Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ thành phố Hà Nội Đào Ngọc Triệu cho biết, cái tốt, cái đẹp, cái thiện cần có môi trường để nảy nở, sinh sôi. Trong đó, môi trường tốt nhất để nuôi dưỡng những điều đẹp đẽ là trái tim yêu thương của mỗi người, mỗi gia đình, rồi lan tỏa đến những người xung quanh, đến cộng đồng. Thế nên, việc xây dựng cộng đồng nhân ái được Hội Chữ thập đỏ thành phố Hà Nội triển khai thông qua những mô hình thiết thực, phù hợp với nhiều đối tượng cần trợ giúp, bất kỳ ai cũng có thể tham gia. Nổi bật trong số đó là các mô hình: “Suất ăn miễn phí”; “Hiến máu tình nguyện”, “Nhà chữ thập đỏ”, “Ngân hàng bò”, “Trường tới trường - Kết nối yêu thương”…
Để đạt hiệu quả cao, các địa phương không triển khai dàn trải, mà ưu tiên lựa chọn các mô hình phù hợp với đặc điểm của cộng đồng dân cư. Tại các quận: Ba Đình, Cầu Giấy, Hoàn Kiếm, Thanh Xuân, Nam Từ Liêm…, nơi tập trung nhiều lao động trẻ làm việc, học sinh, sinh viên học tập, mạng lưới Hội Chữ thập đỏ ở đây quan tâm đưa cuộc vận động hiến máu tình nguyện đến từng cơ quan, đơn vị, trường học; đồng thời, huy động nguồn lực xã hội để hỗ trợ kịp thời về nhiều mặt cho học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn.
Tại những cộng đồng vùng xa trung tâm thuộc các huyện: Ba Vì, Mỹ Đức, Phú Xuyên, Sóc Sơn…, nơi có một bộ phận người dân còn khó khăn, mạng lưới Hội Chữ thập đỏ ở khu vực này chú trọng phát triển mô hình “Nhà Chữ thập đỏ”, “Ngân hàng bò”, tạo điểm tựa cho người gặp khó vươn lên. Nhận được sự hỗ trợ về nhà ở vào cuối tháng 3-2023, ông Bùi Văn Điềm, thôn Trung Hòa, xã Hùng Tiến (huyện Mỹ Đức) bày tỏ: “Chỉ một thời gian ngắn nữa thôi, gia đình chúng tôi sẽ được ở trong nhà mới, sẽ không còn nỗi lo nhà bị ngấm nước, thấm dột khi mùa mưa sắp tới. Điều này giúp chúng tôi yên tâm làm ăn, cải thiện đời sống”.
Với những địa phương có nhiều người dân từ nơi khác đến khám, chữa bệnh hoặc mưu sinh bằng những công việc vất vả, thu nhập bấp bênh, các mô hình trợ giúp nhân đạo lại hướng đến nhóm người yếu thế. Do đó, mô hình “suất ăn miễn phí” phát triển mạnh ở quận Đống Đa và các huyện: Gia Lâm, Thanh Trì…
Cùng với các chương trình, mô hình triển khai thường niên, năm 2023, Hà Nội còn bổ sung 2 chương trình lớn theo chỉ đạo của Hội Chữ thập đỏ Việt Nam. Với chương trình “Dinh dưỡng cho trẻ em nghèo, khuyết tật”, các cấp Hội Chữ thập đỏ thành phố triển khai đồng bộ trên địa bàn Hà Nội và các tỉnh bạn; còn chương trình “An toàn cho ngư dân nghèo, khó khăn” hướng đến đồng bào vùng khó khăn ven biển thuộc một số tỉnh khu vực miền Trung…
Thống kê của Hội Chữ thập đỏ thành phố Hà Nội cho thấy, toàn thành phố hiện có hơn 770.000 cán bộ, hội viên, tình nguyện viên, thanh thiếu niên chữ thập đỏ. Lực lượng hội viên, tình nguyện viên tích cực có những người đã ngoài 80 tuổi, có những người trẻ tuổi, nhưng có điểm chung là giàu lòng nhân ái.
Điển hình là trường hợp hai chị em Đặng Vũ Ngọc Mai, học sinh Trường Trung học phổ thông Hà Nội Amsterdam và Đặng Vũ Hà Châu, học sinh Trường Trung học cơ sở Đoàn Thị Điểm vừa trao tặng 50 suất học bổng, 75 chiếc xe đạp cho các bạn học sinh có hoàn cảnh khó khăn vào đầu tháng 4-2023. Tổng trị giá các phần quà trao tặng là 200 triệu đồng do hai học sinh này tích cóp, dành dụm từ tiền mừng tuổi và các phần thưởng cho thành tích học tập trong thời gian dài.
Trong quý I-2023, tổng trị giá công tác Chữ thập đỏ của thành phố Hà Nội đạt hơn 82 tỷ đồng, hỗ trợ kịp thời về nhiều mặt cho hàng vạn lượt người. Đặc biệt, hưởng ứng Tháng nhân đạo năm 2023 (diễn ra từ ngày 1-5 đến hết ngày 31-5), hệ thống chính trị của 30/30 quận, huyện, thị xã cùng vào cuộc, tập trung cao điểm nguồn lực để thực hiện hiệu quả các hoạt động trợ giúp nhân đạo.
Nhờ bền bỉ trong cách triển khai, sáng tạo trong việc áp dụng các mô hình mang ý nghĩa nhân đạo, từ thiện, Hà Nội hiện có nền tảng để xây dựng những xã, phường, thị trấn nhân ái, cộng đồng nhân ái, qua đó nhân lên những cái hay, cái đẹp.