Nhìn lại 11 tháng đã đi qua của năm 2022 một năm đầy gian khó không chỉ với Thanh Hóa nói riêng và cả nước nói chung trước đại dịch toàn cầu COVID-19 xâm nhập, diễn biến phức tạp phát sinh. Nhưng cán bộ, nhân dân các dân tộc tỉnh Thanh Hóa đã kề vai, sát cánh cùng cấp ủy, chính quyền, các lực lượng, hệ thống, nhân lực y tế, chung sức, đồng lòng chống dịch.
Thanh Hóa đã tập hợp, huy động, sử dụng hiệu quả các nguồn lực, nhân thêm sức mạnh đoàn kết, thống nhất từ nhận thức đến hành động trong toàn Đảng bộ, trong toàn dân, toàn quân, quyết tâm vượt qua khó khăn, thách thức, bảo vệ tối đa sức khỏe, tính mạng của nhân dân, tiếp tục thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19, bảo đảm an sinh, trật tự an toàn xã hội; tạo tiền đề quan trọng cho việc phục hồi, thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội, hoàn thành vượt mức kế hoạch đề ra. Nhiều lĩnh vực đã tạo bước đột phá thần kỳ, tạo nên kỷ lục mới cao nhất từ trước đến nay.
Do vậy năm 2022, Thanh Hóa có mức tăng trưởng kinh tế thuộc nhóm đứng đầu cả nước, với tổng thu ngân sách Nhà nước Theo báo cáo về kinh tế-xã hội, quốc phòng-an ninh năm 2022, tổng thu Ngân sách Nhà nước của Thanh Hóa trong 11 tháng ước đạt 48.820 tỷ đồng, tăng 20% so với cùng kỳ, đạt cao nhất từ trước đến nay. Thanh Hoá đang giữ đà tăng trưởng kinh tế ấn tượng.
Thanh Hóa lần đầu tiên lọt top đầu tỉnh thành về thu ngân sách lớn nhất cả nước năm 2022.
Trong 5 năm qua thu ngân sách nhà nước tỉnh Thanh Hóa đã có bước tăng trưởng ấn tượng, cụ thể năm 2017, Thanh Hóa thu ngân sách hơn 13.114 tỷ đồng và năm 2018 là 23.276 tỷ đồng.
Năm 2019, Thanh Hóa thu 27.359 tỷ đồng, năm 2020 thu ngân sách đạt 29.000 tỷ đồng và năm 2021 dù Thanh Hóa bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch COVID-19, nhưng thu ngân sách vẫn đạt con số 36.500 tỷ đồng.
Năm 2022, kinh tế Thanh Hóa tiếp tục có bước đột phá mạnh với tổng thu ngân sách 11 tháng đầu năm ước đạt gần 49 tỷ đồng, tăng 20% so với cùng kỳ và đạt cao nhất từ trước đến nay.
Các lĩnh vực kinh tế tiếp tục có bước phát triển; lĩnh vực nông, lâm nghiệp thủy sản sản xuất ổn định và khá toàn diện, lần đầu tiên trong 10 năm trở lại đây không để xảy ra dịch bệnh nguy hiểm trên gia súc, gia cầm.
Tổng sản lượng lương thực ước đạt 1,585 triệu tấn, bằng 103,6% kế hoạch; năng suất các cây trồng chính đều cao hơn so với kế hoạch, trong đó năng suất lúa đạt 60,7 tạ/ha, vượt 3,7% kế hoạch. Giá trị sản phẩm bình quân trên 01ha đất trồng trọt ước đạt 115 triệu đồng, tăng 3 triệu đồng so với năm 2021. Đã tích tụ, tập trung đất đai được 7.334ha, bằng 100,5% kế hoạch; chuyển đổi 3.130ha đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng các loại cây khác và trồng lúa kết hợp nuôi trồng thủy sản có giá trị cao hơn.
Trong lĩnh vực công nghiệp, Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) năm 2022 ước tăng 16,31% so với cùng kỳ; hầu hết các sản phẩm công nghiệp truyền thống, chủ yếu vẫn duy trì đà phát triển ổn định, có sản lượng tăng cao, Trong ngành dịch vụ, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ năm 2022 ước đạt 172.209 tỷ đồng, bằng 118,8% kế hoạch, tăng 26,5% so với cùng kỳ. Xuất, nhập khẩu duy trì đà tăng trưởng cao; giá trị xuất khẩu ước đạt 5.518,4 triệu USD, bằng 96,8% kế hoạch, tăng 1,6%; tổng giá trị nhập khẩu hàng hóa ước đạt 9.272,8 triệu USD, tăng 30,1%. Tổng lượng khách du lịch năm 2022 ước đạt 11,01 triệu lượt, bằng 110,1% ế hoạch, gấp 3,2 lần năm 2021.
