự. Ông nhận định về hiện tượng này thế nào?
Trung tướng, GS.TS Nguyễn Xuân Yêm: Thời gian gần đây, các hoạt động chống phá cách mạng Việt Nam ngày càng gia tăng, nhất là trên các trang mạng xã hội. Các thế lực thù địch liên tục tung tin thất thiệt hòng chia rẽ lòng tin, bôi nhọ uy tín và xuyên tạc tình hình Việt Nam, trong đó tập trung vào công tác nhân sự cấp cao của Đảng.
Đây là những “bổn cũ soạn lại”. Những phương thức, thủ đoạn và cách thức chống phá của các thế lực thù địch không có gì mới. Tuy nhiên, chúng ta biết rằng, vào những thời điểm đất nước có các sự kiện chính trị hoặc sự kiện về văn hóa, thể thao, hay sự kiện nào đó xảy ra; Đặc biệt, trong dịp Đảng và Nhà nước có sự thay đổi một số nhân sự cấp cao, các đối tượng, các thế lực thù địch, các phần tử phản động bất mãn, hoặc cơ hội chính trị lợi dụng tình hình này để tăng cường chống phá.
Mục đích cao nhất của các đối tượng này là làm nhiễu loạn, bất ổn xã hội, dẫn đến suy yếu thể chế chính trị và vai trò lãnh đạo của Đảng đối với xã hội, đối với đất nước và sự nghiệp cách mạng của chúng ta.
Các thế lực thù địch cũng như các đối tượng, phần tử cơ hội chính trị và phản động, chúng không bao giờ thừa nhận sự lãnh đạo của Đảng CSVN đối với sự nghiệp cách mạng và thể chế chính trị. Các đối tượng này cũng không bao giờ vui mừng trước những thành công, những thành tựu của đất nước chúng ta. Vì vậy, mục tiêu không thay đổi của chúng là chống phá, làm suy yếu sự lãnh đạo của Đảng, sự nghiệp cách mạng và sự phát triển đất nước.
Hiện nay, một trong những phương thức hiệu quả nhất của họ chính là sử dụng không gian mạng. Bởi, hiện chúng ta có gần 100 triệu dân và số người sử dụng điện thoại thông minh và các phương tiện, thiết bị, sử dụng mạng xã hội chiếm một tỷ lệ rất cao, lên đến gần 70 triệu thuê bao có sử dụng mạng xã hội. Đây chính là một kênh để các đối tượng triệt để lợi dụng truyền tải những thông tin xấu độc.
Các thế lực thù địch, các phần tử cơ hội, phản động đã và đang tiến hành các hoạt động phá hoại tư tưởng với các biểu hiện như: Bóp méo, phủ nhận những giá trị bền vững của chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; Xuyên tạc chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước ta trong công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa; Đẩy mạnh sự xâm nhập của các sản phẩm văn hóa độc hại gây hủy hoại đạo đức xã hội; Lợi dụng các vấn đề dân chủ, nhân quyền, dân tộc, tôn giáo xâm phạm an ninh quốc gia; Xuyên tạc đời tư, bôi nhọ, nói xấu lãnh đạo Đảng và Nhà nước qua các thời kỳ; xuyên tạc công tác nhân sự của Đảng, Nhà nước; Tuyên truyền xuyên tạc cho rằng, Việt Nam sử dụng chống tham nhũng là phương tiện để trấn áp bất đồng chính kiến trong hàng ngũ của Đảng…
PV: Vì sao họ gia tăng chống phá vào thời điểm này?
Trung tướng GS.TS Nguyễn Xuân Yêm: Kẻ địch và những phần tử xấu chọn thời điểm này là có sự tính toán kỹ. Đặc biệt, trong bối cảnh, Đảng và Nhà nước ta có những quyết định quan trọng để hoàn thiện nhân sự trong bộ máy cơ quan Đảng, chính quyền ở Trung ương và địa phương; có những quyết định quan trọng trong công tác phòng, chống tham nhũng, trong giải quyết các vụ án hình sự lớn... Chính vì vậy, các thế lực phản động và kẻ xấu đã đưa ra nhiều thông tin xấu, độc để chống phá.
PV: Như vậy, mỗi khi có sự kiện lớn diễn ra hay các vụ việc chúng ta xử lý cán bộ, họ thường lợi dụng để gia tăng chống phá?
