Quản lý, nâng cao hoạt động thanh tra, kiểm tra bảo hiểm xã hội

Nguyễn Thị Hương
Bảo hiểm xã hội là một trong những trụ cột của hệ thống an sinh xã hội. Việc quản lý, nâng cao hoạt động thanh kiểm tra là vô cùng cần thiết.

Quản lý hoạt động thanh tra, kiểm tra bằng phần mềm

Nhằm đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) trong hoạt động thanh tra, kiểm tra, góp phần hiện đại hoá các hoạt động nghiệp vụ của ngành, Bảo hiểm Xã hội (BHXH) Việt Nam vừa ban hành Quyết định số 999/QĐ-BHXH về phần mềm quản lý hoạt động thanh tra, kiểm tra phiên bản 1.0.

Phần mềm quản lý hoạt động thanh tra, kiểm tra phiên bản 1.0 thuộc bản quyền của BHXH Việt Nam, là một phần mềm trong hệ thống phần mềm ứng dụng của BHXH Việt Nam.

Ứng dụng công nghệ thông tin, xây dựng phần mềm trong hoạt động thanh tra, kiểm tra theo BHXH Việt Nam là nhằm hiện đại hóa công tác quản lý, giảm tải sử dụng văn bản giấy và sổ sách ghi chép tay; tiết kiệm thời gian cho cán bộ trong công tác báo cáo, tổng hợp; hỗ trợ các tiện ích để nâng cao hiệu quả công tác thanh tra, kiểm tra, đồng thời công tác quản lý hoạt động thanh tra, kiểm tra được toàn diện, bao quát và đồng bộ hơn từ BHXH huyện, thị đến BHXH tỉnh và BHXH Việt Nam…

Hiện phần mềm do Vụ Thanh tra - Kiểm tra phối hợp với Trung tâm Công nghệ thông tin nghiên cứu, xây dựng các tiêu chí và hoàn thiện. Thủ trưởng các đơn vị trực thuộc BHXH Việt Nam, Giám đốc BHXH các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm thi hành quyết định này.

Nâng cao hiệu quả thanh tra, kiểm tra bảo hiểm xã hội

Tại Quyết định số 1418/QĐ-BHXH phê duyệt người đủ điều kiện được thí điểm bổ sung giao thực hiện nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế sẽ có 48 giám đốc bảo hiểm xã hội cấp huyện đủ điều kiện và được phê duyệt tham gia thí điểm bổ sung giao thực hiện nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế.

Đây là những cán bộ đều đã có chứng chỉ/chứng nhận đào tạo nghiệp vụ thanh tra.

thanhtra-20190814031517pm-1670322026.jpg
Quản lý, nâng cao hoạt động thanh tra, kiểm tra bảo hiểm xã hội. (Ảnh minh họa)

Bảo hiểm Xã hội Việt Nam cho biết, TP.Hồ Chí Minh là địa bàn có số giám đốc bảo hiểm xã hội cấp huyện tham gia thực hiện nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành nhiều nhất (16 người); tiếp đến là Hà Nội có 9 người; Bắc Ninh có 4 người; Hải Phòng, Bình Dương, Đồng Nai mỗi nơi có 3 người…

Theo báo cáo của Bảo hiểm Xã hội Việt Nam, tính đến ngày 15/6/2022, toàn ngành này đã tiến hành thanh tra, kiểm tra tại 9.971 đơn vị, trong đó thanh tra chuyên ngành đóng tại 5.366 đơn vị, kiểm tra 3.888 đơn vị và thanh tra liên ngành 717 đơn vị.

Kết quả, qua công tác thanh tra chuyên ngành đã phát hiện 7.219 người lao động thuộc đối tượng phải tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế nhưng chưa tham gia hoặc đóng thiếu thời gian với số tiền phải truy đóng 38,1 tỷ đồng; 16.328 người lao động đóng thiếu mức quy định với số tiền phải truy đóng 17,6 tỷ đồng.

Tổng số tiền các đơn vị được thanh tra, kiểm tra nợ trước khi có quyết định thanh tra, kiểm tra là 1.238,3 tỷ đồng, trong đó các đơn vị đã truy nộp được 950,6 tỷ đồng.

Đáng chú ý, việc thực hiện hiệu quả công tác thanh tra, kiểm tra đã và đang góp phần giảm mạnh số nợ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế. Cụ thể, tính đến hết tháng 6/2022, tỷ lệ nợ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế giảm còn 4,9% so với số phải thu, giảm 266 tỷ đồng so với cùng kỳ năm 2021.

Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước về BHXH

Nâng cao năng lực, hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước về BHXH, nhất là trong việc hoạch định chiến lược phát triển, xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật BHXH. Tăng cường sự phối hợp giữa các cấp, các ngành và địa phương trong lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện chính sách BHXH, kịp thời xử lý những khó khăn, vướng mắc phát sinh.

Nâng cao tính tuân thủ pháp luật về BHXH thông qua thực hiện đồng bộ các biện pháp hành chính, kinh tế, tư pháp để tăng số người tham gia BHXH, đi đôi với chú trọng tăng số người thụ hưởng quyền lợi BHXH, đặc biệt là chế độ hưu trí. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát việc chấp hành pháp luật về BHXH, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các vi phạm, nhất là các hành vi trốn đóng, nợ đóng, gian lận, trục lợi tiền BHXH.

Sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật để đẩy mạnh việc phân cấp cho các cơ quan BHXH; thực hiện giao chỉ tiêu phát triển đối tượng tham gia BHXH cho các địa phương; phân định rõ quản lý Nhà nước với quản trị bộ máy tổ chức thực hiện chính sách BHXH.

Tăng cường công tác phối hợp, chia sẻ, kết nối thông tin, dữ liệu giữa cơ quan quản lý Nhà nước về đầu tư, tài chính, thuế, lao động để nâng cao hiệu quả quản lý đối tượng tham gia BHXH và thực thi chính sách BHXH. Nâng cao năng lực và hiệu quả công tác nghiên cứu lý luận và tổng kết thực tiễn về BHXH. Xây dựng cơ sở dữ liệu về BHXH, bộ tiêu chí đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ và chất lượng cung ứng dịch vụ của cơ quan BHXH.

Triển khai có hiệu quả các chính sách BH thất nghiệp, phát huy đầy đủ các chức năng của BH thất nghiệp, bảo đảm BH thất nghiệp thực sự là công cụ quản trị thị trường lao động. Chi phí tổ chức thực hiện chính sách BH thất nghiệp lấy từ nguồn quỹ BH thất nghiệp, không lấy từ ngân sách Nhà nước. Có cơ chế tuyển dụng, đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ, nhất là trong bối cảnh thị trường lao động biến động nhanh chóng và cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đã và đang làm biến đổi cấu trúc của thị trường lao động.

Mai Trang