Theo đó, thời gian phát động bắt đầu từ năm học 2022-2023. Đối tượng thực hiện là học sinh, học viên trong tất cả các cơ sở giáo dục phổ thông, cơ sở giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên trong toàn tỉnh.
Sản phẩm trao tặng là sách giáo khoa, sách tham khảo cũ còn sử dụng được. Hình thức thu nhận: Học sinh đóng gói sách giáo khoa, sách tham khảo khi không còn nhu cầu sử dụng, dán nhãn tên người gửi phía ngoài túi hoặc bao bì, nộp về Văn phòng Đoàn/Đội/Giáo viên chủ nhiệm lớp/Thư viện nhà trường.
Phong trào "Tặng sách cho em" được hưởng ứng, thực hiện tại tất cả các đơn vị trong toàn tỉnh trên tinh thần tự nguyện của học sinh, phụ huynh, các tổ chức, cá nhân đối với sách giáo khoa, sách tham khảo khi không còn nhu cầu sử dụng.
Giáo viên chủ nhiệm đôn đốc, hướng dẫn học sinh giữ gìn, tập hợp sách giáo khoa, sách tham khảo để tặng lại cho học sinh khóa sau; phát động phong trào tặng sách trong các em học sinh và phụ huynh; khuyến khích, động viên phụ huynh học sinh cho các em dùng sách giáo khoa đã sử dụng để giảm bớt chi phí học tập.
Đối với các nhà trường, thành lập Ban nhận sách, ấn định thời gian nhận sách giáo khoa; phân công giáo viên phụ trách công tác phát động, thu nhận, kiểm kê, phân loại, bọc dán các loại sách cũ, phân loại sách và bàn giao sách giáo khoa, sách tham khảo cũ còn sử dụng được cho thư viện nhà trường.
Đồng thời, nhà trường có trách nhiệm sử dụng số sách giáo khoa, sách tham khảo được trao tặng để hỗ trợ, giúp đỡ các em học sinh của trường có nhu cầu sử dụng trong học tập thông qua hình thức trao tặng hoặc cho mượn trước khi năm học mới bắt đầu, đặc biệt ưu tiên học sinh có hoàn cảnh khó khăn.
Phong trào "Tặng sách cho em" nhằm phát huy truyền thống tương thân, tương ái của dân tộc; nâng cao ý thức tự giác giữ gìn sách giáo khoa, sách tham khảo của học sinh; hình thành trong học sinh sự quan tâm, chia sẻ đến những học sinh khi có nhu cầu sử dụng sách cũ; qua đó góp phần tiết kiệm chi phí học tập cho học sinh và san sẻ nỗi lo của các bậc phụ huynh khi bước vào năm học mới.
Hạnh Chi