Sẽ có thông tư về chuẩn chính tả

Tạp Chí Nhân Đạo
(NĐ&ĐS) -Dự báo, Thông tư chính tả trong chương trình, sách giáo khoa mới sẽ được hoàn thiện vào tháng 5/2018. Điều này là rất cần thiết vì hiện có nhiều quy định tương đối “vênh” nhau về chính tả.

Chiều 6/3, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ chủ trì hội thảo quy định về Thông tư chính tả trong chương trình, sách giáo khoa mới.

Theo Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ, trong quá trình soạn thảo văn bản, cần chọn cách diễn đạt dễ hiểu, dễ nhớ, dễ sử dụng vì đối tượng không chỉ là người viết sách, mà sau này các thầy, cô giáo dạy học sinh cũng phải được hiểu rất kỹ các nội dung này.

Thứ trưởng giao Bộ phận soạn thảo, trực tiếp là Vụ Giáo dục Trung học cần sớm có văn bản báo cáo, đề xuất với Chính phủ cho phép Bộ GD&ĐT được ban hành Thông tư quy định về chính tả trong sách giáo khoa mới.

Theo tiến độ thì từ nay đến tháng 5/2018 là phải ban hành Thông tư. Tuy nhiên không vì thế mà chúng ta chạy theo tiến độ; quan trọng nhất vẫn là chất lượng, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT cho biết.

Dự kiến việc quy định chuẩn chính tả sẽ vẫn giữ nguyên tên tổ chức tiếng Việt, tên người, tên địa lý Việt Nam, tên tổ chức tiếng nước ngoài, các ngày lễ tết, thuật ngữ chuyên ngành khoa học.

Quy định mới này có nội dung đáng chú ý nghiên cứu quy định về vị trí đặt dấu thanh, về cách viết âm "i" sau các chữ k, h, l, m, s, t..., trong các âm tiết mở như "lý thuyết" hay "lí thuyết"; "hy sinh" hay "hy sinh"...

Đối với các trường hợp tồn tại nhiều cách viết khác nhau như "dập dờn" và "rập rờn"; "sum suê" và "xum xuê" thì áp dụng theo Từ điển Ngôn ngữ học.

thong tu
Việc phiên âm tiếng nước ngoài sẽ thay đổi trong chương trình - sách giáo khoa mới.
(Ảnh Ngọc Dương).

Đối với tên người, tên địa lý trong các ngôn ngữ đa tiết, viết hoa chữ cái đầu của mỗi bộ phận tạo thành tên; nếu bộ phận đó gồm nhiều âm tiết thì dùng gạch nối để nối các âm tiết. Ví dụ, Y Bih A-lê-ô, Y Blok Ê-ban, Sê-rê-pôk, E-a Đrăng…

Đối với tên người, tên địa lý được cấu tạo bằng cách kết hợp danh từ riêng với bộ phận vốn không phải là danh từ riêng (danh từ chung, số từ, từ chỉ phương hướng), tùy trường hợp, được viết theo quy tắc áp dụng cho ngôn ngữ đơn tiết hoặc đa tiết. Ví dụ, Đồ Chiểu, Đề Thám, A-ma Thuột, Biển Đông, Hồ Gươm, (huyện) Chợ Mới, (huyện) Krông A-na, (vùng) Nam Trung Bộ...

Đối với tên các thiên thể (sử dụng với tư cách thuật ngữ thiên văn học, khoa học trái đất), tên các năm âm lịch, tên các dân tộc, tùy trường hợp, viết theo quy tắc áp dụng cho ngôn ngữ đơn tiết hoặc đa tiết. Ví dụ, Mặt Trời, Trái Đất, Mặt Trăng, Sao Kim; Ất Mùi, Quý Tỵ; (dân tộc) Hà Nhì, (dân tộc) Ba-na...

Đối với SGK ba lớp đầu cấp tiểu học (lớp 1, 2 và 3). SGK các lớp này sử dụng hình thức phiên âm, có gạch nối để nối các âm tiết trong cùng một bộ phận tạo thành tên, ví dụ: Tô-mát Ê-đi-xơn, Mát-xcơ-va, Tô-ky-ô…

Đối với SGK lớp 4 và 5, bên cạnh tên riêng được phiên âm có tên nguyên dạng hoặc chuyển tự đặt trong ngoặc đơn; ví dụ: Tô-mát Ê-đi-xơn (Thomas Edison), Mát-xcơ-va (Moskva), Pa-ri (Paris), Tô-ky-ô (Tokyo).

Phạm vi thống nhất áp dụng quy định này là của sách giáo khoa. Ban soạn thảo mong muốn từ nhà trường, dần dần những quy định hợp lý hơn sẽ lan toả ra xã hội.

Cách viết tên người, tên địa lí hiện đang được thực hiện theo quyết định 240/QĐ của Bộ GDĐT ngày 5/3/1984: Quy định về chính tả tiếng Việt và về thuật ngữ tiếng Việt.

Về tên tổ chức thực hiện theo QĐ số 07/2003/QĐ của Bộ GDĐT ngày 13/32003: Quy định tạm thời về viết hoa tên riêng trong SGK.

Dự kiến, Thông tư chính tả trong chương trình, sách giáo khoa mới sẽ được hoàn thiện vào tháng 5/2018. Mục tiêu muộn nhất tháng 9/2018 là phải hoàn thành việc soạn thảo Thông tư.

GS Nguyễn Minh Thuyết, Tổng chủ biên Chương trình giáo dục phổ thông mới, đồng thời cũng là giáo sư nghiên cứu về ngôn ngữ học, nêu quan điểm: “Điều này là rất cần thiết vì hiện có nhiều quy định tương đối “vênh” nhau về chính tả”. Bản thân Bộ GD-ĐT từ năm 1984 - 2003 cũng có tới 3 quyết định khác nhau về chính tả trong chương trình - sách giáo khoa (SGK). Chưa kể còn có 2 văn bản quy định của Văn phòng Chính phủ và Bộ Nội vụ về chính tả trong các văn bản hành chính…

Tình Thương.