Tại sao giảm chỉ tiêu tuyển sinh ngành công an năm 2017?

Tạp Chí Nhân Đạo
Trong mùa tuyển sinh đại học, cao đẳng, trung cấp năm nay, số lượng chỉ tiêu tuyển sinh ngành công an năm 2017 giảm hơn một nửa so với chỉ tiêu năm 2016. Sự sụt giảm này khiến điểm trúng tuyển khối trường Công an năm nay được dự báo sẽ “cao chót vót”…
tai-sao-giam-chi-tieu-tuyen-sinh-nganh-cong-an-nam-2017
Ảnh minh họa

Chỉ tiêu tuyển sinh giảm mạnh

Mùa tuyển sinh năm nay, toàn ngành Công an có 7 trường đại học tuyển sinh tổng cộng 1.500 chỉ tiêu. So với chỉ tiêu tuyển sinh ngành Công an năm 2016 là 3.200, số lượng chỉ tiêu năm nay của ngành này giảm quá nửa.

Cùng với đó, hệ cao đẳng, trung cấp khối ngành công an năm nay không xét tuyển đối tượng là học sinh vừa tốt nghiệp THPT, mà chỉ tuyển từ nguồn là hạ sĩ quan, chiến sĩ nghĩa vụ nhập ngũ đợt 1 năm 2015 và chuẩn bị ra quân đợt 1 năm 2018. Mới đây, có thông tin nói rằng, Bộ Công an đã đồng ý để các trường được tuyển sinh khối cao đẳng, trung cấp từ cả nguồn hạ sĩ quan, chiến sĩ nghĩa vụ trong ngành Công an nhân dân nhập ngũ từ đợt 2 năm 2014. Tổng chỉ tiêu xét tuyển cao đẳng, trung cấp trong ngành Công an nhân dân năm nay là 526 chỉ tiêu.

Vì số lượng chỉ tiêu tuyển sinh của ngành Công an giảm mạnh như vậy, nên cả thí sinh và các chuyên gia đều dự đoán, điểm trúng tuyển vào khối trường Công an năm nay sẽ “cao chót vót”. Rất nhiều học sinh khối 12 tại các trường THPT trên địa bàn Hà Nội khi trao đổi với chúng tôi cho biết cân nhắc rất kỹ lưỡng và rất nhiều người trong số đó khẳng định sẽ không tham gia đăng ký vào khối trường Công an vì sợ không đủ khả năng.

Thượng tá Nguyễn Đăng Sáu, Phó Cục trưởng Cục Đào tạo (Bộ Công an) cũng dự báo rằng, điểm trúng tuyển vào ngành Công an năm nay sẽ rất cao. Do chỉ tiêu tuyển sinh của ngành Công an rất thấp, nên sự cạnh tranh của các thí sinh năm nay sẽ rất căng thẳng. Chính vì thế, ông Nguyễn Đăng Sáu khuyên thí sinh và người nhà cân nhắc thật kỹ lưỡng tất cả các yếu tố, bao gồm cả lực học của học sinh, sở trường, nguyện vọng và cả sức khỏe của học thí sinh để đưa ra quyết định đúng đắn, sáng suốt nhất về việc nên hay không đăng ký dự tuyển, xét tuyển vào khối trường Công an.

Chỉ tiêu giảm vì nhu cầu tuyển dụng giảm

Theo ông Nguyễn Đăng Sáu, một trong những đặc thù của công tác tuyển sinh vào khối trường Công an là tuyển sinh đồng thời cũng là tuyển dụng người vào công tác trong ngành Công an (không giống như các trường khác, khối trường Công an và Quân đội, thí sinh trúng tuyển đi học cũng đồng nghĩa với việc chắc chắn sẽ được làm việc trong lực lượng Công an nhân dân, Quân đội nhân dân, nếu người học được xét tốt nghiệp). Bởi vậy, việc xác định số lượng chỉ tiêu tuyển sinh vào khối trường Công an được tính toán dựa trên nhu cầu tuyển dụng biên chế của toàn ngành.

Giải thích về chính sách chỉ tuyển sinh khối cao đẳng, trung cấp ngành Công an với đối tượng là hạ sĩ quan, chiến sĩ phục vụ trong ngành Công an trong khoảng thời gian nêu trên, ông Sáu nói, điều đó là nhằm động viên với số lượng rất lớn hạ sĩ quan, chiến sĩ đang phục vụ trong ngành Công an hiện nay. Việc bó hẹp nguồn tuyển như vậy, theo tính toán của Bộ Công an, không ảnh hưởng đến chất lượng tuyển sinh, bởi kết quả khảo sát trong vài năm gần đây cho thấy, mức điểm của đối tượng hạ sĩ quan, chiến sĩ nghĩa vụ ngành Công an đạt được tương đối cao, khoảng trên 20 điểm. Cùng với đó, số lượng thí sinh từ nguồn tuyển này rất lớn, hàng chục nghìn thí sinh, mà số chỉ tiêu chỉ là hơn 500, nên mức độ cạnh tranh cũng rất gay gắt, chỉ những hạ sĩ quan, chiến sĩ nghĩa vụ thực sự giỏi mới có thể trúng tuyển vào hệ cao đẳng, trung cấp trong các trường Công an.

Trước đây, ngành Công an cho phép “hậu kiểm” lý lịch sau khi thí sinh trúng tuyển vào ngành Công an. Tuy nhiên, việc “hậu kiểm” như vậy vô hình trung làm mất đi cơ hội tham gia xét tuyển vào các trường khác của những thí sinh trúng tuyển vào ngành Công an nhưng không đủ tiêu chuẩn về lý lịch. Vì thế, Bộ Công an khắc phục điều đó bằng cách yêu cầu thẩm tra lý lịch chính trị trước khi xét tuyển và ngay khi thí sinh đăng ký nguyện vọng vào khối trường Công an.

Việc thẩm tra lý lịch chính trị của thí sinh đăng ký tuyển sinh khối trường Công an được giao về cho Công an các địa phương nơi thí sinh cư trú. Công an các địa phương phải chịu hoàn toàn trách nhiệm trước Bộ Công an với kết luận của mình về sơ yếu lý lịch chính trị của thí sinh đăng ký nguyện vọng vào khối trường Công an.

Được biết, Bộ Công an vừa có văn bản gửi sang Bộ GD&ĐT đề nghị và đã được Bộ GD&ĐT đồng ý để Bộ Công an được rút những bài thi của thí sinh trúng tuyển vào ngành Công an. Những bài thi được rút về Bộ Công an để phục vụ công tác chấm thẩm định hoặc áp dụng giải pháp kiểm tra phù hợp để bảo đảm chất lượng thực sự của thí sinh trúng tuyển.