Quy hoạch các dự án giao thông phải có tầm nhìn dài hạn

Nguyễn Thị Hải Hà
Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho rằng, các dự án giao thông lớn cần có tầm nhìn dài hạn, tránh tình trạng vừa đi vào hoạt động vài năm đã "lạc hậu".

Chú thích ảnh Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc. Ảnh: TTXVN.

Sáng 6/6, Quốc hội nghe Tờ trình về chủ trương đầu tư các dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng (giai đoạn 1); Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột (giai đoạn 1); Biên Hòa -Vũng Tàu (giai đoạn 1); Tờ trình về Chủ trương đầu tư dự án đường Vành đai 4 vùng Thủ đô Hà Nội, dự án đường Vành đai 3 Thành phố Hồ Chí Minh và báo cáo thẩm tra về các nội dung này. Sau đó, các đại biểu thảo luận tại tổ về nội dung này.

Phát biểu tại thảo luận tổ, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, việc tập trung phát triển cơ sở hạ tầng là một trong 3 đột phá lớn của nền kinh tế, đặc biệt là đường giao thông. Phát triển được hệ thống giao thông thì sẽ tạo huyết mạch cho nền kinh tế quốc gia, khai thác tiềm năng phục vụ cho phát triển đất nước, xuất khẩu.

“Tuy nhiên, chúng tôi đề nghị Bộ Giao thông vận tải khi xây dựng tuyến đường cần tính quy hoạch dài hơi. Chứ như khi chúng ta làm đường I, từ năm 2010, thì chỉ đến năm 2020 là đường lại bị kẹt nên phải có tầm nhìn dài hạn, thiết kế rộng rãi, đảm bảo tương lai, chứ quy hoạch xong vài năm sau lại lạc hậu thì không nên. Bên cạnh đó, phải tập trung khắc phục những khó khăn, tồn tại, vướng mắc, nút thắt để thi công, đưa vào sử dụng nhanh, hiệu quả sẽ lớn. Còn về phía nguồn kinh phí, Bộ Tài chính và Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã giải trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội, trình Quốc hội, đảm bảo đủ kinh phí để thực hiện”, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cho biết.

Còn ông Phan Văn Mãi, Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội TP Hồ Chí Minh cho biết, quy hoạch đường Vành đai 3 từ năm 2011- cách đây 11 năm. “Nếu chúng ta triển khai ngay khi có quy hoạch thì chắc chắn chi phí giải phóng mặt bằng sẽ giảm chỉ bằng 1/10 so với bây giờ", ông Mãi cho biết.

Theo ông Phan Văn Mãi, quy hoạch năm 2011, đường Vành đai 3 gồm phần đường chính quy mô 6-8 làn xe và đường song hành 2-3 làn xe. Như vậy ngay từ khi quy hoạch dự án đã gồm 2 phần: Đường chính và đường song hành. Tuy nhiên do nhiều lí do nên chưa thể triển khai.

Sau đó, Chính phủ giao cho Bộ Giao thông vận tải nghiên cứu, chuẩn bị dự án. Đến tháng 7/2021, Thủ tướng Chính phủ quyết định giao lại cho TP Hồ Chí Minh làm đầu mối để tiếp nhận nghiên cứu trước đó của tư vấn, của Bộ Giao thông Vận tải.

Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh cho biết ban đầu đặt vấn đề nghiên cứu thực hiện dự án theo phương thức đối tác công tư (PPP). Tuy nhiên, qua quá trình nghiên cứu tất cả các phương án có thể có, thì thấy không khả thi, bởi thứ nhất là đóng góp của ngân sách nhà nước nếu thực hiện theo hình thức PPP lên tới 82% - như vậy vượt quy định của pháp luật. Bên cạnh đó thời gian thu hồi vốn cần 28 năm là quá dài nên không hấp dẫn các nhà đầu tư. Do vậy TP Hồ Chí Minh lựa chọn phương thức đầu tư công để trình cấp có thẩm quyền.

Với các ý kiến còn băn khoăn về giải phóng mặt bằng, ông Phan Văn Mãi khẳng định: "Có ý kiến nói 'làm 4 làn giải phóng mặt bằng chi cho nhiều', nhưng kinh nghiệm của TP Hồ Chí Minh cũng như các dự án giao thông khác, cho thấy nếu bây giờ không giải phóng mặt bằng theo quy mô hoàn thiện, thì sau này làm 6 làn, 8 làn xe sẽ rất khó khăn trong giải phóng mặt bằng và tăng chi phí lên rất nhiều".

Về tổng mức đầu tư, Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh nhấn mạnh mỗi dự án khác nhau, thời điểm giải phóng mặt bằng khác nhau, vị trí giải phóng mặt bằng khác nhau, sẽ có mức chi phí khác nhau. Theo Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh, việc chi phí giải phóng mặt bằng đường Vành đai 3 cao so với một số dự án khác bởi dự án này quy hoạch từ năm 2011, hành lang đường Vành đai 3 đã đô thị hoá, các điểm công nghiệp cũng rất dày nên đất giải phóng mặt bằng có thể là đất nông nghiệp nhưng xen cài trong đô thị ở những vùng đô thị hóa rất cao, mật độ dân cư đông; từ đó kéo chi phí mặt bằng cao hơn rất nhiều so với các dự án khác, đặc biệt là những địa bàn chỉ giải phóng mặt bằng đất nông nghiệp.

Ông Phan Văn Mãi khẳng định sau khi được Quốc hội thông qua, TP Hồ Chí Minh sẽ cùng các địa phương tổ chức làm những phần việc chi phí đền bù, giải quyết tạm cư trong thời gian chờ tái định cư, đào tạo nghề, tạo sinh kế cho bà con.

Đại biểu Vũ Tiến Lộc (Đoàn Hà Nội) cho biết, dự án vành đai 4 giúp đột phá cả về cơ sở hạ tầng cũng như phát triển nguồn nhân lực.

Theo đại biểu Vũ Tiến Lộc, trong bối cảnh kinh tế - xã hội đang phục hồi, đầu tư công bao giờ cũng là phương thức kinh điển và hiệu quả nhất có thể kích hoạt nền kinh tế trong bối cảnh khó khăn, vừa kích hoạt được đầu tư toàn xã hội, tạo ra được tăng trưởng, việc làm. Hiện nay trong năng lực cạnh tranh của nền kinh tế Việt Nam xếp hạng khoảng dưới 70 trên 140 nước trên thế giới, song cơ sở hạ tầng giao thông của chúng ta xếp khoảng hơn 100. Như vậy chất lượng hạ tầng, cơ sở giao thông của chúng ta đang là điểm nghẽn, yếu nhất trong chỉ số môi trường kinh doanh.

“Việt Nam nằm trong số 30 nền kinh tế có chất lượng giao thông kém nhất trên thế giới, trước hết là hệ thống đường cao tốc. Nếu so sánh với các nước xung quanh, ít có nước nào có chiều dài đường cao tốc thấp như nước ta. Điểm đáng chú ý điểm nghẽn lớn nhất về giao thông nằm ở chính TP Hồ Chí Minh và Hà Nội, những trung tâm kinh tế lớn nhất của cả cả nước. Do đó triển khai các dự án vào 2 điểm nghẽn này là rất cần thiết", đại biểu Vũ Tiến Lộc nhấn mạnh.