Tăng học phí - cần cân nhắc thận trọng

Nguyễn Thị Quỳnh Mai
Thông tin tăng học phí ở các bậc học tại TP. Hồ Chí Minh và một số tỉnh, thành phố khác đang khiến nhiều bộ phận phụ huynh lo lắng. Khi phần lớn người dân vừa trải qua hai năm Covid khó khăn, tiếp đến là cơn “bão giá” ập đến do nhiều yếu tố căng thẳng của kinh tế - chính trị thế giới thì việc tăng giá các dịch vụ công cơ bản, trong đó có giáo dục, cần được cân nhắc thận trọng.

hoc-phi-tphcm-co-the-tang-gap-5-lan-nam-hoc-toi-1-1653032157.jpg

Ảnh minh họa

Tại TP. Hồ Chí Minh, đề xuất Sở Giáo dục và Đào tạo đưa ra đẩy học phí tăng đáng kể. Cụ thể, ở các quận, học phí bậc mầm non tăng từ 200.000 đồng/tháng lên 300.000 đồng/tháng (các huyện giữ nguyên), nghĩa là tăng hơn 30%; bậc trung học cơ sở tăng từ 60.000 đồng/tháng lên 300.000 đồng/tháng, tức là gấp 5 lần; bậc trung học phổ thông tăng từ 120.000 đồng/tháng lên 300.000 đồng/tháng, tức tăng gần gấp 3.

Khó khăn càng lớn hơn cho các phụ huynh khi học phí chỉ là một phần trong chi phí học hành. Học sinh đến trường còn cần sách giáo khoa, dụng cụ học tập và phải nộp nhiều khoản phụ phí khác. Các khoản thu thường đóng đổ dồn vào đầu năm càng khiến phụ huynh vất vả. Nếu một gia đình có 2 con, hoặc đông hơn, cùng đang theo học bậc phổ thông, riêng học phí đóng dồn đã là một khoản rất lớn.

Trong bối cảnh xăng dầu liên tục tăng giá, kéo theo nhiều mặt hàng tiêu dùng và sinh hoạt phí càng trở nên đắt đỏ hơn nhưng thu nhập của các hộ gia đình không tăng theo tương ứng, gánh nặng chi tiêu đang trở nên ngày càng “quá tải” với một bộ phận không nhỏ các hộ gia đình. Xét về mặt vĩ mô, tăng học phí vào thời điểm này cũng góp phần ảnh hưởng đến lạm phát, bởi giáo dục nằm trong giỏ hàng hóa cơ bản tính chỉ số giá tiêu dùng (CPI). Tổng cục Thống kê ước tính, học phí và chi phí giáo dục tăng thêm có thể khiến cho CPI bình quân cả nước năm 2022 tăng 0,55 - 1,05%. Sách giáo khoa tăng giá làm chỉ số này tăng thêm 0,05% nữa.

Với một loạt các yếu tố vĩ mô bất ổn, bao gồm chiến tranh ở Ukraine và dịch Covid ở Trung Quốc, lạm phát sẽ là thách thức nghiêm trọng. Xung đột quân sự sẽ khiến giá dầu, giá phân bón tiếp tục biến động đi lên. Trong khi Covid khiến Trung Quốc đóng cửa, nguồn cung nguyên vật liệu cho Việt Nam bị hạn chế sẽ khiến giá cả hàng hóa tăng tiếp. Ở chiều ngược lại, khi kinh tế toàn cầu vẫn khó khăn, thị trường xuất khẩu của Việt Nam bị ảnh hưởng. Đồng nghĩa, mức tăng thu nhập của người dân có thể bị tác động tiêu cực.

Nhìn trong bối cảnh rộng hơn như vậy, tăng học phí không còn là chuyện riêng của ngành giáo dục mà cần được tính toán chặt chẽ hơn trong điều hành kinh tế vĩ mô. Trong trường hợp tăng, cần tính toán nhiều câu hỏi bao gồm mức tăng, thời điểm tăng. Điều phối tốt giữa ngành giáo dục (học phí), y tế (viện phí); giao thông (phí cầu đường…) sẽ giúp giảm bớt tác động của tăng giá lên chỉ số lạm phát toàn quốc.

Trở lại với giáo dục, riêng với nhóm học sinh phổ thông, có lẽ đây chưa phải là thời điểm tăng học phí. Nhà nước cần chia sẻ gánh nặng với người dân ở thời điểm khó khăn sau đại dịch lẫn bất ổn toàn cầu. Tiếp tục tiết kiệm chi tiêu công, tránh lãng phí, chống tham nhũng sẽ giúp ngân sách cân bằng hơn và tiếp tục có các khoản dôi dư để đầu tư cho giáo dục và dịch vụ công khác. Giữa thời điểm khó khăn này, Quốc hội và Hội đồng Nhân dân các các cấp ở địa phương cần có tiếng nói, từ đó giúp thực thi chính sách của cơ quan hành pháp tốt hơn. Lợi ích của người dân từ đó mới được lắng nghe và bảo đảm.