Người phát ngôn Trung tâm Giảm thiểu ô nhiễm không khí, Cục Kiểm soát ô nhiễm Thái Lan, bà Siwaporn Rugsiyanon cho biết vào đầu tháng này, nồng độ bụi mịn PM2.5 đã lên tới mức 225 μg/m³ tại một số địa điểm. Ngoài ra, số điểm nóng trong giai đoạn từ tháng 1 đến tháng 3 đã tăng lên 56.439 điểm trên cả nước, riêng miền Bắc là 31.719 điểm. Trong số này, 80% là trên đất rừng và 15% trong các khu canh tác.
Bà Siwaporn khẳng định NEB đã đưa ra kế hoạch đối phó với ô nhiễm PM2.5, bao gồm thực thi chính sách “không đốt” ở cả đất rừng và khu nông nghiệp ở 17 tỉnh miền Bắc Thái Lan. NEB cũng có kế hoạch đóng cửa các công viên rừng nếu tình hình trở nên tồi tệ hơn, điều này có thể khiến ít nhất 92 khu rừng thuộc diện quản lý của Cục Công viên quốc gia, Thiên nhiên hoang dã và Bảo tồn thực vật Thái Lan phải đóng cửa.
Các biện pháp khác được NEB áp dụng bao gồm cấm mua mía thu hoạch bằng phương pháp đốt; giới hạn số lượng xe tải được phép vào khu vực đô thị và thời gian hoạt động của phương tiện; làm mưa nhân tạo và thiết lập không gian không có PM2.5.
NEB cũng sẽ đề nghị Cục Công viên quốc gia, Thiên nhiên hoang dã và Bảo tồn thực vật và Cục Rừng Hoàng gia giảm số lượng các điểm nóng trong mỗi khu rừng. Bên cạnh đó, một "phòng khám ô nhiễm" cũng sẽ được thiết lập ở những khu vực có nguy cơ cao.
Trong khi đó, Bộ Công nghiệp và Bộ Nông nghiệp và Hợp tác xã Thái Lan sẽ thực hiện chính sách “không đốt” ở các vùng nông nghiệp, bao gồm việc giảm thuế nhập khẩu máy móc nông nghiệp nhằm thúc đẩy các giải pháp thay thế cho các hoạt động đốt cháy.
Trong một diễn biến liên quan, Phó Giáo sư Surat Bualert, Trưởng khoa Môi trường tại Đại học Kasetsart, đã tiết lộ kết quả điều tra của nhóm nghiên cứu "Dust Detective" đối với nguồn gốc của các hạt bụi ở Bangkok. Ông Surat khẳng định nguồn chính của khói bụi PM2.5 ở thủ đô là từ các hoạt động đốt cháy bên ngoài thành phố, do đó cần phải kiểm soát các hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp để làm cho không khí ở Bangkok sạch hơn.