Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres nói ông cảm thấy “phẫn nộ” vì các vụ đánh bom. “Việc thủ phạm rõ ràng là nhằm vào các nhà báo một lần nữa nêu bật lên những rủi ro mà giới truyền thông phải đối mặt khi họ đang tác nghiệp”.
Người phát ngôn Nhà Trắng Sarah Sanders lên án vụ tấn công là “vô nghĩa và đánh kinh tởm”. Bà Sanders ca ngợi giới phóng viên Afghanistan là “một minh chứng mạnh mẽ về sự biến đổi của đất nước này”.
Trong khi đó, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Jim Mattis nói với cánh phóng viên ở trụ sở Lầu Năm Góc rằng “vụ sát hại những nhà báo và các thường dân là lý do rõ ràng nhất cho điều chúng ta đang chống lại”.
Theo ông Mattis, thành phần phiến quân suy yếu ở Afghanistan sở dĩ nhằm vào các nhà báo là vì chúng muốn phá hoại quá trình bầu cử ở nước này, trong bối cảnh một cuộc tổng tuyển cử sẽ diễn ra vào tháng 10. “Đây là chiêu thông thường của những kẻ sẽ không bao giờ chiến thắng, nên chúng phải dùng đến bom đạn”.
Các vụ đánh bom ở Afghanistan xảy ra trong cùng ngày 30/4 (giờ địa phương) khiến hàng chục người thiệt mạng và hơn 50 người bị thương. Vụ đầu tiên xảy ra tại thủ đô Kabul làm 25 người chết, bao gồm 9 phóng viên.
Một vụ tấn công khác ở tỉnh Khost khiến một nhà báo của BBC tử vong. Tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) đã lên tiếng nhận trách nhiệm vụ việc này.
Afghanistan được xem là một trong những nước nguy hiểm nhất với giới báo chí. Kể từ năm 2016, ít nhất 34 phóng viên được ghi nhận đã thiệt mạng trong quá trình tác nghiệp tại nước này.