Quảng Ninh: Xương cá ghim trong phế quản cụ bà suốt 2 tháng

Đặng Thu Hằng
Một cụ bà 75 tuổi ở Quảng Ninh bị viêm thuỳ phổi do mảnh xương cá lớn mắc trong phế quản suốt hơn 2 tháng. Các bác sỹ phải tiến hành nội soi phế quản mớii phát hiện dị vật .

Theo đó, từ khoảng 2 tháng nay, bà N.T.L (75 tuổi, trú tại TP Uông Bí, tỉnh Quảng Ninh) bị ho nhiều kèm nặng tức ngực, khạc đờm vàng đục và sốt nóng. Sau khi tới khám tại Bệnh viện Bãi Cháy phát hiện viêm tổn thương thuỳ phổi, giãn phế quản.

Các bác sĩ tiến hành nội soi phế quản và phát hiện dị vật góc cạnh dài 1,5 cm là mảnh xương cá, gây bít tắc ở thùy dưới phổi phải gây tổn thương viêm mủ nghiêm trọng. Sau khi gắp mảnh xương và hút rửa sạch phế quản, bệnh nhân đã tỉnh táo, phổi thông khí tốt, giảm ho, không còn sốt, sức khỏe ổn định và tiếp tục được điều trị.

z4000913203991-4c68865f4edc7e635bc44c2ae34b6318-1672402606.jpeg
Cụ bà được chăm sóc tích cực sau khi gắp mảnh xương cá khỏi phế quản.

Bác sỹ CKI Phạm Thị Út Trang, Khoa Hô hấp, Bệnh viện Bãi Cháy cho biết, đây là ca bệnh khó, đòi hỏi kỹ thuật can thiệp nội soi phế quản chuẩn xác. Do dị vật kích thước khá lớn, sắc nhọn, nằm lâu trong lòng phế quản nên nếu không phát hiện và xử trí kịp thời dị vật có thể bám chắc và sâu hơn, gây ra nhiễm trùng đường hô hấp, giãn phế quản, áp xe phổi, tràn mủ màng phổi, tràn khí màng phổi... Một số trường hợp dị vật phế quản nguy hiểm có thể gây tắc nghẽn đường thở khiến bệnh nhân tử vong nhanh chóng.

Trước đó, nữ bệnh nhân H. T. H. (58 tuổi) ngụ huyện Trần Văn Thời, Cà Mau cũng nhập viện khi bị ho triền miên, nặng ngực, thở khó. Các bác sĩ Bệnh viện đa khoa Trung ương Cần Thơ chẩn đoán dị vật đường hô hấp, tăng huyết áp.

Theo lời kể của bệnh nhân, khoảng một năm trước, bệnh nhân ăn canh chua bị sặc, từ đó bà liên tục ho đàm, khò khè từng đợt kéo dài, triệu chứng ho thường xuyên, kèm khạc đàm, cảm giác nặng ngực, khó thở. Mặc dù đã đi điều trị nhiều đợt, nhưng tình trạng bệnh không giảm. Các bác sỹ đã thành công kiềm gắp thành công dị vật được xác định là mảnh xương cá ra khỏi lòng phế quản bệnh nhân.

Mắc dị vật khí phế quản, thậm chí sau đó bị bỏ quên thường là hậu quả của tai nạn sinh hoạt có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi, đặc biệt trẻ em gặp nhiều hơn người lớn. Di vật bị bỏ quên thường có hai đặc điểm, một là người bệnh không biết mình bị dị vật đường hô hấp lúc nào do đôi khi xảy ra thoáng qua; hai là triệu chứng bệnh giống một số bệnh khác nên dễ bị nhầm lẫn và bỏ qua. Đa số các trường hợp dị vật phế quản bỏ quên thường gây nhiễm trùng phế quản phổi dai dẳng, tái lại sau khi ngừng kháng sinh, kéo dài nhiều tháng, nhiều năm.

Biến chứng của dị vật bỏ quên thường gặp là viêm phổi tái đi tái lại nhiều lần, áp xe phổi, xẹp phổi, ho ra máu. Thậm chí, nếu dị vật ở trong phế quản phổi lâu ngày sẽ gây ra nhiễm trùng đường hô hấp, nặng hơn có thể xuất hiện áp xe phổi, tràn mủ màng phổi, giãn phế quản…

T.H.