Khu vực nông thôn Việt Nam sở hữu nguồn tài nguyên đa dạng và có nhiều dư địa để phát triển du lịch nông thôn. Phát triển du lịch nông thôn góp phần tích cực trong phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ môi trường và phát huy bản sắc văn hóa truyền thống khu vực nông thôn.
Bên cạnh việc mở rộng không gian du lịch, phát triển du lịch nông thôn góp phần tạo ra sản phẩm du lịch đặc trưng có lợi thế cạnh tranh, hấp dẫn khách du lịch, phát huy lợi thế, giá trị khác biệt của nông nghiệp, nông thôn và nông dân. Đây cũng là giải pháp giúp nâng cao thu nhập cho người dân nông thôn trong bối cảnh diện tích đất nông nghiệp tiếp tục bị thu hẹp, cũng là theo đúng định hướng chuyển từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông thôn theo hướng tích hợp đa ngành, đa giá trị.
Phấn đấu 100% điểm du lịch nông thôn được giới thiệu, quảng bá
Phát triển du lịch nông thôn là một trong những giải pháp, nhiệm vụ trọng tâm của Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025, trên cơ sở thay đổi tư duy từ sản xuất nông nghiệp sang phát triển kinh tế nông thôn, góp phần hỗ trợ các địa phương thực hiện hiệu quả, bền vững các tiêu chí nông thôn mới.
Trong giai đoạn mới, phát triển du lịch nông thôn sẽ hướng bền vững, bao trùm và đa giá trị, phù hợp với nhu cầu thị trường trên cơ sở sử dụng hiệu quả, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, làng nghề, sản phẩm OCOP, các hoạt động nông nghiệp và môi trường sinh thái đặc trưng vùng miền, gắn với chuyển đổi số và đổi mới, sáng tạo.
Chương trình Phát triển du lịch nông thôn trong xây dựng nông thôn mới đề ra những mục tiêu rõ ràng như: Phát triển, chuẩn hoá các điểm đến và sản phẩm du lịch nông thôn; mỗi tỉnh, thành phố phấn đấu có ít nhất 1 điểm du lịch nông thôn được công nhận gắn với lợi thế về nông nghiệp, văn hóa, làng nghề hoặc môi trường sinh thái của địa phương; Ít nhất 500 cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch nông thôn được công nhận xếp hạng hoặc công nhận đạt tiêu chuẩn phục vụ khách du lịch.
Song song với đó, chương trình sẽ đẩy mạnh phát triển du lịch nông thôn gắn với quá trình chuyển đổi số và Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP): Ít nhất có 80 sản phẩm dịch vụ du lịch cộng đồng và điểm du lịch nông thôn được công nhận đạt tiêu chuẩn OCOP từ 3 sao trở lên và được chuẩn hóa; trong đó ít nhất 50% dịch vụ du lịch cộng đồng và điểm du lịch nông thôn được số hóa và kết nối trên trang quảng bá, xúc tiến du lịch bằng công nghệ số.
Phấn đấu 100% điểm du lịch nông thôn được giới thiệu, quảng bá; 50% điểm du lịch nông thôn ứng dụng các giao dịch điện tử trong hoạt động du lịch; Phấn đấu mỗi huyện nông thôn mới có tiềm năng du lịch xây dựng ít nhất 1 mô hình chuỗi liên kết du lịch nông nghiệp nông thôn đặc thù; Ít nhất 70% chủ cơ sở du lịch nông thôn được đào tạo, tập huấn về nghiệp vụ quản lý du lịch; 80% lao động du lịch nông thôn được bồi dưỡng, tập huấn và nâng cao nghiệp vụ, kỹ năng phục vụ khách du lịch, trong đó ít nhất 50% là lao động nữ; mỗi điểm du lịch có ít nhất 1 nhân viên thành thạo ngoại ngữ. Tiến tới, bản đồ số các điểm du lịch nông thôn trên toàn quốc sẽ được xây dựng.
Nâng cao thu nhập và sinh kế cho người dân
Chính quyền các địa phương ở Thái Nguyên đang tích cực đầu tư, khuyến khích phát triển du lịch cộng đồng dựa vào khai thác lợi thế tự nhiên sẵn có với các cảnh quan thiên ban tặng, di tích lịch sử, văn hoá đặc sắc của cộng đồng dân tộc, đặc biệt gắn với sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, nông thôn và xây dựng NTM. Hoạt động du lịch bền vững theo cách thức đó đang từng bước được hình thành, thu hút du khách đến tham quan, trải nghiệm.
