“Thịt mỡ, dưa hành, câu đối đỏ
Cây nêu tràng pháo bánh chưng xanh”
Hai câu thơ trên dường như đã in đậm trong tâm trí của bất cứ người con đất Việt nào. Tết cổ truyền của người Việt xưa được khắc họa bằng những điều bình dị, thân thuộc đến thế. Tết xưa là một quá trình, người ta chuẩn bị Tết từ rất sớm, không khí Tết bắt đầu náo nức từ khi người người, nhà nhà đều lo quét tước, dọn dẹp lại nhà cửa, sân vườn gọn gàng, sạch sẽ. Có những gia đình có điều kiện hơn một chút thì sẽ quét lại vôi tường để ngôi nhà thêm sạch sẽ, sáng sủa chào đón năm mới. Đó còn là sự huyên náo, rạo rực tiếng cười nói của người lớn, trẻ con chen nhau giữa các chợ hoa tỉ mỉ chọn từng cành đào, cây quất.
Tết xưa, vào chiều 30 Tết, mọi nhà đều quây quần bên nhau, ngồi gói từng chiếc bánh chưng, rồi cùng nhau quây quần bên bếp lửa hồng, canh nồi bánh chưng luộc nghi ngút khói. Thời ấy, người ta dành dụm, chắt bóp cả tháng để có được cân thịt, đỗ xanh gói được chiếc bánh, làm được nồi thịt đông. Dù nghèo nhưng vui. Cũng vì thế mà đến giờ nhiều người “ở thế hệ trước” vẫn nhớ như in từng kỷ niệm, từng ký ức thậm chí là sự háo hức mỗi khi nghĩ tới cái không khí của ngày Tết xưa ấy.
Còn ngày nay, với sự chuyển mình của xã hội, Tết cũng đã khác xưa nhiều. Mặc dù âm hưởng truyền thống vẫn được truyền lưu qua các thế hệ nhưng hương vị Tết cổ truyền có lẽ đã phai đi nhiều rồi. Đường phố cũng vắng mùi bánh chưng luộc vì cuộc sống cũng bận rộn hơn trước. Nếu như xưa kia, quanh năm chỉ đợi đến ngày Tết để được ăn miếng bánh chưng, thịt gà, thì trong thời buổi kinh tế thị trường đã cung cấp đầy đủ về đời sống vật chất.
Tết nay, chuyện sắm Tết cũng đã khác nhiều lắm khi ngồi tại nhà, lên các sàn thương mại điện tử, các cửa hàng online, chỉ cần vài thao tác, một cuộc điện thoại là có thể đặt mua đồ và được “ship” đến tận nhà.
Đôi lúc chính vì sự tiện lợi, vì guồng quay của cuộc sống hối hả, khi vật chất lên ngôi, nhiều người cứ nghĩ đến Tết là than thở rằng “Năm nay bánh chưng không có thịt”, có nghĩa là một năm công việc không mấy thuận lợi, không dư dả. Bởi theo quan điểm của một số người, tết là kết thúc năm cũ, khởi đầu năm mới, túi tiền phải rủng rinh, bởi có tiền là có Tết. Càng nhiều tiền Tết càng to. Điều đáng nói nhất là khi sự phân hóa giàu nghèo đã trở nên sâu sắc với khoảng cách xa rộng như hiện nay thì cái Tết của từng nhà rất không giống nhau. Đôi khi, một cây đào, gốc mai hay những chậu hoa quý bày trong phòng khách nhà này bằng số tiền chi cho vài chục cái Tết của nhà khác.
Bên cạnh đó, giờ đây, việc chúc Tết qua điện thoại cũng đã trở thành phổ biến. Những lời chúc, hoa tươi, quà mừng, phong thư chúc mừng đều có thể được thay thế bằng những sticker, những tấm thiệp online được gửi qua các ứng dụng tin nhắn. Đặc biệt giới trẻ ngày nay đang có xu hướng không lao đầu vào bếp núc mà tận hưởng những ngày nghỉ Tết bằng những chuyến du xuân hay một chuyến du lịch xa như một cách để tự thưởng cho bản thân sau một năm làm việc năng suất.