Thu Ngân sách Nhà nước trên địa bàn tỉnh vượt dự toán và tăng mạnh so với cùng kỳ. Tổng thu Ngân sách Nhà nước ước đạt 48.820 tỷ đồng, vượt 65% dự toán, tăng 20% so với cùng kỳ, đạt cao nhất từ trước đến nay. Thành lập mới doanh nghiệp vượt 16,7% kế hoạch.
Công tác cải cách hành chính, tăng cường kỷ luật, kỷ cương được quan tâm. Các chỉ số về cải cách hành chính của tỉnh được cải thiện rõ rệt, trong đó chỉ số hiệu quả Quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI) năm 2021 của tỉnh đứng 3 cả nước, tăng 21 bậc so với năm 2020; chỉ số cải cách hành chính (PAR INDEX) năm 2021 đứng thứ 14 cả nước, tăng 15 bậc. Ứng dụng công nghệ thông tin trong cải cách hành chính được triển khai đồng bộ, quyết liệt; tỷ lệ giải quyết thủ tục hành chính được giải quyết đúng hạn và trước hạn trong năm 2022 ước đạt 98%.
Chất lượng các hoạt động văn hóa-xã hội tiếp tục được nâng lên; giáo dục mũi nhọn, thể thao thành tích cao đạt kết quả tại các kỳ thi và các giải thi đấu; các chính sách sinh xã hội và cho người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 thực hiện đầy đủ, kịp thời, đúng đối tượng. An ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững; đã tổ chức thành công diễn tập khu vực phòng thủ tỉnh Thanh Hóa năm 2022. Tai nạn giao thông chuyển biến tích cực, giảm cả 3 tiêu chí so với cùng kỳ.
Năng lượng tái tạo là ''cú huých'' cho sự phát triển của Thanh Hoá
Ngày 16/11 vừa qua, tại Hội nghị quán triệt và triển khai thực hiện Nghị quyết số 26/NQ-TW của Bộ Chính trị “Về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng - an ninh vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” do Bộ Chính trị, Ban Bí thư Trung ương Đảng tổ chức, Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa Đỗ Trọng Hưng đã có bài phát biểu tham luận quan trọng.
Trong đó, ông đặc biệt nhấn mạnh đến nội dung: trong vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ, Thanh Hóa có vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng, kết nối Vùng với vùng đồng bằng Sông Hồng, và các tỉnh vùng Tây Bắc. Nhằm thúc đẩy liên kết vùng, tạo sức lan tỏa tăng trưởng kinh tế, Nghị quyết số 58 ngày 05/8/2020 của Bộ Chính trị đã xác định mục tiêu xây dựng Thanh Hóa đến năm 2030 trở thành tỉnh giàu đẹp, văn minh và hiện đại; một trong những trung tâm lớn của vùng Bắc Trung Bộ và cả nước về công nghiệp năng lượng và chế biến, chế tạo; nông nghiệp quy mô lớn, giá trị gia tăng cao; dịch vụ logistics, du lịch, giáo dục và đào tạo, y tế chuyên sâu và văn hoá, thể thao; một cực tăng trưởng mới cùng với Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh tạo thành tứ giác phát triển ở phía Bắc của Tổ quốc.
Theo ông Đỗ Trọng Hưng: Để sớm hiện thực hóa mục tiêu phát triển tại Nghị quyết số 58, góp phần cùng các tỉnh, thành phố trong vùng thực hiện thắng lợi Nghị quyết số 26 của Bộ Chính trị, tỉnh Thanh Hóa đã và đang triển khai thực hiện nhiều nhiệm vụ, giải pháp quan trọng nhằm phát huy hiệu quả tiềm năng, lợi thế, cơ hội nổi trội và khác biệt của mình, trọng tâm là:
Thứ nhất, tập trung hoàn thiện Quy hoạch tỉnh Thanh Hóa thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045, Quy hoạch chung đô thị Thanh Hóa đến năm 2040, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt trong tháng 11/2022. Trên cơ sở quy hoạch được duyệt, tập trung điều chỉnh, bổ sung, xây dựng mới đề án phát triển các ngành, lĩnh vực phù hợp với định hướng phát triển không gian đã được phê duyệt; ưu tiên các nguồn lực để phát triển 03 trụ cột tăng trưởng, gồm: Công nghiệp chế biến, chế tạo; Nông nghiệp; Dịch vụ du lịch; 04 vùng kinh tế động lực, là Khu kinh tế Nghi Sơn, thành phố Thanh Hóa - thành phố Sầm Sơn, Lam Sơn - Sao Vàng và Bỉm Sơn - Thạch Thành; 05 vùng liên huyện và 06 hành lang kinh tế nhằm tạo ra không gian, dư địa mới cho tỉnh phát triển, đồng thời tạo thuận lợi để mở rộng liên kết, hợp tác phát triển với các tỉnh nội vùng và liên vùng.
