Quy trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật chặt chẽ, minh bạch

Nguyễn Thị Quỳnh Mai
Chiều 9/6, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội liên quan đến vấn đề hoàn thiện văn bản quy phạm pháp luật.
1be126dbf75837066e49-1654768609064367088679-1654791393.jpg
Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh trả lời chất vấn - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Đại biểu Cẩm Hà Chung (đoàn Phú Thọ) đặt câu hỏi trong việc hoàn thiện thể chế, hoàn thiện văn bản quy phạm pháp luật, có ý kiến cho rằng đâu đó vẫn có tình trạng lợi ích nhóm, lợi ích cục bộ. Giải pháp khắc phục thế nào?

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh cho biết trong quy trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật đã có quy định rất chặt chẽ từ khâu lập đề nghị xây dựng văn bản quy phạm pháp luật của bộ, ngành; soạn thảo, thẩm định dự án/dự thảo văn bản quy phạm pháp luật; công báo và niêm yết văn bản quy phạm pháp luật… Quá trình này có sự tham gia của nhiều cơ quan, nhất là sự thẩm định nghiêm túc, chặt chẽ, khách quan của Bộ Tư pháp.

Bên cạnh đó, cơ quan soạn thảo phải tiến hành tổng kết công tác thi hành pháp luật và đánh giá tác động chính sách tới các đối tượng chịu tác động, tiếp thu các ý kiến của tổ chức, cá nhân, nhất là chuyên gia và nhà quản lý.

Đồng thời, khi cơ quan soạn thảo lấy ý kiến xong sẽ tiến hành thẩm định và Chính phủ tổ chức các phiên họp chuyên đề về luật pháp, xem xét trước khi trình Quốc hội thảo luận, cho ý kiến. Với quy định nêu trên, nếu tuân thủ chặt chẽ thì hiện tượng lợi ích nhóm, lợi ích cục bộ là rất khó xảy ra.

"Chính phủ đề ra quy định và có giải pháp là cần minh bạch quá trình, quy trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật. Yêu cầu nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu, các Bộ trưởng, người đứng đầu cơ quan và phát huy vai trò của ban soạn thảo", Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh cho hay.