Thanh Hóa: Tăng cường các biện pháp phòng, chống đuối nước

Nguyễn Diệp Linh
Theo thống kê, trong 4 tháng đầu 2023 trên địa bàn Thanh Hóa đã xảy ra 7 vụ đuối nước khiến 8 trẻ em tử vong. Trong đó, chỉ riêng tháng 4-2023 - tháng đầu tiên của mùa hè đã có ít nhất 4 học sinh tử vong.

Nguyên nhân các vụ tai nạn được xác định là do các em trong độ tuổi học sinh thường rủ nhau ra bãi biển, khu vực sông, kênh, suối chơi và xuống nước tắm. Do không lường trước được những nguy hiểm từ sóng lớn, nước chảy xiết, rơi vào vùng nước sâu, lại không biết bơi, không được trang bị các kỹ năng phòng, chống đuối nước nên đã dẫn đến hậu quả, mất mát lớn về con người.

Hoạt động ngoại khóa tại Trường Tiểu học Quảng Nham 1.

Những khó khăn, thách thức

Phó Chủ tịch UBND huyện Quảng Xương Nguyễn Huy Nam cho biết: Với Quảng Xương và các địa phương ven biển khác trong tỉnh, nguy cơ xảy ra đuối nước với trẻ em luôn cao và diễn biến phức tạp theo từng năm. Điều lo ngại nhất là việc các em học sinh tự rủ nhau ra biển tắm ngoài giờ học, không có sự quan tâm quản lý của gia đình, lại thiếu các kỹ năng phòng, chống đuối nước nên đã dẫn đến những hậu quả khôn lường. Từ các vụ tai nạn đuối nước những năm trước, huyện đã tích cực tổ chức các hoạt động tuyên truyền, giáo dục kiến thức, thực hành kỹ năng về phòng, chống tai nạn đuối nước cho các em học sinh tại các nhà trường hàng năm; giao cho các xã, nhất là các địa phương ven biển cắm biển cảnh báo khu vực nguy hiểm; đoàn thanh niên xung kích tham gia tuyên truyền về phòng, chống đuối nước... nhưng quả thực vấn đề này vẫn được xem là thử thách lớn.

Còn theo lãnh đạo Phòng Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) và Lao động - Thương binh và Xã hội thị xã Nghi Sơn thì: Công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục về phòng, chống đuối nước năm nào cũng được các ban, ngành và các phường, xã phối hợp triển khai chủ động và tích cực. Tuy nhiên, những vụ tai nạn đuối nước xảy ra trong tháng 4 vừa qua là rất đáng tiếc. Thị xã Nghi Sơn đã có những chỉ đạo khẩn tới UBND các phường, xã ven biển, nhất là Khu du lịch biển Hải Hòa nhằm tăng cường tuyên truyền, cánh báo nguy cơ đuối nước, đồng thời yêu cầu các ban, ngành liên quan có sự vào cuộc tích cực, chủ động nhằm hạn chế các vụ tai nạn đuối nước xảy ra.

Không chỉ tại các địa phương ven biển, tại khu vực miền núi, nguy cơ xảy ra đuối nước cũng rất cao, nhất là tại các địa bàn có sông, suối, hồ, đập... Ngay cả với những em đã có kỹ năng bơi nhưng khi rơi vào khu vực nước sâu, nước chảy xiết, nguy cơ tử vong do đuối nước vẫn rất cao.

Một bất cập khác trong công tác phòng, chống đuối nước hiện nay đó là việc thiếu các lực lượng làm công tác cứu nạn, cứu hộ tại các địa phương, nhất là cấp xã, phường, thị trấn. Không chỉ thiếu nhân lực được trang bị đầy đủ kiến thức, kỹ năng làm công tác cứu nạn, cứu hộ, hoặc có thì cũng chưa đáp ứng được với yêu cầu thực tế, chưa kể đến việc còn thiếu thốn phương tiện, trang thiết bị, dụng cụ. Tại các địa phương ven biển, khu vực miền núi có nguy cơ cao về tai nạn đuối nước, việc phụ thuộc vào sự ứng cứu của lực lượng bộ đội biên phòng, các đội cảnh sát PCCC&CNCH là khá cao. Chưa kể đến việc nhiều địa phương vẫn còn chưa quan tâm tới việc khảo sát, cắm biển cánh báo nguy hiểm, nguy cơ xảy ra đuối nước tại khu vực sông, suối, hồ, đập, bãi biển. Nhiều gia đình có ao, hồ cũng chưa quan tâm đến việc bảo đảm an toàn phòng, chống đuối nước cho con em mình và các hộ gia đình lân cận khác.

