Sửa giày miễn phí Depvashock

Tạp Chí Nhân Đạo
(NĐ&ĐS) - Sài Gòn những ngày này, đã bước vào mùa mưa thực sự, người ta quen với mưa hơn, và mưa cũng nhẹ nhàng ‘nháy mắt’ trước để người Sài Gòn bắt được tín hiệu. Cũng với tâm trạng đó, tôi đi tìm một chút gọi là bình yên hay là sự hy sinh thầm lặng ở mảnh đất đang hối hả này. Đó là hình ảnh những thợ sửa giày dép đang cần mẫn trên chiếc kìm gò giày tại con hẻm 748, quốc lộ 13, quận Thủ Đức.

Đây chính là địa chỉ sửa giày dép miễn phí mà tôi đã được một người bạn giới thiệu. Và cũng là một trải nghiệm thật tuyệt vời khi tôi được gặp anh, người sáng lập ra nhãn hiệu giày dép thời trang depvashock.vn.

1
Những thợ làm giày ở đây, đa phần có hoàn cảnh rất khó khăn được anh nhận vào làm và dạy nghề làm giày.

Lúc tôi đến thì cũng có một vài người khách đang chờ để lấy đôi giày của mình. Sau một hồi cũng tới lượt của tôi.

Trong lúc ngồi chờ sửa xong đôi giày của mình, tôi đã tâm sự cùng anh: “Sao mình lại sửa giày miễn phí vậy anh? Trong khi ngồi nãy giờ em thấy cũng có vài người tới sửa giày, coi bộ họ cũng có điều kiện mà sao anh không  thu tiền của họ?”.

Anh chia sẻ rất chân thực, lý do anh mở ra không phải để kiếm tiền từ việc sửa giày mà là để bảo hành những sản phẩm cho khách mua giày của thương hiệu depvashock của anh. Và anh vẫn không ngại nhận sửa miễn phí cho người nghèo, các cô chú bán vé số và các em học sinh có hoàn cảnh khó khăn.

“Còn người có điều kiện hơn thì khi tới sửa giày xong vẫn miễn phí nhưng có cái thùng đóng góp gây quỹ, họ muốn bỏ bao nhiêu thì tuỳ tấm lòng của họ, số tiền này sẽ dùng để ủng hộ giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn khác. Một công đôi việc là vậy đó em”, anh thợ sửa giày cười hiền lành.

Và anh còn nói trong tương lai sẽ mở thêm nhiều điểm bảo hành và sửa giày miễn phí như vậy nữa...

Anh liên tục làm việc, tay bấm máy tính, lâu lâu thì nghe điện thoại nhưng vẫn không quên vui vẻ trò chuyện với những người khách như tôi. “Khách hàng  của anh da dạng lắm, giàu nghèo gì cũng có nhưng tất cả đều được đối sử bình đẳng như nhau. Ai đến trước thì anh sửa trước à, lâu lâu có trường hợp anh năn nỉ chị khách kia nhường cho cô bán vé số để anh sửa đôi xăng đan cho cô kịp mang đi bán”.

2
   Những người thợ giày ở đây lúc nào cũng niềm nở, vui vẻ với khách như vậy. Tấm bảng hiệu ghi dòng chữ “Sửa giày gây quỹ, giá là ở bạn” như nói lên được tất cả những nguyện vọng và tâm huyết mà anh muốn mang lại cho “công việc tử tế” của mình.

Vài giờ ngồi nhìn những lượt khách ra vào, nét mặt ai cũng vui vẻ thân thiện, có vẻ như họ đều quen với việc làm tốt của anh nên cũng không còn ngại ngùng khi nhờ anh giúp đỡ.

Tôi quay sang trò chuyện với chị khách kế bên: “Chị biết chỗ này lâu chưa?”. Chị nói: “Chị toàn đóng giày ở đây hết á em, cũng được gần 2 năm rồi. Do chân chị mang giày size rất to nên mỗi lần mua giày dép là tìm không ra, cuối cùng chị cũng được giới thiệu cho địa chị ở đây, hơn nữa ở đây là hàng tự sản xuất nên chị thích lắm, giày bị hư thì cứ đem tới sửa thôi không lo gì hết ...”, vừa nói chị vừa nhìn anh thợ và cười với vẻ tâm đắc lắm.

3
Những đôi bàn tay luôn miệt mài với công việc.

Đồng cảm với những trường hợp khó mua giày dép như chị khách này, tôi cũng  thấy vui khi có một địa chỉ gỡ rối cho những cô nàng chân quá nhỏ hay chân quá cỡ. Không những họ được ướm những đôi giày vừa vặn mà còn được sửa chữa bảo hành miễn phí. Cũng vì vậy mà khách hàng đến với thương hiệu giày dép của anh nhiều hơn và ngay cả tôi khi tới đây cũng thấy rất yêu mến những con người hy sinh thầm lặng nơi đây, đặc biệt là với tiêu chí kinh doanh và luôn hướng về xã hội của thương hiệu Depvashock này.

Cuối cùng  thì đôi giày của tôi cũng được hoàn thành, anh trao đôi giày và chào tôi với nụ cười chân thành. Tôi cũng không quên quay sang  thùng  từ thiện để góp một phần vào dự án xã hội của anh. Và mong rằng, trong tương lai Depvashock sẽ mở thêm được nhiều điểm bảo hành và sửa giày miễn phí hơn nữa để phục vụ cho cộng đồng.

Tạ Tùng