Thứ hai, xây dựng Thanh Hóa trở thành trung tâm lớn của vùng và cả nước về công nghiệp chế biến, chế tạo; trọng tâm là đẩy mạnh phát triển Khu kinh tế Nghi Sơn thành trung tâm năng lượng của cả nước với hạt nhân chính là các sản phẩm của Nhà máy lọc hóa dầu Nghi Sơn, các ngành công nghiệp năng lượng (gồm Nhiệt điện, điện gió và điện – khí LNG); thu hút đầu tư các dự án có hàm lượng công nghệ cao, giá trị gia tăng lớn, như: Điện tử viễn thông, công nghiệp dược phẩm, thiết bị y tế. Chú trọng phát triển các ngành công nghiệp có lợi thế, như: Xi măng, thép; đẩy mạnh liên kết để nâng cao chất lượng, hạ giá thành, tạo dựng thương hiệu, nâng cao khả năng cạnh tranh trên thị trường trong nước và quốc tế.
Thứ ba, với vị trí chiến lược, có Cảng nước sâu Nghi Sơn được quy hoạch là cảng đặc biệt (IA), Cảng hàng không Thọ Xuân được quy hoạch là cảng hàng không quốc tế, Thanh Hóa đang tập trung thu hút đầu tư để đẩy mạnh sản xuất kinh doanh, trở thành trung tâm dịch vụ logistics lớn của vùng và cả nước; trọng tâm là xây dựng Khu kinh tế Nghi Sơn, cảng nước sâu Nghi Sơn có mạng lưới hạ tầng, dịch vụ vận tải biển và logistics đồng bộ, hiện đại, đa lĩnh vực, có tính liên kết cao với các khu kinh tế, cảng biển khác trong vùng và cả nước; khai thác có hiệu quả Cảng hàng không Thọ Xuân gắn với KCN Lam Sơn - Sao Vàng, khuyến khích, tạo cơ chế hấp dẫn để các hãng hàng không nghiên cứu, mở các đường bay mới đến sân bay Thọ Xuân.
Thứ tư, xây dựng Thanh Hóa thành trọng điểm du lịch của vùng và cả nước với 3 trụ cột chính là du lịch biển, du lịch sinh thái nghỉ dưỡng và du lịch văn hóa, trọng tâm là xây dựng đô thị biển Sầm Sơn trở thành khu du lịch bốn mùa, trọng điểm của cả nước. Tập trung đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án hạ tầng du lịch quan trọng gắn với khai thác hiệu quả lợi thế về tài nguyên du lịch như biển, rừng, di tích lịch sử, văn hóa và danh lam thắng cảnh. Đẩy mạnh kết nối các tour, tuyến với các tỉnh trong vùng, hình thành các cụm tương hỗ (Cluster) về du lịch giữa các tỉnh trong tiểu vùng Bắc Trung Bộ và toàn vùng, gắn với khai thác hiệu quả thế mạnh của từng địa phương cho phát triển du lịch.
Thứ năm, là tỉnh có miền núi rộng, tỷ lệ lao động và dân số nông nghiệp, nông thôn còn lớn, Thanh Hóa tiếp tục coi trọng phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới để tạo nền tảng giữ vững ổn định, rút ngắn khoảng cách phát triển giữa các vùng miền, giữa đô thị và nông thôn. Tập trung phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ, gắn với chế biến theo chuỗi giá trị để nâng cao hiệu quả, thu nhập cho người dân.
