Tăng cường quản lý nhà nước về công tác khám sức khỏe

Nguyễn Thị Quỳnh Mai
Bộ Y tế vừa có công văn 2826/BYT-KCB ngày 31 tháng 5 năm 2022 về tăng cường quản lý nhà nước về công tác khám sức khỏe.

tai-xuong-1654474042.jpg

Ảnh minh họa

Theo công văn, để thực hiện chức năng quản lý nhà nước của Bộ Y tế trong lĩnh vực khám sức khỏe, trong những năm qua, Bộ Y tế đã chủ trì và phối hợp với các Bộ, ngành liên quan ban hành nhiều Thông tư quy định, hướng dẫn về hoạt động khám sức khỏe của nhiều ngành nghề, nhiều nhóm đối tượng như khám sức khỏe đi làm, đi học, lái xe, lái tàu, phi công, thuyền viên, khám tuyển nghĩa vụ quân sự.

Trong từng giai đoạn, để phù hợp tình hình thực tiễn, Bộ Y tế đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, hướng dẫn phù hợp. Để tiếp tục chấn chỉnh hoạt động khám sức khỏe (KSK), đồng thời thực hiện theo chỉ đạo của Chính phủ rà soát, cắt giảm thủ tục hành chính tạo thuận lợi cho cơ quan, đơn vị, tổ chức; tăng cường phân cấp, phân quyền, Bộ Y tế đề nghị:

Các Bộ, ngành; Bộ Lao Lao động - Thương binh và Xã hội (Bộ LĐTBXH); Bộ Công an (BCA); Bộ Giao thông vận tải (Bộ GTVT) chỉ đạo, hướng dẫn các đơn vị thuộc thẩm quyền, theo chức năng, nhiệm vụ được giao, tăng cường kiểm tra, thanh tra các cơ sở thực hiện khám sức khỏe thuộc Ngành quản lý; nghiêm túc thực hiện các quy định về khám và cấp giấy khám sức khỏe (KSK); chấn chỉnh, xử lý theo các mức độ đối với các thiếu sót, tồn tại phát hiện trong quá trình thanh, kiểm tra; Yêu cầu các cơ quan, tổ chức, khi tiếp nhận hồ sơ có giấy KSK, nếu có nghi ngờ cần phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan để kịp thời xử lý.

Bộ LĐTBXH chỉ đạo, hướng dẫn các Vụ, cục, đơn vị thuộc thẩm quyền thông báo tới các cơ quan, cá nhân, tổ chức có liên quan về việc công nhận danh sách các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh (KBCB) đủ điều kiện KSK theo quy định tại các Thông tư nêu trên khi được đăng tải trên cổng thông tin điện tử Cục Quản lý Khám, chữa bệnh (Bộ Y tế); Cục Y tế (Bộ Công an); Cục Y tế Giao thông vận tải (Bộ Giao thông vận tải); Sở Y tế tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có giá trị pháp lý như nhau.

Cục Y tế (BCA), Cục Y tế Giao thông vận tải (Bộ GTVT), Sở Y tế tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương: Phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, tổ chức có liên quan tăng cường kiểm tra hoạt động KSK nói chung và KSK đối với người lái xe nói riêng thuộc thẩm quyền quản lý nhằm ngăn chặn và hạn chế việc cấp giấy KSK giả, cấp khống giấy KSK, tăng cường chất lượng KSK; quy định quyền lợi, trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân trong thực hiện KSK; Chỉ đạo, hướng dẫn và kiểm tra hoạt động tự công bố cơ sở KBCB đủ điều kiện thực hiện KSK theo quy định tại các Thông tư nêu trên về các nội dung: thay đổi về nhân lực, cơ sở vật chất, trang thiết bị.... tại thời điểm kiểm tra so với hồ sơ đã tự công bố trước đó. Trên cơ sở kết quả kiểm tra, cập nhật, bổ sung hoặc đưa ra khỏi danh sách cơ sở KBCB đủ điều kiện thực hiện KSK trên trang thông tin điện tử của Cục Y tế (BCA), Cục Y tế Giao thông vận tải (Bộ GTVT), Sở Y tế tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; Định kỳ tổng hợp và thông tin bằng văn bản về Bộ Y tế (Cục QLKCB) tổng số các cơ sở KBCB đủ điều kiện KSK thuộc thẩm quyền quản lý.

Sở Y tế tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tăng cường kiểm tra định kỳ, đột xuất với các cơ sở KBCB đủ điều kiện thực hiện KSK đối với người lái xe thuộc thẩm quyền quản lý; phối hợp với Tổng cục đường bộ (Bộ GTVT), Sở GTVT, chính quyền địa phương, công an trong các hoạt động liên quan đến công tác khám và cấp giấy KSK người lái xe, cụ thể: Chỉ đạo các cơ sở (KBCB) đủ điều kiện KSK thuộc quyền quản lý phối hợp cung cấp thông tin của cán bộ được giao đầu mối phụ trách công tác KSK, thông tin về bác sĩ thực hiện KSK người lái xe (Họ và tên, chữ ký đăng ký ...) liên quan đến vụ việc cần xác minh khi được đề nghị; Phối hợp với chính quyền địa phương, công an sở tại trong hoạt động thông tin truyền thông, xử lý đối với các trường hợp làm giả giấy KSK, cố tình làm trái các quy định của pháp luật trong lĩnh vực khám và cấp giấy KSK; Yêu cầu cơ sở (KBCB) đủ điều kiện KSK thuộc quyền quản lý tăng cường chất lượng trong công tác KSK người lái xe, chú trọng các chuyên khoa như mắt, tâm thần, cơ xương khớp.

Bệnh viện, Viện có giường bệnh trực thuộc BYT; Bệnh viện thuộc Trường Đại học; Y tế Bộ ngành: Tăng cường quản lý công tác KSK và cấp giấy KSK, kiểm tra, thanh tra công tác KSK và phối hợp chặt chẽ với chính quyền trong việc xử lý, giải quyết các trường hợp vi phạm về KSK như giấy KSK giả, cấp giấy KSK khi không có người khám....; Thông tin đến Sở Y tế tỉnh, thành phố nơi cơ sở đóng trụ sở về việc công bố cơ sở KBCB đủ điều kiện thực hiện KSK để Sở Y tế cập nhật chung trên địa bàn tỉnh, thành phố; Rà soát và báo cáo kịp thời tới cơ quan quản lý trực tiếp khi có thay đổi về nhân lực, cơ sở vật chất, trang thiết bị.... tại thời điểm kiểm tra so với hồ sơ đã tự công bố là cơ sở KBCB đủ điều kiện thực hiện KSK trước đó. Trên cơ sở kết quả kiểm tra, cập nhật, bổ sung hoặc đưa ra khỏi danh sách cơ sở KBCB đủ điều kiện thực hiện KSK trên trang thông tin điện tử của Cục Y tế (BCA), Cục Y tế Giao thông vận tải (Bộ GTVT), Sở Y tế tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; Định kỳ báo cáo về Bộ Y tế (Cục QLKCB).

PL