Trung tướng GS.TS Nguyễn Xuân Yêm: Đúng như vậy. Nhân dân ta ngày nay rất quan tâm tới tình hình chính trị xã hội. Mỗi khi đất nước có những sự kiện lớn như Đại hội Đảng các cấp, bầu cử Quốc hội và HĐND các cấp, khi Đảng và Nhà nước có sự thay đổi và chuyển giao về mặt nhân sự ở Trung ương và địa phương... Mối quan tâm này không chỉ có ở các cơ quan nhà nước, trong cán bộ lãnh đạo mà còn được quan tâm nhiều ở tất cả các tầng lớp nhân dân. Điều này cũng dể hiểu khi đất nước ta phát triển, trình độ dân trí được nâng cao thì việc các tầng lớp nhân dân quan tâm tới tình hình chính trị xã hội của đất nước là một điều tất nhiên và đáng mừng.
Kẻ địch và các phần tử xấu, họ hiểu rất rõ điều này. Chính vì vậy họ tập trung với tần suất cao, đưa ra nhiều thông tin, luận điệu xấu độc trên mạng xã hội, gây mâu thuẫn nội bộ và lung lạc lòng tin của người dân với Đảng.
Lĩnh vực mà những kẻ cơ hội và thế lực thù địch ưa thích xuyên tạc, bóp méo trước các sự kiện lớn của đất nước đó là: tung tin giả mạo, thất thiệt về công tác chuẩn bị nhân sự của Đảng và Nhà nước. Trên các trang tin hải ngoại như BBC Tiếng Việt
, VOA Tiếng Việt, Đài Châu Á Tự do RFA, mạng xã hội Facebook... các cây bút tự xưng là nhà báo, blogger tung ra rất nhiều bài viết sắp đặt đồng chí A, đồng chí B làm Chủ tịch nước; đồng chí C, D dự kiến làm Thường trực Ban bí thư, vào Bộ Chính trị, ông A, bà B là “trùm cuối" của Việt Á... Chúng đặt tiêu đề những bài viết theo kiểu lấp lửng, phủ định: như "Đảng có vì lợi ích người dân?" hòng gieo mầm mống nghi ngờ đối với người dân, cộng đồng xã hội với Đảng và Nhà nước.
Ngoài việc chúng gây chia rẽ và hoài nghi trong nội bộ, chúng dựng nên một hình ảnh, một tổ chức Đảng của chúng ta là một mớ hỗn độn, là những cá nhân tiêu cực, những người không đủ phẩm chất, năng lực và những nhóm lợi ích, chứ không phải là một tổ chức cách mạng tiên phong, có bản lĩnh, trí tuệ, có tầm nhìn, có trách nhiệm, có đạo đức, có văn minh để lãnh đạo quốc gia dân tộc tiến lên văn minh hiện đại.
Những ý kiến sắp đặt cán bộ, những danh sách nhân sự mà các đối tượng đưa ra hầu hết là đoán mò. Bởi vì, quá trình tổ chức của Đảng và Nhà nước là rất chặt chẽ, công khai minh bạch, bài bản, khoa học và tiến bộ để làm sao đạt được mục đích cao nhất là chọn được người có đức, có tài, có tầm nhìn, có trí tuệ, bản lĩnh tham gia vào việc lãnh đạo trong các tổ chức của Đảng. Qua đó, lãnh đạo sự phát triển kinh tế đất nước.
Từ những thông tin bên lề, các đối tượng tạo dựng ra những thông tin như: ai vào vị trí này, người này vào vị trí kia... Điều ấy, những người tỉnh táo dễ dàng nhận ra rằng, đây là những ý đồ, những âm mưu rất xấu và không có căn cứ. Bởi, đây chỉ là sự gây nhiễu loạn thông tin mà thôi.
PV: Mới đây nhất, trên một số trang mạng, sau khi Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc từ chức, họ đặt câu hỏi “Còn Tổng Bí thư, Bộ Chính trị và Ban chấp hành trung ương Đảng thì sao?”. Hay cũng từ câu chuyện nhiều nhân sự khóa XIII phải từ chức, họ chọc vào chuyện nhân sự Đại hội XIII "vì sao được làm một cách “thận trọng, chặt chẽ, dân chủ, đúng quy trình” mà lại có kết quả như thế? Vậy theo ông mục tiêu của chúng là gì?
Trung tướng GS.TS Nguyễn Xuân Yêm: Thực chất đây là các thông tin xấu, độc hòng chia rẽ, gây mâu thuẫn nội bộ và lung lạc lòng tin của người dân với Đảng, Nhà nước.
