PV: Tình hình khó khăn này đã được dự báo từ trước chưa, thưa ông?
Ông Nguyễn Thành Đô: Chúng tôi đã dự báo từ tháng 9, và cuối tháng 9 đã ban hành kế hoạch chăm lo Tết cho người lao động.
Đặc biệt chúng tôi đã có giải pháp chỉ đạo Công đoàn các đơn vị đang nợ bảo hiểm, nợ lương để phối hợp báo cáo cấp uỷ, đồng hành làm sao có hướng hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn và nắm tình hình công nhân lao động kịp thời.
Đặc biệt Công đoàn cơ sở phải bám sát với doanh nghiệp trong xây dựng phương án thưởng Tết, trả lương, trả thưởng cho người lao động, tổ chức đối thoại để người sử dụng lao động và người lao động thấu hiểu nhau về tình hình hiện nay, qua đó có sự chia sẻ.
Đối với những đơn vị quá khó khăn, không có điều kiện chăm lo Tết cho người lao động thì báo cáo lên Liên đoàn Lao động TP để có hỗ trợ cho người lao động.
PV: Với một số doanh nghiệp phải thu hẹp sản xuất, cắt giảm lao động, Liên đoàn Lao động TP đã có phương án gì để bảo vệ quyền lợi cho người lao động?
Ông Nguyễn Thành Đô: Đối với các doanh nghiệp thu hẹp sản xuất dẫn đến người lao động mất việc làm, Liên đoàn Lao động TP phối hợp với Công đoàn cơ sở tham gia từ đầu trong việc xây dựng phương án lao động của doanh nghiệp để đảm bảo đúng quy định và quyền lợi người lao động, đặc biệt đó là đảm bảo việc làm cho người lao động lâu năm, người lao động trên 40 tuổi, người lao động yếu thế…
Bên cạnh đó, giám sát việc thực hiện chế độ theo quy định pháp luật như trả trợ cấp mất việc, đặc biệt là chốt sổ BHXH, BHYT để người lao động hưởng chế độ bảo hiểm thất nghiệp cũng như hỗ trợ đào tạo nghề theo quy định của Luật việc làm để người lao động có điều kiện tham gia trở lại thị trường lao động.
PV: Thưa ông, vậy phương án sắp xếp công việc mới cho số lượng lao động mất việc làm là gì?
Ông Nguyễn Thành Đô: Chúng tôi đã phối hợp với Sở Lao động Thương binh và Xã hội, chỉ đạo Liên đoàn Lao động quận, huyện, TP Thủ Đức, Công đoàn ngành, Tổng công ty… để rà soát lại các đơn vị có nhu cầu tuyển dụng lao động, sẽ kết nối người lao động mất việc qua doanh nghiệp khác cùng đặc thù ngành nghề để họ làm việc trở lại. Ví dụ như Củ Chi, vẫn còn doanh nghiệp về may mặc cần lao động.
Thứ hai, đối với nguồn lao động chưa chuyển đổi được thì phối hợp với Trung tâm giới thiệu việc làm để có những nguồn việc ngắn hạn để người lao động trong thời gian này học nghề, vừa có thu nhập, vừa có cơ hội tham gia thị trường lao động trở lại.
Ngành ảnh hưởng hiện nay là dệt may, da giày, gỗ.. còn một số ngành khác vẫn có nhu cầu tuyển dụng.
PV: Dự báo, doanh nghiệp sẽ tiếp tục cắt giảm nhân sự và tình hình còn khó khăn kéo dài đến sang năm. Vậy từ phía Liên đoàn Lao động TP đã chủ động có kế hoạch phòng ngừa như thế nào để ổn định tâm lý cho người lao động?
Ông Nguyễn Thành Đô: Phải thông tin rộng rãi và phải đối thoại. Doanh nghiệp và tổ chức công đoàn cơ sở thông tin cho người lao động biết việc xảy ra để người lao động hiểu.
Bên cạnh đó, tăng cường thông tin qua kênh Trung tâm tư vấn pháp luật và hệ thống Liên đoàn lao động quận, huyện, TP Thủ Đức để người lao động biết quyền và nghĩa vụ của mình trong các nội dung mà doanh nghiệp thực hiện để tự giám sát, bao gồm chế độ BHXH, BHYT, trợ cấp mất việc, … theo quy định của pháp luật.
Liên đoàn Lao động TP đang dự thảo phương án hỗ trợ người lao động bị ảnh hưởng từ nay tới Tết và sau Tết.
Mong rằng, việc giảm đơn hàng chỉ là một giai đoạn, thời gian tới sẽ có sự chuyển biến tích cực.
PV: Xin cảm ơn ông!/.
Theo VOV