Mặc dù xã hội hiện đại, đã có rất nhiều thay đổi, kể cả trong cách đón Tết. Với mỗi gia đình, dù là các gia đình trẻ, hiện đại lựa chọn những cách đón Tết, ăn Tết và giảm các thủ tục nhiều hơn so với các thời trước, nhưng vẫn luôn giữ một giá trị chung, đó là hướng về truyền thống. Bởi vì trên hết, bản thân Tết đã là một sự trở về với cội nguồn, là sum vầy, đoàn tụ.
Hoài Phương (24 tuổi, Nam Định) chia sẻ: “Mình may mắn được sinh ra trong thời bình, được có một cuộc sống đầy đủ, tiện nghi thế nhưng cả năm làm việc, phải xa gia đình nên những ngày Tết mình vẫn nôn nao, mong ngóng từng giây từng phút được trở về bên những người thân yêu. Đối với mình, đó là những ngày ý nghĩa nhất năm khi được cùng mọi người quây quần tâm sự về những điều cả năm qua đã làm được và cùng phấn đấu cho những dự định tiếp theo”.
Tết không có định nghĩa cụ thể, nhưng trong tâm trí mỗi người Việt đều là những buổi sum họp gia đình, cả nhà quây quần tụ họp trong những thời khắc đầu tiên của năm mới. Đó là định nghĩa "không thành lời" nhưng luôn rõ nét nhất mỗi khi nhắc đến Tết. Không phải ngẫu nhiên mà mỗi dịp Tết đến, người ta thường hướng tới sự đoàn tụ, sum vầy. Người làm ăn, người đi học xa, dù bận bịu, nhiều việc thế nào cũng đều cố gắng bắt kịp chuyến xe cuối cùng để kịp về nhà ăn Tết.
Trong xu thế toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế sâu rộng, việc giữ gìn và trân quý những giá trị tốt đẹp của ngày Tết cổ truyền chính là góp phần phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, làm cho mỗi người Việt Nam càng thêm yêu quê hương, đất nước, càng gắn bó mật thiết với gia đình, với cộng đồng, sống có trách nhiệm hơn với quá khứ, với hiện tại và cả với tương lai.
Trong phiên họp cuối cùng của năm 2023, Đại Hội đồng Liên hợp quốc đã thông qua nghị quyết lần đầu tiên công nhận Tết Nguyên đán là ngày nghỉ lễ hằng năm của Liên hợp quốc. Nghị quyết của Đại Hội đồng Liên hợp quốc nhấn mạnh Tết Nguyên đán là ngày lễ ở nhiều quốc gia thành viên, khuyến khích các cơ quan Liên hợp quốc không tổ chức họp vào ngày đầu tiên của năm mới âm lịch.
Việc Đại hội đồng Liên hợp quốc thông qua Nghị quyết trên ngay trước thềm Năm mới Giáp Thìn 2024 không chỉ có nghĩa quan trọng với các nước chính thức đón mừng Tết Nguyên đán mà còn là tin vui cho gần 2 tỷ người dân trên toàn thế giới coi năm mới âm lịch là dịp lễ quan trọng nhất trong năm. Việt Nam là một trong 12 nước tham gia thư chung gửi lãnh đạo Liên hợp quốc đề nghị Chủ tịch Ủy ban Hội nghị đưa Tết Nguyên đán vào lịch hằng năm của Liên hợp quốc để thể hiện cam kết của tổ chức đa phương lớn nhất hành tinh đối với tính đa dạng và bao trùm cũng như ý nghĩa văn hóa của dịp lễ quan trọng này.
Tết xưa nhưng không cũ. Tết nay có thể khác nhưng những phong tục đẹp trong dịp Tết thể hiện truyền thống văn hóa, văn minh cần được các thế hệ sau trân trọng gìn giữ và phát huy, đặc biệt là trong thời kỳ hội nhập với thế giới hiện nay, bởi đó là linh hồn, là bản sắc độc đáo của dân tộc. Tết cổ truyền sẽ không thể mất đi trong tâm thức của mỗi người con đất Việt.