Tại thời điểm Lucas Jackson, phóng viên ảnh của Reuters, vừa mở điện thoại gọi về cho người thân từ sông băng Helheim ở Greenland, một tiếng nổ lớn vang lên đánh thức không gian tĩnh lặng của vùng Bắc Cực. Ngay thời điểm đó, sông băng Helheim nứt toác, vết nứt ngày một rộng, đẩy một phần của sông băng về phía đại dương. Vụ nứt vỡ sông băng Helheim là bằng chứng mới nhất của tình trạng biến đổi khí hậu đang ngày một nghiêm trọng, mà Greenland là một trong những nạn nhân chịu tác động rõ rệt nhất.
Để cải thiện hiệu quả các nỗ lực chống nước biển dâng, NASA đã khởi động dự án Oceans Melting Greenland (OMG), nghiên cứu tác động của sự nóng lên trong lòng nước biển đối với các thềm băng, núi băng ở hai cực. Trong ảnh, một núi băng trôi nổi tại vùng biển Greenland.
Với ngân sách 30 triệu USD, dự án OMG kỳ vọng làm rõ tình trạng tan băng tại Greenland tác động thế nào tới sự dâng cao của nước biển. Thông tin, dữ liệu thu được có thể được áp dụng để nghiên cứu tình trạng tan băng tại các khu vực khác, cụ thể là Nam Cực, nơi có lượng băng đá lớn hơn và đóng vai trò quan trọng trong quá trình dâng cao của nước biển. Trong ảnh, băng tan thành từng mảng trên sông băng ở Greenland.
Nước biển dâng là hiện tượng đe dọa các lãnh thổ, thành phố nằm ở đồng bằng ven biển, các hòn đảo và nhiều khu dân cư đông đúc trên khắp thế giới. Tuy nhiên, dự báo về tốc độ và sự trầm trọng của nước biển dâng hiện không thống nhất, có nhiều khác biệt giữa các cá nhân, tổ chức nghiên cứu do các nhà khoa học không có đủ thông tin về tốc độ nước biển ấm làm tan băng ở hai cực. Trong ảnh, một vết nứt xuất hiện tại sông băng ở Greenland.
Theo một báo cáo của Hiệp hội Địa Vật lý Mỹ, nước biển dâng 50cm sẽ nhấn chìm khu vực sinh sống của 90 triệu dân ở Trung Quốc, Việt Nam và Bangladesh. Báo cáo cũng cho biết vào năm 2100, những cơn bão mạnh như siêu bão Sandy, từng khiến nước Mỹ thiệt hại 70 tỷ USD, sẽ xảy ra với tần suất thường xuyên hơn gấp 17 lần so với hiện tại.
Ủy ban Liên chính phủ về biến đổi khí hậu (IPCC) cho biết mức độ nghiêm trọng của nước biển dâng, từ nay tới năm 2100, phụ thuộc rất lớn vào quyết tâm và khả năng giảm phát thải ô nhiễm thông qua sử dụng năng lượng hóa thạch. Sử dụng năng lượng hóa thạch được công nhận là nguyên nhân chính gây ô nhiễm môi trường trong thế kỷ 20.
Greenland hiện là một trong những vùng đất chứng kiến rõ rệt nhất tác động của biến đổi khí hậu và ấm lên toàn cầu. Hồi tháng 6, một núi băng rộng hơn 6,5km đã tách rời khỏi sông băng Helheim, vỡ thành từng mảng nhỏ, hiện tượng được nhận định là do nhiệt độ nước biển quá cao.
Tình trạng tương tự, thậm chí tồi tệ hơn những gì xảy ra ở Helheim được cho là sẽ xảy ra ở Nam Cực. IPCC cảnh báo tan băng tại riêng Nam Cực có thể khiến nước biển tăng 50cm tới cuối thế kỷ 21. Quá trình này được đánh giá là "thảm họa không thể đảo ngược".