Sáng mãi đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”

Đặng Thu Hằng
100% gia đình người có công (NCC) với cách mạng có mức sống bằng hoặc cao hơn mức sống của người dân địa phương nơi cư trú; 100% xã, phường được công nhận thực hiện tốt công tác thương binh - liệt sĩ, NCC; 100% hồ sơ NCC được số hóa... Các hoạt động tri ân, chăm sóc NCC của tỉnh được xuất phát từ đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”.

Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Thanh Hải thăm, tặng quà gia đình thương binh Trần Trọng Đính Nhân kỷ niệm 76 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ (27/7/1947 - 27/7/2023)

Đồng chí Nguyễn Thanh Hải, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh đến thăm, tặng quà gia đình thương binh nhân kỷ niệm 76 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ. Ảnh: T.L

Cùng nhân dân cả nước gồng mình trải qua các cuộc kháng chiến giữ nước, làm nhiệm vụ quốc tế và bảo vệ biên cương Tổ quốc, gần 11.000 người con ưu tú của tỉnh Thái Nguyên đã hóa thân vào bất tử; hơn 7.000 người gửi lại chiến trường một phần máu xương. Họ là những Anh hùng liệt sĩ, thương binh và người hưởng chính sách như thương binh.

Cùng với đó, toàn tỉnh có hơn 2.700 bệnh binh, hơn 13.000 người hoạt động kháng chiến và con đẻ của họ bị nhiễm chất độc hóa học. Đặc biệt, Thái Nguyên có hơn 500 bà mẹ được trao tặng, truy tặng Danh hiệu vinh dự Nhà nước "Bà mẹ Việt Nam Anh hùng".

Vinh quang và tự hào, bởi "Mẹ đã có ngàn đứa con, Mẹ đã có cả nước non". Trong danh sách Mẹ Việt Nam Anh hùng, nhiều Mẹ có 2 con là liệt sĩ, như: Mẹ Đặng Thị Thái, xóm Hoa 2, xã Phấn Mễ (Phú Lương); Mẹ Lê Thị Gừng, xóm Bãi Chẩu, xã Vạn Phái (TP. Phổ Yên). Rồi như Mẹ Nguyễn Thị Tý, xóm Cầu Đá, xã Trung Lương (Định Hóa) có 2 con trai và 1 con rể là liệt sĩ; Mẹ Ngô Thị Tựu, xóm Ngoài, xã Xuân Phương (Phú Bình) có chồng là liệt sĩ thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp, con trai của Mẹ là liệt sĩ thời kỳ kháng chiến chống Mỹ.

Hay vẫn còn đó những liệt sĩ chưa về với đất mẹ quê hương, mà đã hóa thân thành những tượng đài Anh hùng của dân tộc ngay trên chiến trường năm xưa.

Hàng năm, vào Ngày Thương binh - Liệt sĩ (27-7) và dịp Tết Nguyên đán, Tỉnh ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ tỉnh đều tổ chức đoàn công tác về các nghĩa trang có liệt sĩ người Thái Nguyên dâng hương tưởng nhớ công ơn của các anh, các chị.

Hiện nay, tỉnh đang quản lý, thực hiện chính sách ưu đãi đối với hơn 130.000 NCC, trong đó có hơn 21.000 NCC hưởng trợ cấp ưu đãi hàng tháng; hơn 6.000 người hưởng chế độ thờ cúng liệt sĩ. Những NCC được quan tâm chăm lo đầy đủ và toàn diện trên các lĩnh vực: Nhà ở, đất đai, chăm sóc nuôi dưỡng, điều dưỡng sức khỏe...

Từ tháng 1 đến hết tháng 7/2023, Sở Lao động - TB&XH đã tổ chức điều dưỡng cho hơn 1.200 người có công và thân nhân người có công với cách mạng.

Từ đầu năm đến nay, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đã tổ chức điều dưỡng cho hơn 1.200 người có công và thân nhân người có công.

Năm 2022, các cơ quan chức năng của tỉnh đã kịp thời trợ cấp hàng tháng cho gần 20.000 NCC; cấp thẻ bảo hiểm y tế cho gần 72.000 người hoạt động kháng chiến được hưởng trợ cấp một lần và trợ cấp mai táng phí khi đối tượng từ trần. Nhân dịp Tết Nguyên đán năm 2023, hơn 52.000 NCC được nhận quà của Chủ tịch nước và của tỉnh, với tổng trị giá trên 18,7 tỷ đồng. Những món quà tuy giá trị chưa lớn nhưng ấm áp lòng tri ân của các thế hệ người Thái Nguyên đối với sự cống hiến, hy sinh cao cả của những NCC...