Điển hình như mô hình du lịch cộng đồng, nông nghiệp gắn với văn hóa trà tại các vùng chè xã Tân Cương (thành phố Thái Nguyên), xã La Bằng, xã Hoàng Nông (huyện Đại Từ), xã Tức Tranh (huyện Phú Lương); mô hình du lịch trải nghiệm nông nghiệp với vườn cây ăn trái (vườn nho, dâu tây tại xã Khôi Kỳ, huyện Đại Từ), mô hình du lịch nông nghiệp gắn với cảnh quan sinh thái hồ Ghềnh Chè (thành phố Sông Công)…
Các đơn vị khai thác du lịch cộng đồng, các hợp tác xã, các bản làng đã xây dựng được khu vực chế biến sản phẩm nông nghiệp, khu vực trưng bày giới thiệu và bán các sản phẩm đặc trưng, đồ lưu niệm… rộng rãi, sạch đẹp. Đồng thời, đầu tư chỉnh trang đường làng ngõ xóm, cải tạo nương chè đẹp nhằm phục vụ các đoàn khách đông người đến tham quan, trải nghiệm.
Ông Dương Văn Lượng, Phó chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên, cho biết, mô hình du lịch cộng đồng tại Thái Nguyên đã có sức lan tỏa, tạo được sự đồng thuận của người dân tham gia làm du lịch. Tỉnh Thái Nguyên xác định phát triển du lịch cộng đồng gắn liền với phong trào xây dựng NTM, nông nghiệp nông thôn bền vững. Hoạt động sản xuất nông nghiệp gắn với chế biến, tiêu thụ sản phẩm đặc sản sẽ tạo ra sản phẩm du lịch, phục vụ du khách, từ đó du lịch sẽ kích cầu lại ngành nông nghiệp với việc tiêu thụ các sản phẩm nông nghiệp, góp phần nâng cao thu nhập và tạo sinh kế cho người dân.
Được huyện hỗ trợ vay vốn để thành lập mô hình du lịch sinh thái, gia đình ông Đinh Văn Như (thôn Giàn Bí, xã Hòa Bắc, huyện Hòa Vang, TP. Đà Nẵng) đã có homestay rộng hơn 700 m2 được bao bọc bởi khe suối, núi đồi. Vào các ngày cuối tuần, lượng khách đến rất đông bởi ở đây, họ không chỉ nghỉ ngơi thư giãn mà còn được trải nghiệm các phong tục, tập quán, văn hóa của người Cơ Tu qua các điệu múa cồng chiêng, hát lý, tắm suối, lên nương rẫy, tham quan nghề dệt thổ cẩm, đan lát và thưởng thức đặc sản của địa phương.
Để tăng thêm sản phẩm du lịch nông thôn, mới đây, TP. Đà Nẵng đã đưa vào khai thác Làng du lịch sinh thái cộng đồng thôn Thái Lai (xã Hòa Nhơn, huyện Hòa Vang). Du khách đến đây sẽ được khám phá các giá trị văn hóa độc đáo qua các khu vườn kiểu mẫu, hay nhà cổ Tích Thiện Đường được xây dựng cách đây khoảng 150 năm. Ngoài ra, còn được thưởng thức di sản dân ca bài Chòi; tham quan những khu vườn cây ăn trái rộng lớn, phong phú về chủng loại như thanh long, bưởi, mít, chôm chôm, khế, xoài… Theo UBND huyện Hòa Vang, thời gian tới, huyện sẽ tiếp tục hỗ trợ thúc đẩy du lịch nông thôn, trong đó sẽ ưu tiên đẩy mạnh phát triển hạ tầng du lịch khu vực nông thôn; xây dựng chính sách hỗ trợ người dân tiếp cận các nguồn tín dụng để làm du lịch; hỗ trợ hoạt động bảo tồn và phát triển văn hóa, nâng cao năng lực cộng đồng; thí điểm khai thác dịch vụ du lịch kết hợp phát triển nông nghiệp, lâm nghiệp, nuôi trồng thủy sản…
Thực tế cho thấy, phát triển du lịch nông thôn gắn với Chương trình OCOP là một hướng đi hiệu quả cũng là nhiệm vụ cần thiết, nhằm xác định những nhiệm vụ, giải pháp, cơ chế chính sách đặc thù tạo ra động lực phát triển cho du lịch nông thôn giai đoạn 2021-2025, vừa phát huy lợi thế của nông nghiệp, nông thôn, vừa xây dựng chuỗi giá trị du lịch nông thôn, góp phần xây dựng nông thôn mới bền vững.