Dự án được thực hiện tại khu phức hợp năng lượng thuộc Khu kinh tế Đông Nam tỉnh Quảng Trị, thuộc địa bàn xã Hải An, xã Hải Ba (huyện Hải Lăng), với quy mô diện tích đất sử dụng hơn 120ha. Dự án sẽ xây dựng Trung tâm kho cảng LNG Hải Lăng, giai đoạn 1 tiếp nhận tàu chở LNG từ 170.000 đến 226.000m3, công suất tiếp nhận 1,5 triệu tấn LNG/năm và Trung tâm Điện lực Hải Lăng, giai đoạn 1 có công suất phát điện 1.500MW.
Tổng vốn đầu tư giai đoạn I của dự án là gần 54.000 tỷ đồng (tương đương 2,32 tỷ USD). Trong đó vốn góp của Tổ hợp nhà đầu tư để thực hiện dự án là hơn 13.400 tỷ đồng, gồm: Tập đoàn T&T Group góp 40%, mỗi nhà đầu tư: HANWHA, KOSPO, KOGAS góp 20%. Theo kế hoạch, dự án sẽ được đưa vào vận hành thương mại vào năm 2026-2027.
Trung tâm điện khí Hải Lăng sau khi vận hành sẽ cung cấp cho hệ thống điện quốc gia khoảng 8,25 tỷ kWh/năm; có thể bù đắp công suất thiếu hụt tức thời cho hệ thống, đặc biệt đặt trong bối cảnh tỷ trọng nguồn năng lượng tái tạo như điện mặt trời, điện gió tại khu vực miền Trung đang chiếm tỷ trọng lớn và bị biến động theo thời tiết.
Cùng với việc sử dụng nhiên liệu LNG sạch, dự án sẽ góp phần giảm thiểu những tác động ảnh hưởng đến môi trường, giảm phát thải khí nhà kính, bảo đảm các tiêu chí về môi trường theo các công ước quốc tế Việt Nam đã ký kết… Đây sẽ là dự án mang tầm quốc tế với giá trị phát triển bền vững, góp phần bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia; đồng thời đóng góp vào nguồn năng lượng sạch cả nước, góp phần hiện thực hóa mục tiêu đưa Việt Nam đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 theo đúng cam kết của Chính phủ tại hội nghị COP 26, cũng như thúc đẩy kim ngạch xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và quốc tế, trong đó có điện khí LNG.
Đánh giá về vai trò, tầm vóc của dự án, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị Võ Văn Hưng khẳng định: Đây là dự án trọng điểm, thuộc ngành, lĩnh vực ưu tiên dựa trên lợi thế so sánh của tỉnh là công nghiệp năng lượng. Với dự án năng lượng trọng điểm này sẽ từng bước góp phần hiện thực hóa mục tiêu đưa tỉnh Quảng Trị trở thành Trung tâm năng lượng khu vực miền Trung vào năm 2030.
Đồng thời, đây là một trong những dự án tạo tiền đề, cơ sở quan trọng để xây dựng Khu kinh tế Đông Nam Quảng Trị trở thành một khu kinh tế năng động, hiện đại, có tầm cơ trong khu vực Trung Bộ, quốc gia và khu vực ASEAN; một cửa ngõ giao lưu quốc tế về phía biển Đông của Việt Nam.