Theo dự báo của các chuyên gia và các đơn vị lữ hành, những kỳ nghỉ lễ tiếp theo trong năm, Thanh Hóa sẽ tiếp tục là điểm đến thu hút lượng lớn khách du lịch trong nước. Nắm bắt được nhu cầu của khách hàng, thời điểm hiện nay nhiều cơ sở kinh doanh dịch vụ lưu trú, nhà hàng đã, đang khẩn trương tăng cường nguồn nhân sự, lao động; chỉnh trang cơ sở vật chất… Đối với các doanh nghiệp lữ hành, cùng với khai thác tour du xuân đã bắt đầu tung ra thị trường hàng loạt chương trình du lịch hè hấp dẫn. Về thị trường khách đầu năm đã có sự đa dạng, phong phú. Theo đó, cùng với thị trường khách truyền thống là các tỉnh phía Bắc, khách nội tỉnh, các khu, điểm du lịch đã đón được các đoàn khách lớn từ thị trường phía Nam, các địa phương có kết nối đường bay.
Ông Phạm Nguyên Hồng - Giám đốc Sở VH-TTDL Thanh Hóa cho biết: “Có thể nói rằng sự khởi sắc về lượng khách du lịch trong tháng 1/2023, đăch biệt là trong dịp Tết Nguyên đán Quý Mão thể hiện một sự khởi động hiệu quả của ngành du lịch Thanh Hóa. Với quyết tâm đón 12 triệu lượt khách trong năm 2023, sự khởi đầu này đã minh chứng cho tâm thế sẵn sàng đón và phục vụ khách du lịch trong nước và quốc tế một cách tốt nhất".
Cũng theo ông Phạm Nguyên Hồng năm 2023, tỉnh sẽ tập trung làm tốt các nhiệm vụ, giải pháp sau: Duy trì và nâng cao chất lượng các điều kiện đón tiếp, phục vụ du khách; chủ động thích ứng với những diễn biến bất thường của các yếu tố khách quan tác động đến sự phát triển của ngành du lịch; đa dạng và nâng cao chất lượng các sản phẩm; bổ sung và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; tổ chức và đăng cai tổ chức nhiều hoạt động văn hóa, thể thao, du lịch, đẩy mạnh xúc tiến, quảng bá, kết nối với các trung tâm du lịch lớn để trao đổi khách và tăng cường công tác quản lý nhà nước về du lịch đặc biệt sẽ xác định mục tiêu đến năm 2030 sẽ xây dựng và phát triển TP Sầm Sơn trở thành đô thị du lịch trọng điểm quốc gia, điểm đến lý tưởng của du khách trong nước và quốc tế''.
Ông Nguyễn Văn Thi, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Thanh Hóa, chia sẻ: Để từng bước hiện thực hóa định hướng phát triển Sầm Sơn trở thành đô thị du lịch quốc gia theo chiến lược phát triển du lịch Thanh Hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, thành phố cần nhanh chóng hoàn thiện hệ thống các quy hoạch trên địa bàn, tạo cơ sở pháp lý cho việc đầu tư phát triển du lịch. Bên cạnh đó, triển khai nhanh các dự án kết nối giao thông, hạ tầng thiết yếu tại những điểm đến, đặc biệt là bến tàu du lịch trên sông Mã; dự án cải tạo, nâng cấp hệ thống nước thải, nước mưa đường Hồ Xuân Hương…
Theo lãnh đạo UBND tỉnh Thanh Hóa, Sầm Sơn phải ưu tiên nguồn lực để làm tốt công tác xúc tiến, quảng bá du lịch, nâng cao chất lượng sản phẩm và đa dạng hóa dịch vụ du lịch. Tập trung phát triển thêm các dịch vụ du lịch, khu vui chơi giải trí cao cấp, khu văn hóa, thể thao, du lịch mạo hiểm... Tăng cường liên kết, kết nối du lịch Sầm Sơn với những khu, điểm du lịch của các địa phương trong tỉnh nhằm khai thác hiệu quả các tour, tuyến, kéo dài thời gian lưu trú của du khách.
