Sẽ tính phương án sử dụng ngân sách mua sách giáo khoa

Lã Thị Thúy hằng
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho biết, sắp tới, sẽ tính phương án sử dụng ngân sách nhà nước mua sách giáo khoa đưa vào thư viện trường học cho học sinh mượn, sử dụng nhiều lần.

Tại phiên họp Chính phủ thường kỳ sáng ngày 3/8, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho biết, sẽ tính phương án sử dụng ngân sách Nhà nước mua sách giáo khoa, đưa vào thư viện trường học cho học sinh mượn, sử dụng nhiều lần, lâu dài.

Phương án được đưa ra trong bối cảnh Bộ Giáo dục và Đào tạo từng đề xuất dùng ngân sách nhà nước mua sách giáo khoa cho học sinh mượn, nhằm hỗ trợ các em có hoàn cảnh khó khăn.

a8-1659550747.jpg

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam tại phiên họp Chính phủ thường kỳ sáng ngày 3/8.

Bộ Giáo dục và Đào tạo từng dẫn chứng ở một số quốc gia, học sinh không cần mua sách giáo khoa. Tại Nga, các em được trường phát sách vào đầu năm và thu lại cuối năm. Ở Nhật, sách giáo khoa được phát miễn phí ở trường công. Phía sau mỗi cuốn đều in thông điệp "Cuốn sách giáo khoa này được gửi gắm đến các bạn là những chủ nhân tương lai của Nhật Bản. Sách được cấp phát miễn phí từ tiền thuế của nhân dân. Hãy sử dụng một cách cẩn thận".

Còn tại Mỹ, chi phí mua sách do trường chi trả. Học sinh dùng sách tại trường như tài liệu tham khảo, không mang về nhà. Giáo viên dạy chủ yếu dựa vào khung chương trình và ít sử dụng sách giáo khoa.

Hồi tháng 6, Bộ Giáo dục và Đào tạo có Chỉ thị đề nghị các địa phương tuyên truyền tới giáo viên, học sinh về việc giữ gìn, bảo quản sách giáo khoa, không viết, vẽ vào sách để sử dụng lâu bền. Bộ cũng yêu cầu các trường bố trí kinh phí hợp lý để mua sách cho thư viện để học sinh mượn; vận động học sinh quyên góp, ủng hộ sách cũ cho các khóa sau sử dụng.

Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng đã kiến nghị Bộ Tài chính và Chính phủ xem xét đưa sách giáo khoa vào danh mục hàng hóa do Nhà nước định giá để trình Quốc hội quyết định. Nghị quyết kỳ họp thứ 3 Quốc hội khóa XV được thông qua chiều ngày 16/6 nêu sách giáo khoa sẽ được bổ sung vào danh mục hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá, khi sửa đổi Luật giá.

Chương trình giáo dục phổ thông mới được thông qua năm 2018, bắt đầu áp dụng với lớp 1 trong năm học 2020. Đi kèm với chương trình, sách giáo khoa mới cũng được thiết kế và đưa vào sử dụng. Lần đầu tiên, Việt Nam triển khai "một chương trình, nhiều sách giáo khoa". Năm 2021, chương trình triển khai với lớp 2 và 6, sau đó là ba lớp 3, 7, 10 (năm 2022), 4, 8 và 11 (2023), cuối cùng là 5, 9, 12 (2024).

T.Hằng