Những vụ tai nạn đuối nước và không ít khó khăn, bất cập hiện nay được xem là thách thức không cho các ban, ngành, địa phương trong tỉnh trong công tác phòng, chống đuối nước trong tình hình mới hiện nay, đòi hỏi phải có những giải pháp căn cơ, sự vào cuộc quyết liệt và trách nhiệm cao nhất.

Giải pháp đảm bảo hiệu quả và lâu dài

Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Nguyễn Văn Dĩnh cho biết: Sở đã ban hành văn bản gửi phòng GD&ĐT các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh tăng cường tuyên truyền, giáo dục về phòng, chống đuối nước, đồng thời tổ chức ngay các hoạt động ngoại khóa về thực hành kỹ năng an toàn khi dưới nước, kỹ năng cứu đuối, sơ cấp cứu khi gặp các tình huống, phối hợp với gia đình học sinh nhằm tăng cường công tác quản lý con em trong dịp hè năm nay. Về cơ bản, các địa phương trong tỉnh đã và đang triển khai nhiều hoạt động giáo dục tuyên truyền, phòng chống đuối nước, đặc biệt là các địa bàn có nguy cơ cao. Các trường có sự phối hợp với các doanh nghiệp có bể bơi triển khai lắp đặt bể bơi thông minh ngay tại trường học để tổ chức các lớp dạy bơi cho học sinh, trẻ em trên địa bàn. Bên cạnh các kỹ năng bơi cơ bản, các lớp đều tổ chức cho các em được thực hành kỹ năng phòng, chống đuối nước, sơ cấp cứu ban đầu.

Đoàn Thanh niên xã Quảng Nham (Quảng Xương) cắm biển cảnh báo đuối nước tại khu vực nguy hiểm trên địa bàn.

Sau khi liên tiếp xảy ra các vụ tai nạn đuối nước thương tâm, thị xã Nghi Sơn đã chỉ đạo các phòng: GD&ĐT, Lao động - Thương binh và Xã hội, UBND các phường, xã trên địa bàn tăng cường phòng, chống đuối nước hè năm 2023. UBND các phường, xã phối hợp với các ngành khẩn trương kiểm tra, khảo sát khu vực các bãi biển, sông suối, hồ, đập, kênh để xác định mức độ nguy hiểm, cắm biển cảnh báo nguy cơ tai nạn, đồng thời thông báo trên hệ thống loa truyền thanh, lồng ghép vào hoạt động tuyên truyền, giáo dục ngoại khóa tại các nhà trường. Tích cực xây dựng lực lượng tại chỗ, có kỹ năng cứu nạn, cứu hộ, sơ cấp cứu ban đầu; phối hợp chặt chẽ với lực lượng Cảnh sát PCCC&CNCH, bộ đội biên phòng, Ban Chỉ huy Quân sự huyện và người dân để ứng cứu kịp thời, hiệu quả.

Ngay sau Tết Nguyên đán Quý Mão, các xã có nguy cơ cao về đuối nước trên địa bàn huyện Quảng Xương như Tiên Trang, Quảng Nham, Quảng Thạch, Quảng Hải, Quảng Thái đã cơ bản hoàn thành việc cắm biển cảnh báo nguy hiểm, nguy cơ đuối nước tại các bãi biển, bờ sông. Công tác phối hợp tổ chức các hoạt động tuyên truyền, giáo dục, trang bị kỹ năng phòng, chống đuối nước được thực hiện thường xuyên tại các nhà trường trong năm học 2022-2023.