Ngoài ra, cần có kế hoạch, chiến lược làm mới diện mạo và xây dựng thương hiệu mạnh cho du lịch Sầm Sơn, làm mới sản phẩm dịch vụ. Làm sao để mỗi năm, Sầm Sơn có ít nhất một cái mới, tạo điểm nhấn khác biệt, tạo sự cạnh tranh với nhiều khu, điểm du lịch biển trong tỉnh và khu vực; hướng đến xây dựng và phát huy "hương sắc bốn mùa" của du lịch Sầm Sơn.
Với sự hỗ trợ của các sở, ngành tỉnh Thanh Hóa, sự linh hoạt của lãnh đạo TP Sầm Sơn cùng sự nỗ lực, phấn đấu của cả hệ thống chính trị từ thành phố đến cơ sở, sự đồng thuận của nhân dân và du khách về các chủ trương, chính sách phát triển du lịch, Sầm Sơn đã tập trung triển khai đồng bộ các giải pháp và đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận.
Ông Lê Văn Tú, Chủ tịch UBND TP Sầm Sơn cho biết, dù năm 2022 dịch Covid-19 vẫn còn ảnh hưởng nhưng nhờ có sự chuẩn bị kỹ lưỡng, Sầm Sơn đã đưa ra nhiều kế hoạch, phương án quản lý, tổ chức, kinh doanh dịch vụ du lịch; bảo đảm tất cả lĩnh vực, ngành nghề, đối tượng kinh doanh dịch vụ du lịch trên địa bàn đều có phương án cụ thể để quản lý. Các phương án được xây dựng một cách khoa học, cụ thể, thuận tiện cho công tác tuyên truyền và tổ chức thực hiệnCụ thể, đến hết năm 2022, TP Sầm Sơn đón được hơn 7 triệu lượt khách - gấp 4,5 lần năm 2021, bằng 200,6% kế hoạch; phục vụ trên 14 triệu ngày khách - gấp 4,04% năm 2021, bằng 172,1% kế hoạch. Tổng thu từ khách du lịch ước đạt trên 14.000 tỉ đồng - gấp 5,22 lần năm 2021, bằng 182,4% kế hoạch năm 2022.
Cũng theo ông Tú: "Nhiều chương trình nghệ thuật thuộc khuôn khổ lễ kỷ niệm 115 năm du lịch Sầm Sơn, 5 năm thành lập TP Sầm Sơn thuộc tỉnh Thanh Hóa và khai mạc lễ hội du lịch biển năm 2022, lễ hội tình yêu hòn Trống Mái, lễ hội Carnival đường phố, chương trình nghệ thuật thứ bảy hằng tuần - SunFest Thanh Hóa 2022… đã tạo được ấn tượng tốt đẹp đối với nhân dân và du khách, góp phần quảng bá, giới thiệu về du lịch Sầm Sơn đến du khách trong và ngoài nước. Chúng tôi quyết tâm xây dựng Sầm Sơn thành đô thị biển trọng điểm trong nước và quốc tế''.
Bước sang năm 2023, đường cao tốc phía Đông đoạn qua Thanh Hóa được thông xe, các tuyến giao thông huyết mạch tại những đô thị lớn được kết nối, dự án quảng trường biển Sầm Sơn được hoàn thành... sẽ tạo thuận lợi rất lớn. Từ đó, địa phương này phấn đấu đón trên 7,2 triệu lượt khách; phục vụ ăn, nghỉ cho trên 17,6 triệu lượt khách; doanh thu đạt 15.500 tỉ đồng. Sầm Sơn sẽ tiếp tục xây dựng, chỉnh trang thành phố ngày càng sạch đẹp, văn minh.
Thanh Huyền