Sau Tết, nhiều doanh nghiệp phải chờ công nhân trở lại

Tạp Chí Nhân Đạo
Nhiều doanh nghiệp lớn tại Bình Dương, Đồng Nai khởi động sản xuất từ mùng 5 tháng Giêng, một số hoạt động xuyên tết nhưng nhiều doanh nghiệp chưa thể sản xuất do đợi công nhân ở xa.
dn1-15192693342741907984171
Công nhân làm việc ở một công ty may mặc tại thị xã Thuận An, tỉnh Bình Dương - Ảnh: BÁ SƠN

Theo khảo sát của chúng tôi tại các Khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh Bình Dương và Đồng Nai, các doanh nghiệp thâm dụng lao động cho biết chỉ bắt đầu hoạt động trở lại trong ngày 22/2 (mùng 7) và 23/2 do phải chờ công nhân quê ở các tỉnh xa trở lại nhà máy.

Ông Đinh Sỹ Phúc - Chủ tịch công đoàn Công ty Taekwang Vina (KCN Biên Hòa 2, TP Biên Hòa) với 34.000 lao động - cho biết phần lớn công nhân được cho nghỉ hết mùng 6 để vui xuân cùng gia đình. 

"Riêng với các công nhân ở xa, công ty cho nghỉ hết mùng 7. Trong ngày trở lại làm việc, công nhân sẽ được nhận một phần lì xì 100.000 đồng/người" - ông Phúc cho biết.

Các công ty có lượng lao động lớn như Công ty Changshin Việt Nam (huyện Vĩnh Cửu), Công ty Pousung (Khu công nghiệp Bàu Xéo, huyện Trảng Bom), Công ty Pouchen Việt Nam (xã Hóa An, Biên Hòa)... với hàng chục ngàn lao động cũng được nghỉ đến mùng 7 mới trở lại làm việc.

Theo thống kê số liệu tổng hợp từ 1.300 doanh nghiệp đang hoạt động trong 31 Khu công nghiệp tại Đồng Nai, có khoảng 70% sẽ bắt đầu tổ chức sản xuất lại từ sáng mùng 6 tháng Giêng. 

Ông Nguyễn Văn Thắng, Chủ tịch công đoàn Khu công nghiệp Biên Hòa,cho biết tính đến ngày 21/2 mới có 29 đơn vị trên tổng số gần 400 doanh nghiệp trở lại làm việc, phần lớn sẽ hoạt động trở lại từ ngày 22/2 (mùng 7 tháng Giêng), còn lại sẽ khởi động rải rác đến đầu tuần sau. 

Cũng theo ông Thắng, dù sớm hay muộn, tỉ lệ công nhân trở lại làm việc sau tết rất cao trong những năm gần đây do thu nhập ổn định, chính sách đãi ngộ cho người lao động của chủ doanh nghiệp được cải thiện. 

"Ngoài thưởng tết, nhiều doanh nghiệp còn tổ chức xe đưa đón công nhân về quê ở các tỉnh phía Bắc và miền Trung đón tết để giữ chân công nhân" - ông Thắng nói.

dn3-1519269350568816998869
Công nhân làm việc tại một doanh nghiệp FDI trên địa bàn tỉnh Đồng Nai - Ảnh: A LỘC

Theo Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh Đồng Nai, trong năm 2018 các doanh nghiệp trên địa bàn cần tuyển 86.080 lao động (tăng hơn 30% so với năm 2017).

Trong số đó, nhu cầu lao động phổ thông hơn 68.000 người (chiếm gần 80%), còn lại là trình độ đại học 3.649 người, trung cấp 7.759 người và công nhân kỹ thuật là 6.526 người. 

Hai địa phương tập trung nhiều KCN là TP Biên Hòa và huyện Nhơn Trạch có nhu cầu tuyển dụng nhiều nhất với trên 48.000 lao động (chiếm trên 56% toàn tỉnh).

Đứng đầu các ngành nghề cần tuyển dụng nhiều lao động vẫn là may mặc, giày da, sản xuất linh kiện điện tử...

Theo bà Trần Thị Thùy Trâm - Phó Giám đốc Trung tâm dịch vụ việc làm, dù nhu cầu tuyển dụng của các doanh nghiệp tại Đồng Nai năm nay tăng cao nhưng không phải tăng đột biến mà các doanh nghiệp đã có hoạch định kỹ càng, có niên độ, tiến độ từ những năm trước để mở rộng sản xuất.

Ngoài ra, một số doanh nghiệp cần tuyển nhiều lao động còn để bù đắp số công nhân không trở lại làm việc hoặc nhảy việc.