Theo đó, ngay trong sáng 16/3, huyện Vĩnh Lộc đã huy động lực lượng tiến hành tháo dỡ các hạng mục xây dựng, cải tạo trái phép trong khu vực Di tích quốc gia Động Hồ Công. Các bục, bệ đá đã xây, ốp gạch men và toàn bộ hệ thống tượng, bát hương, di vật... được dỡ bỏ, dọn dẹp, đưa ra khỏi khu vực di tích. Công tác này sẽ được thực hiện trong 2 ngày để trả lại nguyên trạng mặt bằng, cảnh quan, không gian của di tích trong ngày 17/3.
Bí thư Huyện ủy Vĩnh Lộc Lữ Minh Thư cho biết: Việc xây dựng, cải tạo trái phép trong khu vực Di tích quốc gia Động Hồ Công là trái pháp luật. Công việc này do sư trụ trì chùa Thông (hay còn gọi là chùa Du Anh), ni sư Thích Đàm Hải tiến hành. Trong 2 ngày 16-17/3, huyện Vĩnh Lộc sẽ huy động tối đa nhân lực để tháo dỡ, di dời các hạng mục xây dựng trái phép, dọn dẹp phế thải ra khỏi khu vực di tích. Chính quyền địa phương sẽ quyết liệt phối hợp với các cơ quan chức năng làm rõ trách nhiệm và có hình thức xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân có liên quan trực tiếp đến việc tự ý xây dựng, đưa tượng, di vật... vào di tích.
Trực tiếp kiểm tra, chỉ đạo xử lý sai phạm tại Di tích quốc gia Động Hồ Công, Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Thanh Hóa Đào Xuân Yên ghi nhận công tác xử lý kịp thời của chính quyền địa phương và khẳng định, sự việc xảy ra rất đáng tiếc, nhưng đây là bài học kinh nghiệm về công tác bảo tồn, tôn tạo di tích mà ngành Văn hóa, huyện Vĩnh Lộc và các địa phương khác trong tỉnh cần rút kinh nghiệm sâu sắc. Thời gian tới, ngành Văn hóa-Thể thao và Du lịch Thanh Hóa và các địa phương cần tăng cường hơn nữa công tác quản lý, thanh, kiểm tra định kỳ, đồng thời làm tốt công tác tuyên truyền để người dân cùng chung tay bảo vệ di tích, danh thắng.
Liên quan đến công tác xử lý việc xâm hại ở Di tích quốc gia Động Hồ Công, ông Đào Xuân Yên yêu cầu địa phương phải tập trung tháo dỡ, trả lại nguyên trạng di tích; trong quá trình tháo dỡ phải làm tốt công tác bảo vệ, đảm bảo không làm hư hỏng, tác động xấu đến di tích, nhất là phần nhũ đá, đá ở phần tiếp giáp với khu vực bị tháo dỡ. Bên cạnh đó, phải làm rõ trách nhiệm và có hình thức xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân có liên quan trực tiếp đến việc tự ý xây dựng, đưa tượng, di vật... vào Di tích quốc gia Động Hồ Công khi chưa được cấp có thẩm quyền cho phép theo quy định; báo cáo Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa kết quả xử lý và đề xuất, kiến nghị đối với những nội dung vượt thẩm quyền trước ngày 25/3/2023.
Theo phản ánh của người dân và tìm hiểu của phóng viên, thời gian qua, động Hồ Công đã bị xâm hại, 9 pho tượng và 6 bệ đá đã được vận chuyển vào khu vực bên trong động để thờ trái phép. Tại đây, nhiều hạng mục cũng được xây dựng trái phép như ban thờ, bát hương... Tối 15/3, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Thanh Hóa đã có văn bản giao Trung tâm Nghiên cứu lịch sử và Bảo tồn di sản văn hóa (thuộc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch) căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao, hướng dẫn các phòng, ban, chức năng của UBND huyện Vĩnh Lộc và UBND xã Ninh Khang, sư trụ trì chùa Thông trong việc khắc phục sai phạm tại di tích, báo cáo những nội dung vượt thẩm quyền.
Di tích quốc gia Động Hồ Công là một quầп thể hội tụ của núi non, sông nước, hang động, chùa chiền… gồm: Động Hồ Công, núi Xuân Đài, núi Trác Phong và chùa Du Anh (chùa Thông) thuộc xã Ninh Khang, huyện Vĩnh Lộc, cách trung tâm thành phố Thanh Hóa khoảng 45km. Đây là một danh thắng nổi tiếng được nhiều sách xưa ghi chép, ca ngợi là “Động đẹp nhất trong 36 động ở phương Nam”. Nơi đây còn lưu nhiều dấu tích của các đời vua Lê, chúa Trịnh như các bài thơ bằng chữ Hán của vua Lê Thánh Tông, chúa Trịnh Sâm... Bên ngoài động có phiến đá lớn khắc bốn chữ “Thanh kì khả ái” (tức "Thanh Hoá kỳ quan xinh đẹp đáng yêu”) của chúa Trịnh Sâm. Cùng với Di sản thế giới Thành nhà Hồ, Động Hồ công, chùa Du Anh luôn là điểm đến hấp dẫn thu hút khách du lịch mỗi lần về với xứ Thanh.
Theo báo Tin tức