Thứ sáu, đẩy mạnh phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội, trọng tâm là hoàn thiện hệ thống hạ tầng giao thông kết nối các vùng kinh tế trọng điểm, các hành lang kinh tế, hạ tầng khu kinh tế, các khu công nghiệp, khu du lịch trọng điểm của tỉnh; tiếp tục đầu tư các trục chính theo hướng Đông - Tây, Bắc - Nam kết nối liên hoàn với các tỉnh trong nội vùng, liên vùng và quốc tế. Quan tâm phát triển hạ tầng chuyển đổi số, tạo nền tảng vững chắc cho một nền kinh tế hiện đại, hội nhập và phát triển.
Thứ bảy, xây dựng và hoàn thiện hệ thống đô thị theo hướng xanh, thông minh, sinh thái, thích ứng hiệu quả với biến đổi khí hậu, hướng tới nâng tầm chất lượng cuộc sống người dân. Tập trung rà soát, phủ kín các quy hoạch chi tiết, hoàn thiện các quy chế quản lý để nâng cao chất lượng quản lý quy hoạch; thực hiện đồng bộ hóa giữa quy hoạch xây dựng với quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch giao thông và các loại quy hoạch hạ tầng khác; xây dựng hệ thống giao thông đô thị đồng bộ, hiện đại, thông minh, thân thiện với môi trường. Đẩy mạnh đầu tư các tuyến giao thông kết nối khu vực trung tâm với đô thị vệ tinh, kết nối các đô thị của tỉnh Thanh Hóa với các đô thị trong vùng.
Nhấn mạnh về những hạn chế và tồn tại, ông Đỗ Minh Tuấn, Phó Bí thư tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh lưu ý tình trạng thu hút đầu tư chưa đạt yêu cầu; công tác chuyển đổi số ở một số ngành chưa đạt mục tiêu…
Về nhiệm vụ năm 2023, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh đánh giá, các khó khăn, thách thức tác động tới tăng trưởng kinh tế của tỉnh trong thời gian tới vẫn rất lớn với nhiều yếu tố khó dự báo hơn, khó khăn, thách thức phải đối mặt còn nhiều, khó lường, nhất là biến động về giá xăng dầu, nguyên vật liệu đầu vào, áp lực lạm phát, chi phí sản xuất tăng cao; rủi ro về chuỗi cung ứng, nhu cầu từ các thị trường xuất khẩu lớn, truyền thống bị thu hẹp, suy yếu, sự điều chỉnh chính sách của các nền kinh tế lớn, đối tác thương mại...
Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh yêu cầu thời gian tới cần tập trung triển khai thực hiện đồng bộ, quyết liệt, hiệu quả Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 30/01/2022 của Chính phủ về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội và triển khai Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình; kế hoạch số 79/KH-UBND ngày 21/3/2022 của Ủy ban Nhân dân tỉnh về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội tỉnh Thanh Hóa.
Tập trung tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong triển khai các chính sách thuộc Chương trình; chủ động rà soát, đánh giá khả năng giải ngân, đề xuất báo cáo cấp có thẩm quyền phương án điều chỉnh, bổ sung nguồn lực cho chính sách khác còn dư địa để thực hiện nhiệm vụ tại Nghị quyết số 11/NQ-CP trong trường hợp cần thiết.
Theo đó, tại báo cáo cũng đưa ra kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2023, trong đó có một số chỉ tiêu chủ yếu như tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) đạt 11,0% trở lên; trong đó, nông, lâm nghiệp, thủy sản tăng 3,0% trở lên; công nghiệp-xây dựng tăng 14,2% trở lên (công nghiệp tăng 15,3% trở lên; xây dựng tăng 11,9% trở lên); dịch vụ tăng 9,6% trở lên; thuế sản phẩm tăng 9,8% trở lên. Cơ cấu các ngành kinh tế nông, lâm, thủy sản chiếm 14,4%; công nghiệp-xây dựng chiếm 49,0%; dịch vụ chiếm 29,8%; thuế sản phẩm chiếm 6,8%. GRDP bình quân đầu người đạt 3.150 USD trở lên...
Những thành tựu nổi bật trên cho thấy, Thanh Hóa đã có những bước đi đúng đắn, vững chắc trên con đường trở thành cực tăng trưởng mới ở phía Bắc của Tổ quốc. Khẳng định cho khát vọng bứt phá, vươn lên của Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân các dân tộc tỉnh Thanh Hoá, hiện thực hoá ước mơ về một tỉnh giàu đẹp, văn minh, hiện đại, phát triển toàn diện và kiểu mẫu của cả nước như sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh hằng mong muốn.
Như vậy, có thể khẳng định Thanh Hóa chắc chắn sẽ gia nhập câu lạc bộ 50.000 tỷ trong năm tài khóa 2022.