Tấm gương sáng ở Bản máy

Tạp Chí Nhân Đạo
Ấn tượng của tôi trong lần đầu tiên trò chuyện với ông Hoàng Xín Phủ là lối nói chuyện khúc triết, am tường mọi chuyện của thôn bản. Với lối sống giản dị, nhiệt huyết, luôn sẵn lòng giúp đỡ mọi người ông Phủ rất được lòng bà con nơi đây.
Ông Phủ là người dân tộc Tày, sinh ra và lớn lên ở xã bản máy, huyện Hoàng Su Phì, tỉnh Hà Giang. Sau khi về hưu(năm 2010), với nhiệt huyết và uy tín của mình, ông Phủ được người dân tín nhiệm bầu là người có uy tín. Ông cũng là hội viên Hội Nghệ nhân dân gian của xã Bản máy. Cho tới tận bây giờ, ở cương vị nào, người dân cũng thấy ông nhiệt huyết, cố gắng hết sức mình.

Xã Bản máy có 4 thôn biên giới với đường biên giới dài gần 20km. Trên đường biên có 27 cột mốc. Người dân nơi đây chủ yếu là đồng bào các dân tộc thiểu số, với địa hình đồi dốc, giao thông đi lại rất khó khăn. Người dân vẫn còn giữ nhiều tập tục, thói quen lạc hậu, trong đó có việc nuôi nhốt trâu bò ngay cạnh nhà. Ông Phủ sớm nhận ra việc nuôi nhốt trâu bò gần nhà rất mất vệ sinh, ảnh hưởng tới sức khỏe. Ông tiên phong làm chuồng nhốt trâu bò xa nhà ở. “mình phải làm trước để bà con thấy cái lợi mà làm theo”, ông Phủ chia sẻ.
 

Ông Hoàng Xín Phủ chia sẻ kinh nghiệm vận động người dân tham gia tự quản đường biên cột mốc tại buổi gặp mặt người có uy tín tỉnh Hà Giang
 
Thực tế, trước đây, nhận thức của bà con còn hạn chế nên hay qua lại biên giới theo đường mòn, vi phạm các quy định, quy chế quản lý biên giới. Bên cạnh đó, tội phạm lợi dụng sự thiếu hiểu biết của người dân lừa bán phụ nữ, trẻ em qua biên giới. Khi còn công tác, ông Phủ thường xuyên phối hợp với Đồn Biên phòng Bản máy trao đổi tình hình và giải quyết các vụ việc khu vực biên giới và bảo vệ chủ quyền biên giới quốc gia của Tổ quốc cũng như củng cố, giữ gìn an ninh trật tự.

Sau khi nghỉ công tác, bằng uy tín của mình ông Phủ vẫn tiếp tục cùng với cán bộ Đồn Biên phòng Bản máy phối hợp tuyên truyền cho bà con hiểu rõ về đường biên giới, các việc được phép làm và không được phép làm ở khu vực biên giới cũng như thủ đoạn của bọn tội phạm. Ông cũng là người tích cực nhất tham gia tổ tự quản đường biên cột mốc ngay từ khi mô hình này được triển khai tại xã Bản máy. Ông cùng 3 hộ dân khác trong thôn Bản máy đã tình nguyện nhận bảo vệ cột mốc 206. Ông cũng cung cấp cho Đồn Biên phòng Bản máy nhiều tin có liên quan đến an ninh trật tự, góp phần hạn chế tình trạng người dân vượt biên đi làm thuê trái phép.

Đến nay, tuổi đã cao nhưng ông Phủ vẫn trực tiếp lao động sản xuất và luôn tích cực vận động, giáo dục người thân trong gia đình, dòng họ cũng như người dân trong thôn xây dựng đời sống văn hóa mới, giữ gìn an ninh trật tự thôn, xóm. Điều khiến ông tự hào và mừng nhất là nhờ tự quản tốt nên nhân dân trong thôn yên tâm lao động sản xuất, xóa đói, giảm nghèo để ổn định chính trị, tham gia xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh về mọi mặt.

Bài, ảnh: Bích Nguyên