Những năm gần đây, đất nước ta dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam có những bước phát triển vượt bậc. Chỉ vài chục năm mà đất nước ta đã có những thành tựu, bộ mặt mới mà nhiều nước trên thế giới phải mất hàng trăm năm mới có được. Cũng chính trong thời kỳ phát triển “nóng” này, bên cạnh những thời cơ, thuận lợi đã và đang xuất hiện những nguy cơ đe dọa an ninh phi truyền thống mới chưa từng xảy ra trước đây như tội phạm xuyên quốc gia; dịch bệnh Covid-19 và các nguy cơ đe dọa an ninh y tế, an ninh môi trường, tài nguyên, đất đai; an ninh kinh tế, an ninh tài chính, an ninh doanh nghiệp; an ninh lương thực; an ninh năng lượng...
Trong cuộc đấu tranh phòng ngừa, ứng phó với các nguy cơ đe dọa an ninh phi truyền thống này, ngoài thiệt hại về vật chất, tinh thần, chúng ta còn bị thiệt hại về con người, trong đó có những cán bộ có năng lực, đã có nhiều công lao với đất nước, với Đảng và nhân dân. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhiều lần nhấn mạnh, Đảng và Nhà nước ta trong công tác cán bộ, trong đó có xử lý cán bộ là theo phân công, phân cấp thẩm quyền lãnh đạo; kỷ luật cán bộ rất nhân văn, có tình, có lý, phân minh công, tội của cán bộ rõ ràng.
Nâng cao “sức đề kháng” trước những tư tưởng sai trái, lệch lạc
PV: Theo ông, mục tiêu chính của họ là gì?
Trung tướng GS.TS Nguyễn Xuân Yêm: Thực chất các hạt động tuyên truyền này của các thế lực thù địch và các phần tử xấu là nhằm gây chia rẽ nội bộ, làm cho Đảng ta “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” từ bên trong. Các phần tử phản động ra sức tuyên truyền các thông tin xấu, độc, các thông tin không được kiểm chứng, nhất là lợi dụng cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng của Đảng và Nhà nước ta để xuyên tạc là thanh trừng nội bộ, là chuẩn bị ghế nhân sự cho vị trí cao hơn… Không những thế, chúng còn thường xuyên dựng chuyện, thổi phồng những sai lầm, thiếu sót của một số cán bộ, đảng viên, qua đó gây hoang mang, tạo bức xúc trong dư luận xã hội, kích động người dân gây mất an ninh, trật tự... hòng hạ bệ uy tín của cán bộ, gây hoang mang, phá vỡ khối đoàn kết trong Đảng, sự đồng thuận của xã hội, chia rẽ Đảng với nhân dân và cuối cùng tiến tới xóa bỏ chủ nghĩa xã hội ở nước ta và đánh đổ vai trò lãnh đạo xã hội của Đảng Cộng sản Việt Nam.
Những âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch chống phá Đảng, Nhà nước và nền tảng cách mạng của dân tộc ta là hết sức tinh vi, phức tạp. Điều đó đòi hỏi đội ngũ cán bộ, đảng viên phải không ngừng tự nghiên cứu, học tập, trau dồi nhận thức, bản lĩnh chính trị, thực hiện Nghị quyết số 35-NQ/TW của Bộ Chính trị, ngày 22/10/2018, về “Tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Ðảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới”, nâng cao “sức đề kháng” trước những tư tưởng sai trái, lệch lạc, không để mình bị “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”. Từ đó, có kỹ năng nhận diện và bóc trần những âm mưu, thủ đoạn sai trái, kiên định mục tiêu, lý tưởng của Đảng để trực tiếp tuyên truyền, thực hiện đưa nghị quyết, đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước đến với Nhân dân.
Đồng thời, mỗi cán bộ, đảng viên phải luôn phát huy vai trò hạt nhân lãnh đạo tại cơ sở để góp phần xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh, kịp thời phát hiện, đấu tranh, ngăn chặn các đối tượng chống phá, những thông tin xấu độc, tuyên truyền lan tỏa những thông tin chính thống, kết quả phát triển kinh tế - xã hội, gương người tốt, việc tốt, góp phần nâng cao dân trí khiến các thế lực thù địch dần dần không còn "đất" để xuyên tạc, chống phá.
PV: Xin cảm ơn ông./.
Theo VOV