Theo đó, số liệu cập nhật tới 17h45 ngày 23/12, cơ quan phòng chống thiên tai thảm họa quốc gia Indonesia xác nhận đã có 222 người chết, 843 người bị thương và 22 người mất tích trong thảm họa sóng thần.
Dù đã cuối ngày 23/12, lực lượng cứu hộ vẫn ráo riết tìm kiếm những người sống sót nhưng các công nhân và xe cứu thương đang gặp khó khăn trong việc tiếp cận các khu vực bị ảnh hưởng vì một số con đường đã bị chặn bởi các mảnh vỡ từ những ngôi nhà bị phá hủy, lật xe và cây đổ.
Hình ảnh trên truyền hình cho thấy thời điểm khi sóng thần tấn công bãi biển và khu dân cư ở Pandeglang trên đảo Java, kéo theo nạn nhân, mảnh vỡ và những khối gỗ và kim loại lớn. Người dân trong vùng cũng cho biết họ không nhận thấy cảnh báo tự nhiên nào trước khi sóng thần ập tới.
Khác với những cơn sóng thần thông thường được gây ra bởi động đất, một vụ lở đất diễn ra dưới đáy biển do hoạt động địa chất của núi lửa Krakatau được cho là nguyên nhân dẫn đến cơn sóng thần ngày 22/12.
Tổng thống Indonesia, ông Joko Widodo, cho biết đã lệnh cho các quan chức chính phủ áp dụng mọi biện pháp khẩn cấp để tìm kiếm các nạn nhân và chăm sóc cho những người bị thương sau thảm họa.
Giới chức Indonesia cảnh báo người dân và khách du lịch ở các khu vực ven biển quanh eo biển Sunda tránh xa các bãi biển. Đồng thời, cảnh báo thủy triều cao vẫn còn xuất hiện cho đến ngày 25/12 khi các quan chức cố gắng tìm ra nguyên nhân của thảm họa.
Thảm họa sóng thần tối 22/12 là thảm kịch mới nhất tác động vào Indonesia trong năm qua. Trước đó, các trận động đất liên tiếp đã san phẳng nhiều khu vực trên đảo du lịch Lombok, trong khi một thảm họa động đất kèm sóng thần cũng đã khiến hàng nghìn người trên đảo Sulawesi thiệt mạng.