WeWork là start- up lĩnh vực bất động sản và cho thuê không gian làm việc chung, có giá trị lớn thứ 3 tại Mỹ sau Uber và Airbnb, có trụ sở tại New York và đang hoạt động ở 37 quốc gia.
Trong một email gửi cho toàn thể nhân viên giữa tháng 7/2018, nhà đồng sáng lập WeWork, Miguel McKelvey nói rằng sự kiện Festival Mùa hè- một lễ hội âm nhạc và thực phẩm dành riêng cho các thành viên của WeWork, sẽ không phục vụ bất kỳ thực phẩm nào liên quan đến thịt.
Đồng thời, 6.000 nhân viên của công ty sẽ không còn được phục vụ trong căng tin các bữa ăn có thịt đi kèm, và các sự kiện được tổ chức tại các văn phòng thuộc sở hữu của công ty sẽ không cung cấp thịt đỏ, thịt gia cầm hoặc thịt lợn cho khách hàng.
Lý do đằng sau quyết định bắt nguồn từ nghiên cứu cho thấy việc cắt giảm thực phẩm từ gia súc gia cầm thậm chí còn có lợi cho môi trường hơn việc thay đổi sang sử dụng xe điện.
Đây là một chính sách khá táo bạo của WeWork trong nỗ lực theo đuổi mục tiêu phát triển bền vững và được cho là sẽ tác động rất mạnh đến thói quen ăn uống của khách hàng tại hơn 400 tòa nhà thuộc sở hữu của WeWork.
Dựa trên tỉ lệ tăng trưởng của nhân viên làm việc và các đối tác trong 5 năm tới, WeWork ước tính việc loại bỏ thịt trong các hoạt động của công ty có thể tiết kiệm 16,6 tỷ gallon (đơn vị tính của Mĩ, Anh) nước, 445,1 triệu pound khí thải CO2 và hơn 15,5 triệu con vật các loại vào năm 2023.
WeWork cũng là một trong những công ty đi đầu trong việc vận động nhân viên hạn chế sử dụng nhựa.
Theo một cuộc khảo sát được tờ Reuters thực hiện thì có tới 71% người được hỏi đồng ý và chỉ có 29% không đồng ý với ý tưởng này của WeWork.
Hoạt động chăn nuôi thải ra hơn 14% lượng khí thải - là nguyên nhân khiến Trái Đất nóng lên, chủ yếu từ việc ợ hơi của động vật, phân chuồng và sản xuất thức ăn chăn nuôi.
Các hoạt động sản xuất thực phẩm từ động vật thải ra 2/3 lượng phát thải khí nhà kính nông nghiệp và chiếm ba phần tư diện tích đất nông nghiệp, trong khi chỉ đóng góp 37% nguồn cung cấp protein toàn cầu.
Nếu tính lượng khí thải từ gia súc thì chúng sẽ chiếm vị trí thứ 3 sau Trung Quốc và Hoa Kỳ trong việc phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính của thế giới.
Ngành chăn nuôi tạo ra khí thải gây gây hiệu ứng nhà kính cao hơn cả các công ty dầu mỏ lớn nhất thế giới.
Lượng phát thải kết hợp của 20 công ty sản xuất thịt và sữa hàng đầu vượt quá lượng khí thải của hai nước Đức hay Anh cộng lại.
Một phần tư diện tích đất liền của thế giới, ngoại trừ Nam Cực, được sử dụng cho đồng cỏ.
Gia súc thải ra khí mêtan, oxit nitơ và carbon dioxide. Khí mê-tan khiến cho nhiệt độ cao hơn nhiều so với khí carbon dioxide, được thải ra chủ yếu qua sự ợ hơi của động vật.
Các nhà khoa học đang xem xét làm thế nào để làm cho vật nuôi ít thải khí hơn bằng cách chăn nuôi những con vật ít ợ hơi hoặc điều chỉnh chế độ ăn của chúng - bao gồm cả việc cho chúng ăn rong biển.
Nếu 2 tỷ người tiêu dùng thịt lớn nhất trên thế giới chuyển sang các loại thực phẩm có nguồn gốc thực vật, nó có thể giảm bớt số lượng đồng cỏ có diện tích gấp đôi Ấn Độ, giúp việc sinh sống của con người dễ dàng hơn mà không phải chặt phá nhiều rừng.
Phải mất 25kg thức ăn ngũ cốc và khoảng 15.000 lít nước để sản xuất được 1kg thịt bò.
Người Mỹ ăn khoảng 10 tỷ bánh mì kẹp thịt mỗi năm. Nếu thay thế số thịt bò trong bánh mì kẹp bằng nấm thì sẽ có tác dụng tương tự như cắt giảm sử dụng 2,3 triệu phương tiện giao thông trên đường.
Nếu từ nay đến năm 2050, tất cả dân số trên thế giới đều ăn chay thì lượng phát thải khí liên trong ngành thực phẩm sẽ giảm khoảng 60%.