Các huyện khu vực miền núi cũng có sự vào cuộc quyết liệt, tăng cường công tác phòng, chống đuối nước. Phó Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin huyện Cẩm Thủy Vũ Duyên Hồng cho biết: Dịp hè năm nay huyện triển khai nhiều hoạt động thiết thực nhằm tăng cường tuyên truyền, giáo dục về phòng, chống đuối nước. Các lớp dạy bơi được tổ chức từ đầu tháng 5-2023 trong đó có lồng ghép kỹ năng phòng, chống đuối nước. Đây là những giải pháp được huyện triển khai có hiệu quả hàng năm với sự vào cuộc của 100% xã, thị trấn, các trường học, nhờ đó nhận thức của Nhân dân không ngừng nâng lên. Từ năm 2022 đến nay trên địa bàn huyện không để xảy ra vụ tai nạn đuối nước nghiêm trọng nào.

Đối với ngành lao động - thương binh và xã hội tiếp tục triển khai Dự án “Hỗ trợ triển khai các can thiệp hiệu quả và bền vững để phòng, chống đuối nước trẻ em” (do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội phối hợp với Quỹ từ thiện Bloomberg Hoa Kỳ tài trợ) tại các địa phương trong tỉnh. Riêng năm 2022 đã thực hiện dự án tại 17 xã, thị trấn thuộc các huyện Hà Trung, Nga Sơn, Nông Cống, Như Thanh, Triệu Sơn. Theo đánh giá, việc thực hiện dự án tại các địa phương này đạt hiệu quả tốt, làm giảm số vụ tai nạn đuối nước và góp phần nâng cao trách nhiệm của chính quyền địa phương, các ngành có liên quan, nâng cao ý thức của Nhân dân.

Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã chủ trì tổ chức lễ phát động “Toàn dân tập luyện môn bơi” và phòng, chống đuối nước cấp tỉnh, tổ chức giải bơi các nhóm tuổi, thi bơi cứu đuối; phối hợp tổ chức lớp tập huấn, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ bơi và cứu hộ, cứu nạn cho hướng dẫn viên, cộng tác viên cơ sở; tổ chức các lớp dạy bơi cho trẻ em trong dịp hè năm 2023.

Để tiếp tục nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống đuối nước, ngày 27-4-2023 Chủ tịch UBND tỉnh đã có Công văn số 5581 giao Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, GD&ĐT phối hợp với các đơn vị tổ chức tuyên truyền, giáo dục, trang bị kiến thức, kỹ năng phòng, chống tai nạn đuối nước cho trẻ em đến từng lớp học, địa bàn dân cư; phối hợp tổ chức các hoạt động dạy bơi an toàn, trang bị kỹ năng phòng, chống đuối nước cho trẻ em trên địa bàn toàn tỉnh, ưu tiên các địa phương có tỷ lệ trẻ em bị đuối nước cao và có nhiều nguy cơ gây đuối nước trẻ em, giáo dục cho học sinh kỹ năng nhận biết biển cảnh báo, nguy cơ và biện pháp phòng tránh tai nạn đuối nước. Các huyện, thị xã, thành phố khẩn trương thực hiện việc lắp đặt biển cảnh báo ở những khu vực có nguy cơ gây đuối nước, làm rào chắn đối với các ao, hồ tại cộng đồng dân cư, các công trình công cộng; huy động, vận động các cơ quan, tổ chức xã hội và gia đình tăng cường tổ chức dạy bơi cho trẻ và trang bị kỹ năng phòng, chống đuối nước để bảo vệ an toàn cho trẻ em...

Những chỉ đạo kịp thời, quyết liệt từ tỉnh, sự vào cuộc với trách nhiệm cao nhất của các ngành, địa phương cùng sự chung tay của cộng đồng xã hội sẽ là những giải pháp hiệu quả, có tính lâu dài, góp phần nâng cao hơn nữa công tác phòng, chống đuối nước trong tình hình mới hiện nay.

Mạnh Cường