"Tổng đài của Cơ quan Giảm nhẹ Thiên tai Quốc gia Indonesia (BNPB) đã ghi nhận 162 trường hợp thiệt mạng. Phần lớn trong số này là trẻ em. Chúng tôi rất lo ngại", Ridwan Kamil, Thống đốc tỉnh Tây Java của Indonesia, cho biết.
Ông Kamil nói rằng có nhiều nạn nhân nhỏ tuổi do động đất xảy ra trong lúc các trẻ em đang ở trường học. "Chưa có thống kê chính xác về thương vong, nhưng dữ liệu từ hiện trường luôn cho thấy phần lớn nạn nhân thiệt mạng là trẻ em", ông nói thêm.
Trận động đất cũng khiến hơn 300 người bị thương và gần 14.000 người mất nhà cửa. Khoảng hơn 2.300 ngôi nhà tại tỉnh Tây Java đã bị hư hỏng nặng hoặc sập hoàn toàn
Cơ quan thời tiết và địa vật lý Indonesia (BMKG) cho biết trận động đất xảy ra vào trưa 21/11, mạnh 5,6 độ richter, tâm chấn trên đất liền ở Cianjur, cách thủ đô Jakarta khoảng 75 km về phía đông nam và ở độ sâu 10 km.
BMKG đã ghi nhận 25 dư chấn trong 2 giờ sau trận động đất. Cơ quan này cảnh báo người dân về nguy cơ sạt lở đất, đặc biệt trong trường hợp có mưa lớn nhưng khẳng định không có nguy cơ xảy ra sóng thần.
Vani, một cư dân địa phương bị thương trong trận động đất, cho biết tường nhà bà đã bị đổ sập trong một cơn dư chấn. “Tường và tủ quần áo sập xuống”, bà nói với đài truyền hình địa phương Metro TV.
“Mọi thứ bị đè bẹp. Tôi không biết cha mẹ tôi hiện ra sao”.
Ông Muchlis, một nhân chứng địa phương, cho biết cảm thấy “rùng mình” khi tường và trần văn phòng đổ sập.
“Tôi rất bàng hoàng. Tôi lo rằng một trận động đất nữa có thể xảy đến”, ông hồi tưởng.
Nhiều người dân ở thủ đô Jakarta cũng cảm nhận được cơn rung lắc do động đất. Một số tòa nhà văn phòng đã phải sơ tán, Reuters cho biết. Dù vậy, BNPB khẳng định trận động đất không có nguy cơ gây ra sóng thần.
Indonesia thường xuyên chứng kiến các trận động đất và phun trào núi lửa do nằm trên “Vành đai lửa” Thái Bình Dương, khu vực hoạt động địa chấn mạnh nhất trên hành tinh trải dài từ Nhật Bản qua Đông Nam Á đến bên kia Thái Bình Dương.
Hạnh (T/h)