Đang những ngày tháng 7, bầu trời cao xanh chợt đổ cơn mưa rào như dòng lệ chan chứa được nén kìm trong lòng người òa vỡ. Trong khung cảnh ấy, có những đoàn người trên mọi miền Tổ quốc về Thái Nguyên dâng hương tại Khu di tích lịch sử Quốc gia 27-7 (Đại Từ), nơi công bố ra đời Ngày Thương binh toàn quốc 27/7/1947 (nay là Ngày Thương binh - Liệt sĩ), gợi lòng hoài niệm về tháng 7 của năm trước, toàn tỉnh có gần 75.500 NCC và thân nhân NCC được Chủ tịch nước và lãnh đạo tỉnh gửi tặng quà, với tổng trị giá trên 22,5 tỷ đồng. Cùng với đó, tỉnh có 70 suất quà dành tặng các gia đình liệt sĩ và cựu Thanh niên xung phong Đại đội 915, Đội 91 Bắc Thái, đang sinh sống ở tỉnh Thái Nguyên và tỉnh Bắc Kạn.

Các đơn vị thuộc ngành Y tế của tỉnh tổ chức nhiều hoạt động khám bệnh, tư vấn sức khỏe, cấp thuốc miễn phí cho các đối tượng chính sách trên địa bàn.

Các đơn vị thuộc ngành Y tế tỉnh tổ chức nhiều hoạt động khám bệnh, tư vấn sức khỏe, cấp thuốc miễn phí cho các đối tượng chính sách trên địa bàn.

Qua tìm hiểu chúng tôi được biết, từ năm 2022 đến tháng 6/2023, tỉnh Thái Nguyên đã trang cấp dụng cụ chỉnh hình cho 665 người, với tổng trị giá hơn 1,1 tỷ đồng. Riêng 6 tháng đầu năm 2023 có 249 trường hợp được trang cấp dụng cụ chỉnh hình, với tổng trị giá hơn 440 triệu đồng.

Để NCC và thân nhân NCC không bị thiệt thòi, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội chủ động phối hợp với các cấp, ngành liên quan thực hiện rà soát, đánh giá kết quả hỗ trợ xóa nghèo. Qua đó ghi nhận 100% hộ nghèo là gia đình NCC được thực hiện đầy đủ các chế độ ưu đãi dành cho cá nhân và gia đình. Thông qua đợt rà soát, các địa phương tổ chức huy động nguồn lực hỗ trợ phù hợp, tạo điều kiện cho gia đình NCC tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản.

Để nâng cao hơn nữa chất lượng công tác chăm sóc NCC và thân nhân NCC, những năm gần đây, Thái Nguyên có chủ trương xã hội hóa công tác chăm sóc NCC, nên các hoạt động tri ân đã lan tỏa sâu rộng trong các tầng lớp nhân dân. Ví như trong 10 năm gần đây, Quỹ Đền ơn đáp nghĩa nhận được sự tham gia ủng hộ với số tiền hơn 5 tỷ đồng/năm. Riêng năm 2022, Quỹ nhận được số tiền ủng hộ hơn 9 tỷ đồng. Toàn bộ số tiền Quỹ được sử dụng đúng mục đích, có ý nghĩa thiết thực như hỗ trợ NCC, thân nhân NCC về nhà ở; hỗ trợ phát triển kinh tế gia đình; thăm hỏi, trợ cấp đột xuất cho NCC, thân nhân NCC bị ốm đau nặng hoặc rơi vào hoàn cảnh đặc biệt...

Tri ân, chăm sóc NCC, thân nhân NCC đã và đang trở thành một phong trào lớn, lan tỏa rộng khắp trên toàn tỉnh. Sự chia sẻ, động viên kịp thời của các cấp, ngành, địa phương và cộng đồng dân cư góp phần tiếp thêm nghị lực để NCC cùng thân nhân nỗ lực vươn lên, sống gương mẫu, trở thành những tấm gương sáng tại địa phương.