Tại sao thông tin cá nhân lại dễ dàng bị đánh cắp để lừa đảo

Nguyễn Thị Hải Hà
Câu chuyện bị đánh cắp thông tin hoặc giả thông tin cá nhân để trục lợi, chiếm đoạt tài sản không còn mới. Tuy nhiên, việc dễ dàng có những thông cá nhân vẫn là vấn đề nóng trong lĩnh vực an ninh mạng. Ngày càng có nhiều chủ thể thu thập dữ liệu cá nhân cho mục đích khác nhau nhưng không thông báo cho khách hàng hoặc để xảy ra các hành vi vi phạm pháp luật.

Tại buổi họp báo về tình hình kinh tế-xã hội và phòng, chống dịch COVID-19 diễn ra chiều 2/6, đại diện Công an TP.HCM đã thông tin về việc đối tượng xấu lợi dụng đánh cắp thông tin hoặc giả thông tin cá nhân để trục lợi, chiếm đoạt tài sản.

Thượng tá Lê Mạnh Hà, Phó Trưởng phòng tham mưu, Công an TP.HCM cho biết: Hiện nay, các đối tượng tội phạm qua mạng triệt để thực hiện các hành vi lừa đảo như: Tạo tài khoản giả, làm giấy tờ giả, tạo app vay tiền qua tín dụng.

z3463718511522-947286c7521189f4f5d747a4e9aa0d6f-1654226864.jpg

Thượng tá Lê Mạnh Hà, Phó Trưởng phòng tham mưu, Công an TP.HCM.

Theo Thượng tá Lê Mạnh Hà, có 3 nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng này. Cụ thể, công tác phòng ngừa đảm bảo an toàn thông tin của một số cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp chưa được quan tâm đúng mức nên các đối tượng tội phạm có thể đăng nhập, phát tán các mã độc lấy cắp thông tin với số lượng lớn; tình trạng rao bán trên các trang mạng các thông tin cá nhân để nhằm mua bán và trục lợi. Đặc biệt, hiện nay, một số người dân còn thiếu cảnh giác trong bảo vệ thông tin cá nhân, không nắm sát các quy định của ngân hàng dẫn đến bị các đối tượng lợi dựng làm giả giấy tờ, tài liệu.

Để ngăn chặn, Công an TP.HCM đã triển khai nhiều giải pháp như tăng cường nắm tình hình về phương thức, thủ đoạn hoạt động của đối tượng; chỉ đạo công an các quận huyện, các phòng nghiệp vụ tăng cường tuyên tuyền cho người dân về ý thức bảo vệ thông tin cá nhân và các thủ đoạn của các loại tội phạm; xử lý nghiêm các hành vi vi phạm trên mạng máy tính, mạng viễn thông và các hành vi làm giả giấy tờ, tài liệu để chiếm đoạt tài sản.

Bên cạnh đó, Công an TP.HCM cũng đã tập hợp báo cáo Bộ Công an, kiến nghị các bộ, ngành chức năng trong quản lý các nhà mạng để điều chỉnh các quy định của pháp luật, khắc phục các lỗ hổng quản lý nhà nước trong mở tài khoản ngân hàng, quản lý sim di động để phòng ngừa các loại tội phạm này.

Đặc biệt, hiện nay, Bộ Công an tham mưu Chính phủ thực hiện Đề án 06. Trong đó có nội dung phát triển dịch vụ xác thực định danh điện tử trên cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Giải pháp căn cơ này giúp các giao dịch tài chính, các giao dịch trên mạng viễn thông mang tính chính danh và qua đó sẽ giảm được tội phạm này.

Ông Hà cũng đề nghị, người dân khi phát hiện các trường hợp lừa đảo nói trên cần thông báo trực tiếp hay gián tiếp với cơ quan công an, viết đơn tố cáo kèm tài liệu gửi đến công an để kịp thời can thiệp, xử lý.

NQ