Làm giả video bằng trí tuệ nhân tạo là trào lưu gây ra nhiều tranh cãi từ năm 2018. Một trong những điểm khiến người dùng có thể tạm yên tâm về nguy cơ bị ghép mặt là deepfake cần một lượng dữ liệu lớn của người dùng để tự đào tạo.
Đặc điểm đó có thể sớm thay đổi. Phòng nghiên cứu trí tuệ nhân tạo của Samsung tại Nga mới đây đã tìm ra cách để tạo đoạn video chỉ từ 1 bức ảnh.
Các nhà nghiên cứu có thể tạo ra Mona Lisa với những biểu cảm như thật với AI. Ảnh: Samsung. |
Trong nghiên cứu mới công bố, nhóm nghiên cứu đã tạo ra các video hoạt họa từ những bức tranh nổi tiếng như Mona Lisa. Trong một số trường hợp, họ chỉ cần 1 bức ảnh chụp lại tranh để tạo ra video, nhưng phần lớn thử nghiệm cần nhiều ảnh hơn.
Theo Vice, nếu được cung cấp khoảng 8-32 bức ảnh, hiệu ứng chuyển động do AI tạo ra sẽ giống thật hơn.
Để tạo ra chuyển động, AI tự học hỏi từ một loạt video có mặt người đang nói, với những biểu cảm khác nhau. Nhóm nghiên cứu có thể sử dụng nguồn tài nguyên có sẵn trên mạng như VoxCeleb, kho dữ liệu tập hợp các kiểu ảnh người nổi tiếng đang nói.
Bức tranh Mona Lisa, các bức ảnh chân dung nổi tiếng của Albert Einstein, Marilyn Monroe hay nhà văn Fyodor Dostoyevsky đều có thể trở thành những bức ảnh chuyển động trong nghiên cứu của Samsung. Tất nhiên, những bức ảnh này mới chỉ ở chất lượng "có chuyển động", chưa đủ thực tế để đánh lừa người xem.
"Sau trào lưu của năm ngoái, công nghệ này ngày càng cần ít dữ liệu để tạo nên những bức ảnh phức tạp hơn. Kết quả nghiên cứu của Samsung là bước tiến mới, hướng tới việc tạo nên những nội dung hình ảnh động không thể phân biệt với video thật", ông Hany Farid, nhà nghiên cứu về deepfake nhận xét.